A+ A A- Kiểu đọc sách

Thủ tướng chấp thuận, người dân đồng thuận mới được làm BOT

08:16 31/08/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến các dự án giao thông BOT (Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xác định rõ các hạn chế và đang hoàn chỉnh, thống nhất các chính sách chung để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

BOT là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Đảng, Nhà nước và Chính phủ  xác định: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong ba khâu đột phá.

Chú thích ảnh
Việc minh bạch tại Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) và để người dân giám sát mức phí đang được dư luận quan tâm. Ảnh Minh Trí/TTXVN

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho giao thông ngày càng hạn hẹp, ngành GTVT đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách dự kiến chỉ cân đối khoảng 11%, vì vậy quan điểm của Bộ GTVT là đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực của tư nhân để đầu tư các công trình xây dựng mới.

Đối với các dự án BOT, Bộ GTVT sẽ xem xét đảm bảo quyền đi lại tối thiểu của người dân và người sử dụng dịch vụ có quyền lựa chọn khi tham gia giao thông. Đối với dự án cải tạo, nâng cấp cấp bách, thiếu vốn, phải có ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, hiệp hội vận tải và chỉ triển khai khi có sự đồng thuận.

Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 58 dự án đường bộ BOT (170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (16.305 tỷ đồng). Đến nay, các dự án vốn ngoài ngân sách đã phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Kết quả tính toán của đơn vị tư vấn độc lập cho thấy, các dự án đưa vào khai thác đã tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác so với khi công trình chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Điển hình, các cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại; QL1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30%; QL14 đoạn Pleiku - Cầu 110 (tỉnh Gia Lai) giảm khoảng 37%; QL14 đoạn qua Đắk Nông giảm khoảng 30%... Đồng thời, người sử dụng đã giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, đi lại an toàn hơn.

Đối với nhà đầu tư, lợi nhuận được xác định cụ thể trong phương án tài chính trên nguyên tắc đảm bảo các chỉ tiêu hiệu quả của dự án và kết quả đàm phán giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư theo đúng Thông tư số 166 ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính. Cụ thể, đối với các dự án BOT triển khai trong thời gian vừa qua, mức lợi nhuận dao động trong khoảng từ 11 - 12%/năm đối với phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã huy động để thực hiện dự án, còn phần vốn vay, nhà đầu tư hoàn toàn không được hưởng lợi nhuận.

Dừng thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường cũ

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, không thể cân đối bố trí vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã lựa chọn đầu tư các dự án theo hình thức BOT trên cơ sở kiến nghị của địa phương, nhu cầu thực tế, phù hợp quy hoạch được phê duyệt, ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chú thích ảnh
Cao tốc BOT Nội Bài - Lào Cai phát huy hiệu quả kinh tế khi đưa vào khai thác. Ảnh Tiến Hiếu/Báo Tin Tức

Khi xác định cơ bản về dự án, Bộ GTVT tổ chức công bố danh mục dự án theo quy định và tiến hành lựa chọn nhà đầu tư sau khi dự án được phê duyệt. Trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư 03/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay được Chính phủ quy định tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP). Việc công bố danh mục dự án và quá trình lựa chọn nhà đầu tư đều được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT.

Công tác lựa chọn nhà đầu tư ở tất cả dự án BOT giai đoạn 2011 - 2015 đều áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đều tuân thủ quy định của Chính phủ tại Điều 14 Nghị định 108/2009 của Chính phủ (dự án cấp bách được Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc sau khi hết thời hạn 30 ngày công bố danh mục dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký). Bộ GTVT nhận định, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trong lựa chọn nhà đầu tư là một hạn chế và đã khắc phục ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại như: Nguồn vốn đầu tư huy động tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ nên chưa tác động tích cực đến việc tái cơ cấu thị phần vận tải; một số trạm thu phí bố trí chưa hợp lý dẫn tới người dân không có sự lựa chọn; thông tin về dự án chưa được công bố rộng rãi để người dân giám sát; chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài…

Bộ GTVT và Tiền Giang đồng thuận vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy

Bộ GTVT và Tiền Giang đồng thuận vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy

Hơn 2 tuần tạm ngừng hoạt động, trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn chưa có mốc thời gian thu phí trở lại.

Trước thực tế này, Bộ GTVT đang hoàn thiện chính sách đồng nhất, nhằm giải quyết tồn tại của các dự án BOT trên toàn quốc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bộ GTVT chủ trương dừng thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư BOT với các tuyến mới để có sự lựa chọn cho người dân và các phương tiện. Trường hợp cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, phải kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải tham vấn đầy đủ các ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng, có thể xem xét xin ý kiến Quốc hội…

Đối với bất cập của các trạm thu phí, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá sử dụng đường bộ tại các trạm thu giá BOT trên nguyên tắc vẫn đảm bảo khả thi phương án tài chính của các dự án. Đồng thời, minh bạch từ giai đoạn chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, đến quá trình xây dựng và khai thác dự án.

Cụ thể, Bộ GTVT đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án BOT, BT hoàn thành, nhằm xác định chi phí thực tế đầu tư và thời gian thu phí hoàn vốn của công trình để công khai cho người dân giám sát. Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác quyết toán của 54 dự án BOT, BT đưa vào khai thác, sử dụng, trong đó có 51 dự án BOT.

Theo Đăng Sơn - Tin Tức

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...