loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ CDC Thanh Hoá cho biết, ngày 28/8, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 26 ca mắc Covid-19. Các ca mắc được ghi nhận chủ yếu liên quan đến ổ dịch Covid-19 tại huyện Nông Cống.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
(Tiếp tục cập nhật)
Xem thông tin Covid-19 tại đây
Liên quan đến ổ dịch COVID-19 tại huyện Nông Cống, đã ghi nhận thêm 23 mắc COVID-19. Trong đó có 1 ca là học sinh Trường Tiểu học Phú Nhuận, huyện Như Thanh, là F1 của bệnh nhân mắc COVID-19 tại thị trấn Nông Cống; 22 ca mắc có địa chỉ thường trú tại thị trấn Nông Cống và các xã: Tế Nông, Hoàng Sơn, Hoàng Giang, Trung Chính, huyện Nông Cống, đều liên quan đến 2 chùm ca bệnh ở xã Tế Nông và thị trấn Nông Cống, là các F1, đã được cách ly tập trung, không phát sinh ổ dịch mới.
Trong số 26 ca mắc mới có 1 ca mắc là nhân viên Bệnh viện Phổi Thanh Hóa có địa chỉ thường trú tại xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa. Hiện chưa xác định được nguồn lây. Bệnh nhân có lịch trình di chuyển, tiếp xúc phức tạp. Lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, và phong tỏa tạm thời 1 cụm dân cư với 30 hộ dân ở thôn 1 xã Hoằng Thái, để khoanh vùng khống chế dịch; truy vết được 72 F1, trong đó có 20 F1 tại huyện Hoằng Hóa và 52 F1 tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.
Như vậy, liên quan đến ổ dịch Covid-19 tại huyện Nông Cống, từ ngày 24/8 đến 28/8 đã ghi nhận 56 ca mắc tại các huyện Nông Cống, Như Thanh và TP. Sầm Sơn. Từ 27/4 đến nay, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 279 trường hợp mắc Covid-19.
Thêm 12.097 ca F0 trong nước, 12.375 người khỏi bệnh
Bản tin dịch Covid-19 từ 18h ngày 27/8 đến 18h ngày 28/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.103 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 12.097 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể 12.097 ca ghi nhận trong nước tại: TP. Hồ Chí Minh (5.481), Bình Dương (4.049), Đồng Nai (797), Long An (451), Tiền Giang (241), Đồng Tháp (143), Đà Nẵng (109), Khánh Hòa (92), Quảng Bình (90), Kiên Giang (77), Nghệ An (70), Hà Nội (61), Đắk Lắk (60), Bình Thuận (49), Cần Thơ (37), Bà Rịa - Vũng Tàu (35), Bến Tre (25), Thừa Thiên Huế (24), Thanh Hóa (22), An Giang (20), Phú Yên (16), Sóc Trăng (16), Quảng Ngãi (15), Bạc Liêu (13), Quảng Nam (13), Trà Vinh (13), Bình Phước (13), Hậu Giang (11), Bình Định (11), Đắk Nông (8 ), Vĩnh Long (6), Ninh Thuận (6), Hà Tĩnh (6), Cà Mau (5), Lâm Đồng (4), Lạng Sơn (3), Gia Lai (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (1) trong đó có 6.468 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 804 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 98 ca, Bình Dương giảm 138 ca, Đồng Nai giảm 199 ca, Long An giảm 3 ca, Tiền Giang giảm 71 ca. 2.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam: Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 422.469 ca nhiễm, đứng thứ 60/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.297 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) ghi nhận số ca nhiễm mới trong nước là 418.320 ca, trong đó có 208.215 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum. Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (204.964), Bình Dương (98.794), Đồng Nai (22.264), Long An (20.400), Tiền Giang (9.062).
Về điều trị, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 12.375. Tổng số ca được điều trị khỏi: 210.989 ca. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.408 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.065; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.310; Thở máy không xâm lấn: 88; Thở máy xâm lấn: 921; ECMO: 24
Số bệnh nhân tử vong trong ngày trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 352 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (271), Bình Dương (38), Đồng Nai (16), Tiền Giang (15), Long An (4), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Bến Tre (1), Nghệ An (1), Thừa Thiên Huế (1). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.405 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Trong ngày, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4152/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời “Hội chẩn từ xa cho người bệnh COVID-19 nặng giữa các cơ sở điều trị”; Quyết định số 4156/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 về việc ban hành Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà; Quyết định số 4158/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 về việc ban hành Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định số 4159/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 về việc ban hành Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19.
Ngày 27/8, TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tiếp nhận 500.000 bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, 30 xe cứu thương đặc chủng, 25 xe tiêm chủng vắc xin cơ động phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
TP. Hà Nội xây dựng kế hoạch về xét nghiệm sàng lọc diện rộng 200.000 mẫu, lập 2 kịch bản sau ngày 6/9, gồm: Kịch bản 1: Khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận, huyện, thị xã đã có nguy cơ cao từ trước, với các ca mắc tăng cao, phải thực hiện phong tỏa, trên cơ sở đó thành phố sẽ lấy 800.000 mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao tại 12 quận, huyện; Kịch bản 2: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận và một số khu vực của các huyện với các ca mắc lớn, phải thực hiện phong tỏa, trên cơ sở đó Thành phố sẽ lấy 1,5 triệu mẫu xét nghiệm tại khu vực nguy cơ cao tại 12 quận; khu vực nguy cơ tại các huyện, thị xã.
Lao động tự do ở Cần Thơ bị ảnh hưởng dịch Covid -19 được hỗ trợ 2 triệu đồng/người
Chiều 27/8, Cần Thơ thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ lao động tự do) trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid -19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Theo Nghị quyết, mức hỗ trợ mỗi lao động tự do là 2 triệu đồng/người và được hỗ trợ 1 lần. Các đối tượng được hưởng mức hỗ trợ này bao gồm: Người bán lẻ vé số lưu động; đội ngũ bốc vác, thu mua phế liệu, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách bằng xe máy, vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ; người bán hàng rong, buôn, bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, bán hàng tự sản tự tiêu ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ nổi; lao động rửa xe, sửa xe, sửa chữa đồ gia dụng; lao động làm việc theo thời vụ trong lĩnh vực xây dựng; lao động tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thể dục; lao động làm công việc thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID -19.
Tiêu chí hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do đó là những người lao động không thuộc đối tượng phải giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật, không thuộc hộ kinh doanh có đăng ký mã số thuế, cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố Cần Thơ trước khi bị ngừng việc hoặc mất việc theo quyết định, văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng Tháp xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 toàn tỉnh trong 5 ngày
Đây là lần thứ 2 Đồng Tháp tầm soát diện rộng SARS-CoV-2 với quy mô toàn tỉnh. Theo đó, trong 5 ngày (từ 28/8 - 1/9), Đồng Tháp tiến hành lấy mẫu người đại diện hộ gia đình để thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-COV-2 trong cộng đồng diện rộng bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp). Ước lượng số hộ lấy mẫu trong cộng đồng của 12 huyện, thành phố trong đợt này là 374.368. Số mẫu dự kiến gộp 10 là 37.437.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu hạn chế việc tập trung đông người, không mời người dân cả xã/ấp lại một điểm để lấy mẫu; thành lập các đội lấy mẫu theo cụm 10 - 20 hộ gia đình/lần, bảo đảm giữ khoảng cách tiếp xúc giữa những người đến lấy mẫu.
Theo kế hoạch, các hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR có công suất tối đa như sau: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 4.500 mẫu/ngày; Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự 400 mẫu đơn/ngày (tăng cường máy xét nghiệm đáp ứng 2.000 mẫu/ngày trong thời gian thực hiện tầm soát diện rộng lần 2); huy động Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa 650 mẫu/ngày; Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp 650 mẫu/ngày.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp tối 27/8, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.500 mẫu gộp/ngày. Đây là số lượng mẫu cao, tạo ra áp lực lớn đối với năng lực xét nghiệm các đơn vị y tế thực hiện. Vì vậy, đề nghị các địa phương chủ động trong công tác lấy mẫu, mặt khác ngành y tế chuyên môn có hướng dẫn cụ thể việc tầm soát tại từng địa phương. Riêng, Tổ điều phối xét nghiệm căn cứ vào số lượng mẫu kế hoạch và thực tế thực hiện hằng ngày, điều tiết số mẫu xét nghiệm đến các cơ sở xét nghiệm SARS-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR phù hợp, bảo đảm đúng quy định.
Theo thông tin Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến 6 giờ ngày 28/8, Đồng Tháp ghi nhận 6.664 ca mắc COVID-19, trong đó 4.259 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện, 125 trường hợp tử vong.
Việt Nam có 410.366 ca mắc, thêm hơn 10.000 người khỏi bệnh
Đến nay Việt Nam có 410.366 ca Covid-19, trong đó 198.614 trường hợp đã khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 985 thở máy và ECMO.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 410.366 ca Covid-19, đứng thứ 63/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.174 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) ghi nhận: + Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 406.233 ca, trong đó có 195.840 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; + Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum; + Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ; + 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (199.483), Bình Dương (94.745), Đồng Nai (21.467), Long An (19.949), Tiền Giang (8.821).
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày (tính đến chiều 27/8): 10.126, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 198.614 ca.
Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.146 ca, trong đó: - Thở ô xy qua mặt nạ: 3.939; - Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.222; - Thở máy không xâm lấn: 93; - Thở máy xâm lấn: 866; - ECMO: 26
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.053 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,3% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Trong 24 giờ qua (tính đến chiều 27/8)đã thực hiện 685.699 xét nghiệm cho 757.294 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 11.522.362 mẫu cho 30.740.951 lượt người.
Trong ngày 26/8 có 298.212 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 18.843.004 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.607.991 liều, tiêm mũi 2 là 2.235.013 liều.
F0 ở Long An hồi phục sau 10 ngày thở máy
Sau 10 ngày được đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm hồi sức Covid-19 trung ương tại Long An tận tình chăm sóc, nam bệnh nhân T.T.P., 26 tuổi (ở xóm Cầu Xây, xã Long Trạch, huyện Cần Đước) đã đủ điều kiện xuất viện.
Trước đó, ngày 17/8, anh P. được chuyển tuyến lên Trung tâm hồi sức COVID-19 (trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) trong tình trạng nặng, bị suy hô hấp và tổn thương phổi.
BSCKII Lê Hùng Vương, Phó giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19 Trung ương tại Long An, cho biết sau khi tiếp nhận, người bệnh được điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế. Ê-kíp cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, phối hợp thở oxy dòng cao và đáp ứng khá tốt.
Đến ngày điều trị thứ 8, người bệnh đã cai được thở oxy dòng cao và tiếp tục thở oxy kính đến ngày thứ 10 và được xuất viện.
Tập thể thầy thuốc đã hướng dẫn người bệnh những biện pháp vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và cách ly theo quy định.
Các địa phương tiếp tục chi viện cho TP.HCM, Bình Dương
Đoàn công tác gồm 23 cán bộ nhân viên ngành y tế có kinh nghiệm, trình độ và năng lực của tỉnh Lai Châu đã lên đường hỗ trợ TP HCM chống dịch COVID-19 đợt 2. Theo kế hoạch, Đoàn sẽ tăng cường, hỗ trợ cho bệnh viện dã chiến ở quận 6, TP HCM.
Trước đó, ngày 6/8, Đoàn công tác gồm 50 y bác sĩ của tỉnh Lai Châu đã xuất quân hỗ trợ TP HCM đợt đầu tiên
Bệnh viện C Đà Nẵng cử đoàn chi viện đợt này gồm 15 bác sĩ, 29 điều dưỡng viên, 5 kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm từ tất cả khoa, phòng của bệnh viện. Các y, bác sĩ lên đường với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, mong muốn góp sức, hỗ trợ Bình Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trong đợt ra quân này tỉnh Hoà Bình đã lựa chọn 20 cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương và 3 cán bộ y tế của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng với Quân khu III tham gia công tác chống dịch tại các tỉnh phía Nam.
Trước khi lên đường, tất cả cán bộ y tế tham gia Đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đều được tổ chức lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm SART-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PT-PCR; được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Thảo Nhi - PV/TTXVN. Ảnh: TTXVN
loading...