loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Đến ngày 3/8, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc COVID-19, tất cả đều trở về từ Đà Nẵng.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến tối 1/8, Bộ Y tế công bố rằng Thành phố Hồ Chí Minh có thêm hai trường hợp mới mắc COVID-19 là bệnh nhân 567 và 568.
Là địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao khi có số lượng người trở về từ Đà Nẵng nhiều cùng với lưu lượng người từ các tỉnh, thành khác đến mỗi ngày khá đông; do đó Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu trước mắt là tăng tốc xét nghiệm cho người dân trở về từ vùng dịch cũng như siết chặt các quy định về an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.
Tăng tốc xét nghiệm cho người trở về từ Đà Nẵng
Cùng gia đình đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 20 đến ngày 23/7, chị Trần Thị Hương (trú tại Phường 5, Quận 8) đã gọi điện thoại cho trạm y tế phường để khai báo y tế, đồng thời tự cách ly tại nhà ngay khi có chỉ đạo của UBND thành phố. Theo lịch hẹn, hai ngày sau cả nhà chị được lấy mẫu xét nghiệm. Thở phào nhẹ nhõm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, chị Hương cho biết, đến lúc này mình mới có thể ăn ngon ngủ yên sau nhiều ngày hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cả gia đình chị vẫn tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà đúng 14 ngày theo quy định.
Không chỉ riêng gia đình chị Hương, từ ngày 27/7, những người dân từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7 đều được UBND thành phố yêu cầu khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Chính vì thế, những ngày qua, số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và các Trung tâm Y tế quận, huyện luôn quá tải bởi những cuộc gọi.
Bác sĩ Lê Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, cho biết, bắt đầu từ chiều 27/7, đơn vị này triển khai hoạt động tiếp nhận khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trở về từ Đà Nẵng. Nhằm hạn chế tập trung đông người, sau khi tiếp nhận điện thoại khai báo từ người dân, Trung tâm Y tế quận gửi lịch hẹn và hướng dẫn người dân đến các trạm y tế khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo thứ tự ưu tiên.
Theo bác sĩ Phương, mặc dù phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế quận Thủ Đức chỉ có 7 người nhưng do số lượng người cần lấy mẫu xét nghiệm quá đông nên đơn vị này đã tăng cường thêm nhân sự để không rơi vào tình trạng quá tải. Ở mỗi trạm y tế phường, trung tâm bố trí ít nhất 2 người lấy mẫu xét nghiệm, 2 người hỗ trợ sắp xếp tờ khai y tế và 2 người thực hiện công tác bảo vệ, hỗ trợ cho người dân, giúp họ giữ khoảng cách, tuân thủ về phòng hộ, phòng chống dịch. Với những phường có lượng người dân đến khai báo y tế đông, trung tâm điều động thêm nhân sự để giải quyết nhanh nhu cầu của người dân.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, nguyên tắc ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm người trở về từ Đà Nẵng được thực hiện theo thứu tự nguy cơ mắc bệnh, trước hết là những người có nguy cơ cao như tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19; người đã đến 1 trong 3 bệnh viện của Đà Nẵng (Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình); người từng đến nơi được Bộ Y tế công bố là điểm có nguy cơ lây nhiễm cao…
Tính đến ngày 3/8, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận có 36.754 người trở về từ Đà Nẵng từ 1/7 đến khai báo y tế; trong đó có 23.949 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, 5.665 mẫu có kết quả âm tính, 6 trường hợp xác định dương tính với SARS-CoV-2, các mẫu còn lại đang đợi kết quả xét nghiệm. Trong những ngày tới, thành phố tiếp tục tăng tốc thực hiện tiếp nhận khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp từ Đà Nẵng về nhằm loại bỏ hoàn toàn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ ổ dịch lớn nhất cả nước này.
Mặc dù vậy, theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, thực tế trong những ngày qua cho thấy, xuất hiện tình trạng khai báo chưa đúng sự thật như có trường hợp chỉ có một người đi Đà Nẵng nhưng kéo cả nhà đến khai báo là đi Đà Nẵng để được xét nghiệm. Hoặc một số người dân tố giác hàng xóm, người quen có đi Đà Nẵng nhưng không chịu khai báo y tế vì sợ bị cách ly… Do đó, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng kêu gọi người dân khai báo trung thực về lịch trình, lịch sử di chuyển của mình tại Đà Nẵng cũng như bình tĩnh tự trang bị phương án bảo vệ cho bản thân.
Cần sự chung tay phòng, chống dịch của người dân
Nói về dịch bệnh bùng phát trong những ngày qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng số ca nhiễm SARS-CoV-2 liên tục gia tăng trong những ngày qua không phải là điều bất thường bởi trong cộng đồng đã có mầm bệnh. Do đó, người dân không nên hoảng loạn khi Bộ Y tế công bố các ca nhiễm mới nhưng cũng không thể chủ quan trong bối cảnh tình hình ngày càng phức tạp.
Bác sĩ Khanh cảnh báo, do người từng tới Đà Nẵng đã tỏa ra khắp cả nước nên hiện có rất nhiều nơi không an toàn và không thể xác định được vùng an toàn. Do đó, phòng bệnh bằng cách mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên là biện pháp hữu hiệu nhất. Người dân cũng cần cảnh giác với những nơi tập trung đông người như bệnh viện, phương tiện công cộng, siêu thị, trung tâm thương mại… đặc biệt, người dân cần hạn chế thăm bệnh, đến bệnh viện trong những ngày này.
Trong trường hợp cần thiết phải đến bệnh viện, người dân cần tự trang bị khẩu trang, nước rửa tay, không đứng quá gần và hạn chế tiếp xúc với người khác, tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế. Những người có đặc thù nghề nghiệp phải tiếp xúc với nhiều người như: tài xế xe bus, taxi, nhân viên bán hàng, nhân viên lễ tân… cần đeo khẩu trang và đeo khẩu trang đúng cách, không thường xuyên kéo khẩu trang xuống cằm và đeo mặt nạ phòng dịch. “Nếu có sự đồng thuận cao từ cộng đồng, người dân nghiêm chỉnh tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế thì chỉ trong vòng 4-6 tuần chúng ta sẽ ngăn chặn được đợt dịch này. Trong trường hợp người dân chủ quan, không chấp hành hướng dẫn thì nguy cơ vỡ trận, dịch bệnh bùng phát trên diện rộng là rất lớn”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định.
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng khi có số lượng người trở về từ Đà Nẵng quá đông cũng như nguy cơ virus xâm nhập từ bên ngoài vào, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thực hiện nghiêm các phương án phòng dịch. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác... Ngành chức năng cần khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... ; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện...).
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: quán bar, vũ trường… tạm thời đóng cửa. UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị “tái khởi động” các bộ tiêu chí an toàn trong các lĩnh vực như du lịch; giao thông vận tải; các cửa hàng kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại; các cơ sở giáo dục; các đơn vị hoạt động thể dục thể thao….
Ngoài ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn...
Đinh Hằng/TTXVN
loading...