A+ A A- Kiểu đọc sách

Thư Trường Sa: Bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa giữa Trường Sa

08:15 05/06/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Bất ngờ trên hải trình ra Trường Sa, tại "đảo dừa" Nam Yết (thôn Nam Yết, xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi bắt gặp một Trung tâm Văn hóa cao 3 tầng, với diện tích 1.800m2, mang phong cách nhà truyền thống của Việt Nam. Điểm nhấn của Trung tâm là hội trường tầng 1, nơi có một bảo tàng thu nhỏ với những hiện vật, hình ảnh, tài liệu khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong bảo tàng thu nhỏ này, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng mô hình đội thuyền buồm nhẹ mà lướt nhanh trên biển Đông thời chúa Nguyễn đến những con tàu biển, tàu ngầm hiện đại, tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Việt Nam.

Bên cạnh đó là bộ sưu tập những tấm bản đồ cổ và bộ sưu tập các văn bản tài liệu, các Châu bản về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được sắp xếp theo thứ tự từ thời phong kiến, sang thời chống Pháp, chống Mỹ, đến thời chế độ Việt Nam Cộng hòa  và sau này.


Góc trưng bày Nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo

Hoàng Sa, Trường Sa xưa kia liền một

Từ lâu hai quần đảo này đã thuộc quyền quản lý và khai thác của người Việt Nam. Ngay từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được gộp thành một và có tên là “bãi cát Vàng”, “Hoàng Sa” hoặc “Đại Trường Sa” hay “Vạn lý Trường Sa”.

Các bản đồ của phương Tây đều vẽ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa làm một với tên gọi “Pracel”, “Parcel” hay “Paracels”. Tài liệu chính thức của các Nhà nước Việt Nam đã ghi chép với hoạt động của các đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thời chúa Nguyễn sang thời Sơn Tây tới đầu triều Nguyễn.

Trong các Châu bản có những bản tấu, phúc tấu của các định thần như Bộ Công, Bộ Hộ và các cơ quan khác chỉ dụ của nhà vua về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo như việc vãng thăm, đo đạc, vẽ họa đồ, cắm mốc, trồng cây...

Trước năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có nhiều văn bản và hoạt động khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau năm 1976, Tổ quốc được thống nhất, nước CHXHCN Việt Nam tiếp thục thực thi chủ quyền của mình với hai quần đảo này.

Trưng bày là những chứng cứ xác thực, là trực quan sinh động khích lệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo giữ vững tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời giúp cán bộ, nhân dân từ đất liền, kiều bào ta ở nước ngoài khi ra thăm đảo, hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Giấy chứng sinh của một công dân Hoàng Sa

Đặc biệt, tại trưng bày, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy một tờ Giấy chứng sinh của một công dân Việt Nam được sinh ra tại quần đảo Hoàng Sa năm 1939 do phái đoàn của Cộng hòa Pháp thuộc nước An Nam tại đảo Hoàng Sa cấp ngày 28/8/1940.

Mặc dù thời gian đã quá lâu, nhìn giấy chứng sinh đã ố màu nhưng những thông tin chính về một công dân Việt Nam được chính quyền sở tại xác nhận về sự ra đời vẫn còn nguyên vẹn, đầy đủ.



Giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy, công dân trên đảo Hoàng Sa

Thông tin trên Giấy chứng sinh như sau: Họ và tên em bé: Mai Kim Quy; giới tính: Nữ; con ông Mai Xuân Tập, (là cha, nhân viên khí tượng) và bà Nguyễn Thị Thắng (mẹ, làm nghề nội trợ).

Tên người làm chứng thứ nhất: Nguyễn Tăng Chuẩn, bác sĩ Đông Dương; người làm chứng thứ hai: Đỗ Đức Mai, GĐ Đài Phát thanh.

Người đại diện ký tên dưới giấy chứng sinh này là Chauvet (Đại diện phái đoàn ở đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, thuộc nước An Nam).

Giấy chứng sinh này, thực ra chỉ là một thủ tục tư pháp rất nhỏ và đơn giản, nhưng nó cho thấy được đời sống dân sự ở Hoàng Sa thời điểm đó được đặt ra rất chặt chẽ. Qua đây, chúng ta càng thấy rõ hơn được chủ quyền của Việt Nam đã được thực thi một cách đầy đủ và trọn vẹn ở Hoàng Sa.  

Như vậy, bên cạnh hệ thống các bản đồ, các văn bản tài liệu lịch sử, các Châu bản từ các triều đại phong kiến trước, tư liệu sống động, rất đời thường, gần gũi này mang lại cho người xem một cái nhìn tổng thể, đầy đủ và sâu nhất về những chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Bia chủ quyền năm 1956 trên đảo Nam Yết

Trên đảo Nam Yết chúng tôi còn được đến thăm một tấm bia đá cổ ghi rõ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát, nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22/8/1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. 

Bia đá chủ quyền năm 1956 trên đảo Nam Yết

Hiện nay Việt Nam đang đóng giữ và quản lý 21 hòn đảo với 33 điểm đóng quân tại quần đảo Trường Sa; đồng thời không ngừng củng cố và phát triển các cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...