loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 30/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp.
Sáng 15/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ để triển khai công việc của Chính phủ trong thời gian tới. Đây là phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi Chính phủ được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương thần tốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc"; yêu cầu siết chặt trách nhiệm cá nhân, tập thể trong phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực hết sức phức tạp, khó dự đoán, khó kiểm soát, tác động lớn đến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Nhận thức được vấn đề nêu trên, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tích cực bám sát tình hình, kịp thời đưa ra các chỉ đạo quyết liệt.
Cùng với đó là sự vào cuộc khẩn trương của các địa phương, bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự ủng hộ của đa số nhân dân nên trên thực tế, tới nay Việt Nam cơ bản đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Qua đó, tạo nên niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cảnh báo, một số cơ sở, địa phương và cá nhân thời gian qua thực hiện chưa thực sự nghiêm túc, chưa hiệu quả các chỉ đạo, quy định phòng, chống dịch; có nơi xuất hiện sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt, việc tiếp nhận, cách ly, điều trị mầm bệnh do người nhập cảnh từ bên ngoài mang vào trong nước cũng chưa tốt; việc quản lý, theo dõi người cách ly y tế sau 14 ngày còn lỏng lẻo. Do đó, nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát dịch tiếp theo ở Việt Nam là rất lớn và khó dự báo, nhất là sau khi đã xuất hiện một số ca lây nhiễm trong cộng đồng như những ngày vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan chức năng xem xét biểu dương những cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân làm tốt, thực hiện nghiêm túc và không để xảy ra sự cố; đồng thời kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm khắc các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định, để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định mục tiêu cao nhất trong phòng, chống dịch COVID-19 là bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân và thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch có hiệu quả nhưng cũng phải phát triển kinh tế-xã hội để tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch cũng như ổn định tình hình chính trị, xã hội. Đặc biệt, phải làm tốt công tác kiểm soát dịch để tập trung bảo vệ thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, các Nghị quyết của Chính phủ, kết luận và chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là người đứng đầu, căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cần vào cuộc tích cực hơn nữa trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, cần cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi nhân dân cả nước tiếp tục đồng lòng cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, phát huy những kết quả đã đạt được, vì sức khỏe cộng đồng, mỗi cá nhân, vì lợi ích quốc gia dân tộc, tự giác thực hiện các quy định của chính quyền, cơ quan chức năng, làm tốt hơn nữa phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tiếp theo.
Từ những dự báo, thực tế diễn biến dịch bệnh và mục tiêu trên, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có những biện pháp quyết liệt, tích cực hơn; bám sát thực tiễn để bổ sung và siết chặt việc tổ chức thực hiện các quy định, quy chế phòng, chống dịch. Đặc biệt, các cơ quan chức năng, địa phương phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa, bằng mọi biện pháp truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, khắc phục hậu quả của sự cố lây nhiễm dịch hiện nay, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Thủ tướng cũng lưu ý, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch phải thực sự là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống dịch. Do đó cần linh hoạt, sáng tạo, làm tốt hơn nữa, nghiêm túc hơn nữa, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ và hiệu quả hơn. Các tỉnh biên giới cần tăng cường kiểm soát, nắm chắc tình hình, đưa ra các giải pháp phù hợp theo quy định, quy chế phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương đề cao cảnh giác, bình tĩnh, tỉnh táo, sáng tạo, linh hoạt trong phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm các điểm phát sinh dịch, nhanh chóng ổn định tình hình. Khi xuất hiện ca lây nhiễm, cần khẩn trương truy vết, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí xác định các mức độ của dịch bệnh như thế nào là lây nhiễm, thế nào là có dịch, thế nào là nguy cơ cao, nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, đồng thời thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát để các cơ quan, đơn vị chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, không trông chờ, ỷ lại hay xin ý kiến cấp trên; chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tích cực tìm nguồn vaccine để tổ chức tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị với tinh thần mạnh mẽ, kịp thời và tích cực hơn, tiếp cận nhiều nguồn hơn; bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thủ tướng cũng đồng ý với các đề xuất của các bộ, ngành tại cuộc họp như sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác phòng, chống dịch...
Việt Đức-Phạm Tiếp/TTXVN
loading...