loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Vào đêm 7/8, rạng sáng ngày 8/8/2017, người dân Việt Nam cùng nhiều nơi khác trên thế giới có cơ hội được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực một phần.
Nguyệt thực là gì?
Hiện tượng nguyệt thực xảy ra khi mặt trăng chuyển dịch đến nửa phần trái đất không hướng về phía mặt trời. Khi đó mặt trăng, trái đất, mặt trời sẽ cùng hoặc gần cùng nằm trên một đường thẳng. Bóng tối của trái đất sẽ che khuất mặt trăng và xảy ra hiện tượng nguyệt thực.
Khi mặt trăng đi vào sâu hơn bóng của trái đất, mặt trăng sẽ dần dần thay đổi màu, chuyển từ bạc sang màu cam hoặc đỏ. Điều này là do một số ánh sáng mặt trời gián tiếp vẫn vươn tới mặt trăng sau khi đi qua bầu khí quyển của trái đất, vốn khuếch tán ánh sáng màu xanh. Chỉ những ánh sáng đỏ mới chạm tới mặt trăng, khiến nó có màu đỏ. Tuy nhiên lần nguyệt thực một phần này mặt trăng chỉ lướt qua rìa vùng bóng tối của Trái đất nên ta sẽ chỉ thấy mặt trăng bị "cạp" mất một mảng tối lớn.
Như vậy Việt Nam chúng ta đang ở khu vực thuật lợi nhất cho việc quan sát nguyệt thực, cùng với đó những khu vực khác như Châu Phi và Châu Đại Dương đều có thể quan sát được.
Hướng dẫn quan sát
Bạn hãy chọn một khu vực rộng rãi nhất và trong lành nhất có thể, càng tránh xa khỏi ánh đèn đô thị càng tốt. Đây là một hiện tượng thiên văn có thể quan sát được bằng mắt thường nhưng sẽ thú vị hơn nếu bạn có một chiếc ống nhòm hoặc kính thiên văn. Mặt Trăng rất lớn nên dễ dàng định vị được trong quá trình quan sát.
Diễn biến nhật thực tại Việt Nam cụ thể như sau (theo giờ VN UTC+7):
- Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối: 22:50 ngày 7/8
- Bắt đầu pha một phần: 0:22 ngày 8/8
- Đạt cực đại: 01:20 ngày 8/8
- Kết thúc pha một phần: 02:18 ngày 8/8
- Mặt trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối: 03:50 ngày 8/8
Video minh họa quá trình diễn ra nguyệt thực một phần vào rạng sáng ngày 8/8/2017:
Năm 2015 người dân Việt Nam đã từng được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực toàn phần vào ngày 04/04. Ngày 31/01/2018 tới chúng ta sẽ lại được chứng kiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần nữa đấy. Đừng bỏ lỡ sự kiện hiếm có này.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Hoàng Quốc Phương, Chủ tịch Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho biết: “Thời điểm này, một phần của mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ thẫm. Người dân có thể quan sát rõ nhất vào khoảng hơn 1h sáng 8/8”.
Người dân ở hầu hết các khu vực tại châu Á, châu Phi, châu Âu và Australia cùng Nam Cực được chiêm ngưỡng hiện tượng đặc biệt nguyệt thực một phần trong đêm 7/8.
Theo Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội
loading...