(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc sống của những người quyền lực nhất thế giới, nguyên thủ quốc gia của những cường quốc, có lẽ khó hạnh phúc trọn vẹn với bộn bề công việc quốc gia đại sự, nhưng con cái của họ thì lại hoàn toàn khác.Nghịch dại
Con trai út của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuần trước vừa gây không ít rắc rối cho ông bố đang bận rộn tranh cử khi ném cà chua, gạch đá và các đồ vật khác vào một nữ cảnh sát đang đứng bên ngoài dinh tổng thống Elysee. Louis Sarkozy, 15 tuổi, và hai ông bạn quậy phá đã chơi trò rất phổ biến của tuổi 15, nhưng mọi chuyện rắc rối vì bố cậu là tổng thống.
Cậu con trai nghịch ngợm Louis Sarkozykhi
Nữ cảnh sát đã nộp đơn kiện, nhưng sau đó rút đơn khi đích thân ông Sarkozy lên tiếng xin lỗi. Nữ cảnh sát chấp nhận lời xin lỗi của tổng thống kèm theo câu giải thích miễn cưỡng là Louis và bạn bè hay chơi ở sân điện Elysee. Tính cách ngỗ ngược của cậu con trai đã bộc lộ không đúng thời điểm chút nào khi cuộc chạy đua tổng thống đang vào giai đoạn nước rút và bản thân ông Sarkozy lúc ra tranh cử luôn tự hào là một người chấp pháp nghiêm minh và có các chính sách đảm bảo trật tự xã hội. “Đây không thể coi là một trò đùa của trẻ con, Louis đã 15 tuổi”, một nguồn tin của cảnh sát nói.
Louis là con trai của ông Sarkozy với bà vợ thứ hai, Cecilia Attias, người ông ly dị vài tháng sau khi trở thành tổng thống năm 2007. Bà Attias hiện sống ở New York, đã kết hôn và là người nuôi dưỡng Louis, nhưng cậu cũng thường sang thăm Paris thăm bố. Ông Sarkozy còn hai người con trai khác lớn hơn, Pierre và Jean, cũng từng dính líu tới các vụ bê bối khác.
Tháng trước, ông Sarkozy đã phải trả 33.500euro (44.000USD) để bảo lãnh cho cậu con trai Pierre, một DJ 26 tuổi, hồi hương từ Ukraine sau khi anh này bị ngộ độc thức ăn trong một buổi trình diễn tại hộp đêm. 5 năm trước, ông Sarkozy còn bị cáo buộc can thiệp với lực lượng cảnh sát để giúp Jean, hiện 27 tuổi, thoát tội sau một vụ đâm xe bỏ trốn. Cả hai cha con đều phủ nhận điều đó. Ông Sarkozy còn một con nhỏ, Giulia, với bà vợ hiện giờ, cựu người mẫu Carla Bruni và một con trai, Aurelien, 11 tuổi, từ một mối quan hệ ngoài hôn nhân.
Xa xỉ
Chỉ vài tuần sau kỳ nghỉ 17 ngày ở Hawaii, đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama và hai con gái lại có chuyến đi nghỉ trượt tuyết ở khu nghỉ dưỡng Aspen, Colorado, gây ra sự tranh luận dữ dội về đời sống bị cho là quá xa xỉ của gia đình tổng thống.
Với nền kinh tế trong nước đang rất èo uột, nhiều gia đình Mỹ đã phải hy sinh kỳ nghỉ hàng năm để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết hơn của cuộc sống. Nhưng chỉ không đầy một tháng sau khi trở về nhà từ kỳ nghỉ Giáng sinh vốn đã rất hào nhoáng ở Hawaii, bà Obama và các con gái lại tung tẩy đi chơi. Báo chí Mỹ đã đếm được đó là kỳ nghỉ dài ngày thứ 16 của gia đình tổng thống kể từ khi ông Obama nhậm chức. Bà Obama cùng hai con gái, Sasha và Malia, ở luôn nhà của Jim và Paul Crown, những chủ nhân của khu nghỉ dưỡng Aspen.
Gia đình Obama trong chuyến đi nghỉ tốn kém ở Hawaii
“Nếu các bạn là một gia đình đang tìm cách tiết kiệm, thì các bạn có lẽ nên cân nhắc ăn tối ở nhà, hoặc hoãn lại một kỳ nghỉ”, chính Tổng thống Mỹ từng nói như thế khi thuyết phục người dân về một ngân sách eo hẹp hơn cho phúc lợi để cắt giảm thâm hụt chi tiêu. Chưa rõ kỳ nghỉ này của bà Obama và hai con gái tiêu tốn bao nhiêu, nhưng báo chí Mỹ cho hay kỳ nghỉ mới nhất, 17 ngày ở Hawaii, có hóa đơn tổng cộng lên tới 4 triệu USD. Số tiền đó bao gồm chi phí cho chuyên cơ Air Force One, hơn 3 triệu USD; tiền thuê chỗ ở cho các cận vệ và đặc nhiệm đi bảo vệ gia đình tổng thống, các nhân viên của Nhà Trắng, chi phí trả làm thêm giờ bảo vệ cho cảnh sát, tiền để xe cấp cứu phải túc trực ở khách sạn nơi tổng thống ở, vào khoảng 300.000USD; và nhiều khoản khác.
Chuyến đi đã gây phẫn nộ trong dư luận đến mức sau đó Nhà Trắng phải ra một tuyên bố giải thích rằng có một số khoản trong chi phí là do gia đình ông Obama tự bỏ tiền. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ để dẹp yên dư luận và mới tuần trước, một nhóm bảo thủ đã đâm đơn kiện không quân Mỹ, yêu cầu phải công khai danh sách các chuyến đi của bà Michelle Obama tới Tây Ban Nha hai năm trước.
“Trong khi Nhà Trắng nói gia đình Obama “tự chi trả các khoản tiền” cho chuyến đi, ngân sách vẫn phải chi một số chi phí nhất định, như đảm bảo an ninh cho bà Obama”, một tuyên bố của nhóm Judicial Watch nói.
Báo Anh Daily Mail đã tiến hành liệt kê chi tiết các khoản tiền đi du lịch, nghỉ dưỡng của gia đình Obama, thường là bà Michelle đi với hai con gái, đến Tây Ban Nha và nhiều địa điểm khác, cho thấy tổng chi phí cho 16 chuyến đi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama có thể lên tới 10 triệu USD.
Thiếu gia thứ thiệt
Khác hẳn các nước phương Tây, tại Trung Quốc, các thiếu gia của những danh gia vọng tộc còn ghê gớm hơn nhiều. Tháng trước, Ôn Vân Tùng, con trai của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch tập đoàn Nhà nước China Satellite Communications, là nhân vật thuộc hàng thái tử thứ ba được chỉ định đứng đầu một tổng công ty Nhà nước.
Chu Vân Lai, con trai cựu Thủ tướng Trung Quốc, Chu Dung Cơ, là một doanh nhân đầy ảnh hưởng ở nước này. |
Ông Ôn Vân Tùng, đồng sáng lập quỹ tư nhân Horizon Capital, giờ được giao nắm tập đoàn China Satellite với doanh số 16 tỷ nhân dân tệ (2,5 tỷ USD) có nhiệm vụ quản lý và khai thác 15 vệ tinh của Trung Quốc, tính đến năm 2015, và sẽ trở thành nhà kinh doanh vệ tinh lớn nhất châu Á. Cổ phiếu công ty đã tăng trần liên tục và hiện ở mức cao hơn 50% so với trước khi công bố thông tin ông Ôn Vân Tùng được bổ nhiệm.
Hồ Hải Phong, con trai của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, từng là cựu Chủ tịch Nuctech, công ty kinh doanh các thiết bị hạt nhân. Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Phó thủ tướng Lý Bằng, hiện đang là Chủ tịch China Power International Development, một công ty kinh doanh điện lực quốc tế. Chu Vân Lai, hay Levin Zhu, con trai của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, từng có thời tranh giành tập đoàn International
Capital với hãng tài chính Mỹ vào năm 2000 và đã đứng đầu ngân hàng đầu tư này kể từ đó. Lý Tuệ Đích, con gái ủy viên Bộ Chính trị Lý Trường Xuân, hiện là Phó chủ tịch China Mobile, công ty viễn thông Nhà nước vào loại lớn nhất Trung Quốc.
Có thể thấy, việc để con cái nắm giữ những vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp nhà nước đã trở thành thông lệ ở Trung Quốc. Hầu hết họ là những người tinh anh, tây học, trẻ trung, sinh ở những năm 1960-1970 và có đầu óc cởi mở được chờ đợi sẽ còn thay đổi Trung Quốc mạnh mẽ hơn nữa.
Hoạt động của họ thường không được chú ý nhiều như của các bậc cha chú là lãnh đạo nhà nước, nhưng ảnh hưởng của họ đang ngày càng lớn. “Những người thuộc thế hệ đó, nhiều người được đào tạo ở phương Tây, là những thị dân điển hình, học thức cao, văn hóa cao, lối sống hiện đại, đi khắp thế giới và có một nghề đáng thèm muốn”, Barry Sautman, một nhà phân tích chính trị ở Đại học Khoa học công nghệ Hong Kong, bình luận.
Đó dường như là một truyền thống ở châu Á. Tại Malaysia, Mukhriz Mahthir, con trai của cựu Thủ tướng Mahthir Mohamad, cũng nắm nhiều cương vị kinh doanh quan trọng trước khi chuyển sang chính trị và hiện đang nắm cương vị phó thủ tướng nước này. Một truyền thống gần giống có thể tìm thấy ở Mỹ với các gia tộc như Kennedy hay Bush. Xét cho cùng, làm thiếu gia luôn dễ chịu hơn làm đại gia.
Hải Minh (tổng hợp)