loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 3/4, phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương chung là không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16; cần thực hiện nghiêm hơn trong thời gian tới.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sẽ cập nhật danh sách các bệnh nhân mắc COVID-19, các bệnh nhân đã khỏi bệnh (giai đoạn 2, kể từ BN 17) từ các cơ quan chức năng.
“Khóa bên ngoài và cách ly bên trong”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các nước đã có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, phong tỏa, xử lý các vi phạm quy định về cách ly, tụ tập đông người trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, các địa phương và các cấp, các ngành của Trung ương đã thực hiện rất nghiêm túc Chỉ thị 16 với mục tiêu không được để “vỡ trận”, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng ở mức độ cao. Việc cách ly cũng được thực hiện nghiêm túc theo phương châm “khóa bên ngoài và cách ly bên trong”. Quy luật rút ra trên thế giới là nơi nào chống dịch kiên quyết thì nơi đó kinh tế phát triển, phục hồi và ngược lại, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận xét một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 có biểu hiện máy móc và chưa đúng ý nghĩa của việc cách ly xã hội. Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực phòng, chống dịch COVID-19 trong vòng 15 ngày tới, do đó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần phối hợp nhịp nhàng hơn, nhuần nhuyễn hơn; cần làm nhanh nhưng phải chính xác.
Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan báo chí đã đưa tin đậm nét về những tấm lòng nhân ái theo hướng cổ vũ “sức mạnh Việt Nam” trong phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã dự thảo Nghị quyết về an sinh xã hội và sẽ sớm ban hành để hỗ trợ các đối tượng công nhân, người lao động, người yếu thế, người nghèo chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đánh giá về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng nhận xét việc khoanh vùng, xử lý các ổ dịch, nhất là từ Công ty Trường Sinh, quán bar Buddha tại thành phố Hồ Chí Minh đã được thực hiện hiệu quả.
Ghi nhận thành tích của ngành y tế trong điều trị các bệnh nhân COVID-19 với ngày càng nhiều ca được công bố khỏi bệnh, Thủ tướng cũng nêu, trường hợp có những ca tử vong do COVID-19 là bởi có thể do tình trạng ca bệnh quá nặng, bệnh nhân tuổi cao, có các bệnh lý khác…
Mặc dù trong bối cảnh tình hình phức tạp nhưng việc dự trữ hàng hóa thiết yếu vẫn dư dả, dồi dào, giá cả không tăng. Việt Nam xuất khẩu lương thực có kiểm soát và không bao giờ Việt Nam thiếu lương thực trong lúc bị ảnh hưởng dịch bệnh, thời tiết biến đổi không ngừng, Thủ tướng khẳng định.
“Tình đồng chí, nghĩa đồng bào”
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự chung tay của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; “tình đồng chí, nghĩa đồng bào” sâu nặng, thủy chung được thể hiện đầy ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra; đã xuất hiện nhiều tấm gương nhân ái từ Nam chí Bắc giúp đỡ, chia sẻ với người dân, cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, những chiến sỹ Công an hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ như tại Đà Nẵng vừa qua.
Đề cập đến tình hình, kết quả tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong Quý I vừa qua, Thủ tướng nêu rõ: Theo kết quả thống kê, mức tăng trưởng 3,82% tuy thấp, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực, đó là sự cố gắng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân - mục tiêu tối thượng mà Chính phủ đề ra dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời điểm hiện nay.
Trước bối cảnh gia tăng hết sức phức tạp của dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, Thủ tướng lưu ý “nếu không cương quyết, không thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thì sẽ vấp phải bệnh chủ quan và dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng; cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong triển khai các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một cách đồng bộ ở các cấp, các ngành.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần quan tâm sớm hơn, kịp thời hơn đến người nghèo; đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân như điện, nước, gạo, rau xanh, thuốc chữa bệnh…
Cùng với đó, phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đầu cơ hàng giả, hàng kém chất lượng; kiên quyết xử lý hình sự một số đối tượng cố tình vi phạm về phòng, chống dịch bệnh để răn đe, giáo dục chung.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; chuẩn bị trước các tình huống phức tạp, đẩy nhanh hơn việc tự chủ các trang thiết bị y tế, nhất là máy thở. Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo cần chủ động xây dựng đầy đủ kịch bản cho những tình huống dịch lan rộng; chuẩn bị các thủ tục để cơ quan có thẩm quyền quyết định khi cần thiết, tránh bị động, lúng túng.
Về nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường phát hiện sớm để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. “Xã hội chậm lại, nhưng những người làm công tác phòng, chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế cần tăng tốc, tăng tốc hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa”, Thủ tướng đề nghị.
Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu chuẩn bị tốt kế hoạch xây dựng Bệnh viện dã chiến, trưng dụng các khách sạn, trường học khi cần thiết trong thời gian nhanh nhất.
Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành cần thay đổi tư duy, phương pháp làm việc, bởi đây là nguy cơ, nhưng cũng là thời cơ phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin; đẩy mạnh kinh tế số, thương mại điện tử; đây cũng là dịp cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa trong cung cấp dịch vụ công.
Thủ tướng lưu ý cần chú trọng đảm bảo tốt an ninh trật tự, an ninh nông thôn, phòng chống tội phạm trộm cắp, cướp tài sản, giết người; xử lý nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực liên quan đến dịch bệnh, kể cả người nước ngoài.
Thủ tướng lưu ý tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các nhà dưỡng lão, trung tâm cai nghiện, trại giam trong cả nước.
Toàn quốc hiện có 5.245 chiếc máy thở
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, qua rà soát, giám sát, quản lý sức khỏa các trường hợp đã đến bệnh viện Bạch Mai, đến 18h00 ngày 2/4, đã rà soát 4.593 bệnh nhân nội trú, 1.299 bệnh nhân ngoại trú (các tỉnh báo về), 30.617 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.167 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 145 người làm cho công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan, tổng số 44.474 người. Các trường hợp này đã được các địa phương giám sát, thực hiện cách ly tại nhà hoặc tập trung cho một số đối tượng.
Theo số liệu báo cáo của Hà Nội, tính đến 12h00 ngày 2/4, đã rà soát được 21.956 người có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, đáng lưu ý là đã rà soát 1.980 bệnh nhân nội trú ra viện từ ngày 10-28/3/2020.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng cho biết, trên toàn quốc hiện có 5.245 chiếc máy thở, dự kiến có thể huy động được 1.315 máy thở nếu dịch xảy ra ở cấp độ 3, 4. Việc mua máy thở phục vụ chống dịch COVID-19 đã được trung ương và địa phương mua dự phòng 273 chiếc, đã nhận 155 chiếc; đang khẩn trương mua tiếp 1.458 máy thở.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo, trong gần hai tháng qua, các biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã được thực hiện, đảm bảo ngăn chặn được lây nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Biện pháp ngăn chặn các ca xâm nhập gồm: Dừng cấp VISA, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh…
Thực hiện cách ly toàn xã hội về thực chất là giãn cách xã hội, được nhiều nước áp dụng để ngăn chặn các trường hợp xâm nhập đã bị bỏ sót (ước tính số bỏ sót cao qua các chu kỳ lây nhiễm có thể lên tới trên 1.500 người). Hầu hết các nước áp dụng khi phát hiện trên 50 trường hợp; Việt Nam áp dụng khi số ca nhiễm là dưới 20 trường hợp trong một ngày. Chính sách này là phù hợp, kịp thời để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng./.
Quang Vũ
loading...