Trong buổi lễ thông xe hầm Thủ Thiêm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Chính phủ đánh giá cao việc hoàn thành và đưa vào hoạt động công trình đại lộ Đông - Tây, hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn và tin tưởng công trình này sẽ được đưa vào hoạt động hiệu quả, an toàn.
Hầm Thủ Thiêm Giảm tải và giải quyết ùn tắc giao thông
14 giờ chiều ngày 20/11, lễ thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông - Tây đã diễn ra trong niềm vui của hàng triệu người. Khoảng 500 khách mời là lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận, đại diện đại sứ quán Nhật Bản và tập đoàn đầu tư nước ngoài đến tham dự buổi l.
Ông Trịnh Duy Quyến, 60 tuổi, sống tại quận 2 đã đứng cách xa nơi tổ chức lễ thông xe hơn 1km và rất muốn vào tận bên trong để được tận mắt chứng kiến buổi lễ diễn ra thay vì xem qua truyền hình trực tiếp.
“Tôi là người dân sống 4 thế hệ tại vùng đất Thủ Thiêm và cũng là một trong những người dân bị giải tỏa, thu hồi nhà đất để phục vụ công trình này. Thực sự tôi rất vui khi biết công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Từ nay, người dân ở quận 2, phía Đông của TP sẽ hưởng được những lợi ích của công trình to lớn, đầy ý nghĩa này mang lại” - ông Quyến vui mừng nói.
Vào những năm 1998, các tuyến đường nội thành đã bắt đầu xuất hiện tình trạng quá tải các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe gắn máy. Các phương tiện vận tải hàng hóa cũng phát triển không ngừng. Trong khi đó mạng lưới cầu đường của TP vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đến ngày hôm nay, sau 6 năm thi công, toàn tuyến đại lộ Đông - Tây đã hoàn thành với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 16 ngàn tỷ đồng. Trong đó vốn vay ODA Nhật Bản chiếm 65%, vốn ngân sách TP.HCM chiếm 35% tổng vốn đầu tư.
Tại buổi lễ, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đại lộ Đông - Tây và hầm Thủ Thiêm đã rút ngắn thời gian đi lại, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên trục Đông - Tây TP; tạo ra con đường ngắn nhất nối khu đô thị trung tâm hiện hữu của TP với khu đô thị mới Thủ Thiêm, hình thành bộ khung hạ tầng giao thông khu đô thị mới, tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía Đông của TP. Trước mắt, khi đưa vào hoạt động hầm Thủ Thiêm sẽ góp phần giải tỏa áp lực cho cầu Sài Gòn đang quá tải trầm trọng.
Cũng trong chiều qua, hàng ngàn người dân TP đã đi bộ tham quan hầm Thủ Thiêm.
Quang cảnh hầm Thủ Thiêm Trục giao thông chiến lược
Với việc hầm Thủ Thiêm được đưa vào vận hành, toàn tuyến đại lộ Đông - Tây đã thông suốt với tổng chiều dài 21,89 km, gồm đường Võ Văn Kiệt dài 14,317 km, hầm Thủ Thiêm dài 1,49 km và phần còn lại của đại lộ Đông - Tây (phía cuối hầm quận 2 đến phà Cát Lái) dài khoảng 6 km. Ngoài việc giúp giảm tải, giảm ùn tắc giao thông, đại lộ Đông - Tây còn kết nối với đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương ở phía Tây và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây ở phía Đông. Nó trở thành trục giao thông chiến lược, nối kết TP.HCM với 2 vùng kinh tế lớn, tạo động lực, thúc đẩy phát triển toàn vùng.
Để thực hiện thành công dự án này, TP.HCM đã phải tiến hành giải tỏa một số lượng hơn 6.700 hộ dân và hơn 360 cơ quan, đơn vị. “Trong quá trình thực hiện dự án, khó khăn lớn nhất chính là khâu đền bù giải tỏa mặt bằng. Tuy nhiên với sự tập trung của toàn bộ hệ thống chính trị, công tác giải tỏa mặt bằng đã diễn ra nhanh chóng, đúng tiến độ của dự án và những người dân trong diện giải tỏa đã có cuộc sống ổn định sau khi tái định cư” - ông Lê Hoàng Quân đã khẳng định trong buổi lễ thông xe hầm Thủ Thiêm.
Những chuyến phà cuối cùng
Cũng trong sáng ngày 20/11, có mặt bến phà Thủ Thiêm, chúng tôi chứng kiến những chiếc phà vẫn cần mẫn hoàn thành nốt nhiệm vụ của mình. Còn những vị khách trong khi chờ phà qua bờ quận 2 thì xôn xao hỏi han về việc lưu thông xe qua hầm Thủ Thiêm trong những ngày tới.
Chị Trần Thị Hồng, nhân viên có thâm niên hơn 20 năm tại bến phà Thủ Thiêm tâm sự: “Phà sẽ còn hoạt động đến hết ngày cuối tháng 11, sau đó anh em chúng tôi sẽ chuyển về phà Cát Lái làm việc. Mấy hôm nay, mấy anh em chúng tôi cũng có cảm giác vui, buồn lẫn lộn vì một công trình lớn của TP.HCM đưa vào phục vụ người dân và mình sắp chia tay với bến phà quen thuộc, nơi mà chúng tôi đã gắn bó nhiều năm qua”.
Dự kiến bến phà Thủ Thiêm sau này sẽ được chuyển thành bến thuyền phục vụ du lịch.
Đường hầm Thủ Thiêm có bề rộng 33m, gồm 6 làn xe, trong đó mỗi chiều lưu thông có 2 làn ô tô và 1 làn xe máy. Đối với ô tô con, ô tô khách được lưu thông 24/24 giờ, xe mô tô và xe gắn máy chỉ được lưu thông từ 6 - 21 giờ mỗi ngày. Còn ô tô có trọng tải 2,5 tấn hoặc có tổng trọng tải dưới 5 tấn được phép lưu thông qua hầm từ 8 - 16 giờ và từ 20 - 6 giờ sáng ngày hôm sau. Những xe ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn hoặc có tổng trọng tải trên 5 tấn chỉ lưu thông từ 0 - 6 giờ sáng.
|
Thái Nguyên - Anh Đức