loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 5/2, Bộ Y tế tổ chức buổi cung cấp thông tin dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các vụ, cục liên quan, các chuyên gia về vệ sinh dịch tễ.
Chiều 5/2, trong buổi cung cấp thông tin của Bộ Y tế về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, lãnh đạo Bộ Y tế đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo, phóng viên xoay quanh vấn đề về bệnh dịch, cách phòng tránh, điều kiện chữa trị của Việt Nam và nhiều thông tin liên quan khác.
Bộ Y tế cho biết, tính đến 14 giờ ngày 5/2, trên thế giới có hơn 24.500 ca mắc nCoV, 493 ca tử vong, 3.223 ca nguy kịch. Đặc biệt, đã có 907 ca bình phục, xuất viện.
Tại Việt Nam, số liệu mới nhất cho thấy đã phát hiện 10 ca nhiễm; 3 ca khỏi, xuất viện (Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Khánh Hòa). Việt Nam là một trong 28 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc nCoV.
Hiểu phương thức lây truyền để bình tĩnh phòng chống dịch
Tại cuộc họp, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, ngày 5/2, trên thông tin đại chúng cho thấy, Trung Quốc có thông tin khả quan, con số nghi nhiễm giảm đi, trong khi con số chữa khỏi tăng lên. Trung Quốc đang rất kỳ vọng vào các giải pháp phòng chống nCoV.
Chia sẻ thông tin về loại virus mới này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, chủng virus này cùng họ coronavirus. Chủng này có 6 nhóm lớn, nCoV chính là nhóm thứ 7; trong nhóm coronavirus có 3 đợt dịch: SARS 2003, MERS-CoV và New Coronavirus - nCoV.
Virus này có 3 phương thức lây truyền chủ yếu đó là qua không khí (lây qua tiếp xúc giọt nước bọt từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp); lây trực tiếp (khi tiếp xúc trực tiếp người bệnh, ngay cả bắt tay người bệnh mà không thực hành các biện pháp phòng bệnh vẫn bị lây);lây truyền từ các bề mặt bị nhiễm bẩn.
Khi ho, hắt hơi ra ngoài môi trường, virus này không lơ lửng trên không khí (nguy cơ mức độ thấp) mà chủ yếu lây qua tiếp xúc. Khi ra ngoài, virus tồn tại trên các bề mặt khá lâu, khi ta sờ vào các bề mặt đó rồi đưa lên mũi, mắt, miệng… là đường lây truyền đáng quan ngại. Thêm một đường nữa được các nhà khoa học báo cáo là qua đường phân, thường trong chăm sóc người lây nhiễm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, khả năng lây lan của virus này có thể nói là rất nhanh, phải triển khai các biện pháp cần thiết mới khống chế được. Theo Thứ trưởng, phòng bệnh do nCoV phải kết hợp tất cả các biện pháp. Trong đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn khuyến cáo rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. Vì 10 phút một lần, con người lại có thói quen đưa tay lên mặt, không nằm trong ý thức mà trong tiềm thức. Ngoài ra, vệ sinh bề mặt, tránh tiếp xúc đám đông, tiếp xúc người bị bệnh là rất quan trọng.
Không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu với virus, vì thế, phải tránh việc tiếp xúc trực tiếp qua không khí với người nghi nhiễm bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần đứng cách xa người có biểu hiện lâm sàng như: ho, hắt hơi, sổ mũi trên khoảng 1m là có thể ngăn được việc nhiễm bệnh.
Để tránh đào thải mầm bệnh ra ngoài môi trường, khi ho, hắt hơi, sổ mũi, mọi người cần dùng giấy, khẩu trang, tay che, sau đó phải bỏ vật đó vào thùng rác có nắp đậy kín và phải rửa tay. Đây là những biện pháp đơn giản nhưng có ý nghĩa trong việc phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc trong vòng từ 15 phút đến 2 giờ đồng hồ trong các phòng công cộng; không nên tiếp xúc với đám đông khi chưa biết rõ tình hình dịch; tránh những nơi tập trung đông người; đồng thời phải có biện pháp vệ sinh bề mặt, thường xuyên lau rửa dụng cụ bàn ghế bằng thuốc sát khuẩn thông thường mà hiện nay đang sử dụng.
Lý giải lý do virus này lây nhanh và khó kiểm soát, Thứ trưởng Long cho biết, khác với SARS, virus nCoV này lây trong thời gian ủ bệnh. Khi chưa có triệu chứng nào, người bệnh đã có thể lây nhiễm cho người khác. Bên cạnh đó, người bệnh có thể có những triệu chứng rất nhẹ như chỉ có biểu hiện đau mỏi cơ, sốt nhẹ thoáng qua hay ho nhẹ nhưng thật ra lại nhiễm virus nCoV nên dễ bỏ sót một số trường hợp bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trang web của Tổ chức Y tế Thế giới có khuyến cáo: “Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học bảo vệ có ích với người không bị bệnh”. Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “ virus nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím và cả môi trường thông thoáng khí nên phải mở cửa sổ tạo thông thoáng khí. Ngoài điều kiện tự nhiên như có nắng, có gió, không nhất thiết phải dùng khẩu trang”. Thời gian ủ bệnh từ 1-14 ngày. Trung bình 11 ngày đổ lại là đủ cách ly. Cách ly 14 ngày là thời gian dài nhất để đảm bảo yên tâm không lây nhiễm bệnh.
Phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận thế giới
Hiện nay không có thuốc điều trị dự phòng và đặc hiệu với virus Corona. “Việc điều trị dựa trên nguyên tắc cơ bản là điều trị triệu chứng hạ sốt; bảo đảm dinh dưỡng và cân bằng điện giải, ăn uống đầy đủ; theo dõi sát những vấn đề liên quan đến độ bão hòa ô-xy trong máu (vấn đề hô hấp). Nếu phát hiện suy hô hấp sẽ can thiệp. Can thiệp cũng có 3 mức: Mức nhẹ chỉ cần cho thở ô-xy; mức hai là can thiệp bằng thở có hỗ trợ; mức ba là thở máy. Không phải bệnh nhân nào cũng cho thở máy”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Đa phần bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng. Bệnh nhân người Trung Quốc có nhiều bệnh lý nên các bác sỹ đã cho thở ô-xy chứ không thở máy. Hiện có ba bệnh nhân xuất viện bằng điều trị đơn giản.
Bộ Y tế đưa ra phác đồ điều trị và dự phòng tại các cơ sở y tế chặt chẽ. Phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận thế giới và thành công điều trị 10 ca bệnh.
“Bài học kinh nghiệm trong dịch SARS và phòng các bệnh lây nhiễm trong điều kiện còn thiếu thốn là mở hết tất cả cửa sổ, điều trị triệu chứng, theo dõi sát, lập phòng cách ly có vùng đệm để không lây nhiễm trong các cơ sở y tế”, Thứ trưởng Long thông tin.
Hiện Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các bệnh viện Trung ương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Các bệnh viện Trung ương tuyến cuối dự trữ hơn 3 nghìn giường bệnh. Hà Nội có gần 2 nghìn giường bệnh sẵn sàng cho tình huống xấu nhất; không xây bệnh viện dã chiến mà sử dụng bệnh viện sẵn có. Khánh Hòa đưa ra ba phương án, nếu đông chuyển sang bệnh viện phổi, bệnh viện da liễu... Các địa phương đều có phương án chuẩn bị cho các trường hợp điều trị phù hợp nhất, vì thế, không nên quá hoang mang về việc này.
Thực hiện cách ly ba vòng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, so với dịch SARS, đang có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát được virus Corona. “Quan điểm là hạn chế và cách ly với người đi về từ vùng có dịch đến Việt Nam. Đây là biện pháp quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh. Thủ tướng đã có chỉ đạo, những trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích công vụ và người Việt Nam đi từ vùng có dịch (31 địa phương của Trung Quốc) sẽ được cách ly tại cơ sở. Đến ngày 5/2, khoảng 900 người đã được cách ly tại các tỉnh biên giới và hầu hết là người Việt Nam. Từ khi có dự lệnh được ban hành đến nay, chưa có người Trung Quốc nào nhập cảnh vào Việt Nam. Những người Trung Quốc về nước được tạo điều kiện giúp đỡ, phía Trung Quốc tạo điều kiện cho người Việt Nam về nước. Một số thông tin nói địa bàn này, địa bàn kia có người tràn vào là không chính xác”, Thứ trưởng Long khẳng định.
Bên cạnh đó, việc cách ly trường hợp đã nhập cảnh vào những ngày qua được chia ba cấp độ. Thứ nhất là người bị bệnh: lập tức cách ly tại cơ sở y tế tuyệt đối. Thứ hai là đối với các cá nhân đi từ tỉnh Hồ Bắc về (có 17 điểm có dịch) cách ly tập trung. Số này ít và nằm tại các địa phương. Đối tượng là người tiếp xúc, hoặc đi Trung Quốc về địa phương phải cách ly tại gia đình và cách ly này dưới sự giám sát của cơ quan quản lý y tế, các cấp chính quyền địa phương. Người đó không được đi ra khỏi nhà. Nếu là khách lưu trú tại các điểm khách sạn, lập tức cách ly tại cơ sở đó. Thứ ba là người tiếp xúc được cách ly hạn chế, đây là những biện pháp đang thực hiện để ngăn chặn dịch.
Với trường hợp tại Vĩnh Phúc, đoàn công tác tiến hành ba vòng cách ly. Tiếp tục kiến nghị cách ly vòng thứ 4 với những người tiếp xúc với người tiếp xúc, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, giảm thiểu tốt nhất. Khi có dịch phải khoanh vùng, dập dịch, hạn chế tối đa lây nhiễm.
Việt Nam có đủ năng lực xét nghiệm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, hiện Việt Nam có đủ năng lực xét nghiệm và đang tiếp tục tập huấn chuyên môn, chỉ đạo đối với các địa phương, đặc biệt những nơi có cửa khẩu, cách ly để tập huấn nhanh nhất, chuyển giao kỹ thuật nhanh nhất để xét nghiệm tại địa phương. Quảng Ninh là tỉnh đã có thể thực hiện xét nghiệm được.
Bộ xét nghiệm (test kit) có từ nhiều nguồn, từ nguồn hỗ trợ của hợp tác liên viện giữa các viện Việt Nam với nước ngoài, nguồn CDC Hoa Kỳ. Đặc biệt Việt Nam may mắn đã sản xuất được. Hiện các cơ sở sản xuất đang nỗ lực đảm bảo đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm corona virus. Mục tiêu là xét nghiệm sàng lọc để giảm bớt những trường hợp cách ly. Tuy nhiên khi những người này trở về, địa phương phải theo dõi và giám sát chặt chẽ.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Việt Nam, Trung Quốc... đã đi đúng hướng. Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Chúng ta cần bình tĩnh, tránh khủng hoảng để chiến thắng dịch bệnh. Cùng bĩnh tĩnh phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong việc phòng tránh dịch. Quan điểm là huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị vào công tác này”.
Ng. Bích - TTXVN
loading...