A+ A A- Kiểu đọc sách

Thanh Hóa: Chia sẻ lợi ích công - tư để thúc đẩy du lịch phát triển

18:22 16/03/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngành du lịch có một đặc thù cơ bản là tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao. Do vậy, nó không thể phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nếu đứng độc lập và đi một mình một con đường. Sự hợp tác và chia sẻ lợi ích công - tư, được xem là một giải pháp chìa khóa, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Thanh Hóa sắp xây dựng Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn có sức chứa 10.000 người

Thanh Hóa sắp xây dựng Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn có sức chứa 10.000 người

Theo đó, địa điểm thực hiện dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn (do Công ty CP Tập đoàn Mặt trời lập báo cáo nghiên cứu khả thi) tại phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 1.368 tỷ đồng.

Tầm nhìn và cơ chế chính sách phù hợp

Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đã chỉ ra rằng, du lịch muốn phát triển bền vững, trước hết phải sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch. Trong đó, quan trọng nhất là tài nguyên thiên nhiên, với việc duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, duy trì di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên. Đồng thời, cần đề cao và tôn trọng tài nguyên nhân văn, nhất là tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương; bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống. Cùng với đó, một yếu tố tạo ra sự bền vững cho du lịch là cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội cho tất cả các đối tượng liên quan và lợi ích này phải được phân bổ một cách phù hợp, công bằng.

Quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, gồm cả tài nguyên tự nhiên và nhân văn, trước hết, là câu chuyện của các cơ quan quản lý và chính quyền các cấp. Đó là vai trò định hướng, dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước, thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến phát triển du lịch. Cụ thể là các cơ chế chính sách nhằm bảo vệ, tôn tạo, phát triển và phát huy giá trị nguồn tài nguyên du lịch; lập quy hoạch phát triển du lịch, với tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn; xúc tiến, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia và địa phương; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Cùng với đó là xây dựng hệ thống cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực xã hội vào du lịch. Trong đó, trọng tâm là khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch...

Chú thích ảnh
Thành Nhà Hồ

Vài năm trở lại, du lịch ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong cơ cấu và tỷ trọng các ngành kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Đơn cử, chỉ tính riêng năm 2019, du lịch đã nối tiếp đà tăng trưởng năm trước và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, với 9,65 triệu lượt khách và tổng thu đạt 14.525 tỷ đồng. Cũng trong năm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư. Trong đó có 12 dự án được triển khai, tổng dự toán được duyệt là hơn 1.165 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn toàn tỉnh lên 47 dự án, với tổng vốn được duyệt hơn 4.324 tỷ đồng. Đồng thời, có thêm 4 dự án kinh doanh du lịch được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 2.237 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch lên 71 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 74.000 tỷ đồng...

Những con số kể trên, chỉ có thể đạt được dựa trên nền tảng của sự định hướng, của tầm nhìn và của cơ chế chính sách phù hợp, được Thanh Hóa xây dựng và nỗ lực triển khai nhiều năm qua. Đồng thời, những con số cũng đã phản ánh kết quả của quá trình hợp tác công – tư trong du lịch. Bởi bên cạnh vai trò định hướng, dẫn dắt của Nhà nước; thì sự tham gia của doanh nghiệp và người dân, được xem là một động lực cơ bản cho du lịch phát triển.

Sự hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm

Chừng chục năm trở về trước, Pù Luông chỉ được biết đến là khu bảo tồn thiên nhiên, có hệ động thực vật phong phú và cảnh quan đẹp. Còn giờ đây, Pù Luông đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách. Điều này, một phần là nhờ nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, một phần là nhờ sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp. Nói đến sự hiện diện của các nhà đầu tư tại Bá Thước, mà trực tiếp là Pù Luông, không thể không nhắc đến cái tên Puluong Retreat. Khu nghỉ dưỡng sinh thái này do Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Dấu Chân (Footprint Travel) và Công ty TNHH Thương Mại và Du Lịch Tam Kỳ (Threeland Travel) đầu tư xây dựng, đạt tiêu chuẩn 2 sao. Nằm trên diện tích 5.000 m2, thuộc địa phận bản Đôn (xã Thành Lâm), Puluong Retreat được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống, với các bungalow gần gũi thiên nhiên. Đây là điểm check-in tuyệt đẹp cho du khách, nhờ cảnh sắc thiên nhiên bao quanh bởi trùng điệp núi non và những thửa ruộng bậc thang rực rỡ.

Cùng với Puluong Retreat, vài năm trở lại đây, huyện Bá Thước đang trở thành điểm đến của không ít nhà đầu tư, với các dự án nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng tại bản Đôn, bản Hiêu, Son – Bá – Mười... Các dự án kinh doanh du lịch thường tập trung vào lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng. Từ đó, góp phần hoàn thiện và tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng núi và du lịch văn hóa – lịch sử trên địa bàn. Bên cạnh các dự án đầu tư cơ sở lưu trú của các doanh nghiệp, thì phần lớn cơ sở lưu trú trên địa bàn là các homestay, với khoảng 40 cơ sở lưu trú cộng đồng tập trung phần lớn tại Pù Luông. Nhằm động viên, khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân tham gia làm du lịch, địa phương đang tạo điều kiện cho các hộ được tự thu tự chi, mà chưa phải đóng bất kỳ khoản thuế, phí nào. Ngoài ra, hằng năm, huyện còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho từ 70 – 100 lượt người. Hầu hết các hộ làm du lịch có thu nhập cao hơn nhiều so với mặt bằng chung (đạt từ 15-20 triệu đồng/hộ/tháng).

Rõ ràng là, du lịch với nhiều loại hình khác nhau (nghỉ dưỡng biển, văn hóa – tâm linh, sinh thái - cộng đồng, hội nghị, hội thảo...), đã và đang mang đến sự tiếp cận đa dạng về công việc và thu nhập cho nhiều nhóm đối tượng. Song, kết quả đạt được từ sự hợp tác và chia sẻ công – tư trong du lịch, không dừng lại ở những lợi ích về kinh tế, mà còn nhiều lợi ích về mặt xã hội. Bởi làm du lịch không chỉ mang lại sinh kế cho nhiều hộ dân, mà việc trao quyền cho họ cũng là một giải pháp, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch đến môi trường. Đồng thời, cũng khiến họ trở nên có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường văn hóa bản địa, làm cơ sở cho du lịch phát triển một cách bền vững và hiệu quả. Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn đó, mà từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã tập trung xây dựng và triển khai nhiều đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các huyện Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Thanh, Vĩnh Lộc... Với sự ra đời của nhiều điểm đến và sản phẩm du lịch thu hút du khách như làng Năng Cát (Lang Chánh), bản Hiêu, bản Đôn (Bá Thước), bản Hang (Quan Hóa), bản Ngọc (Cẩm Thủy)...

Thêm một lần nhấn mạnh rằng, những con số hàng triệu lượt khách và hàng nghìn tỷ đồng từ du lịch mỗi năm, không chỉ là kết quả từ các chính sách vĩ mô, những dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện đại... Mà đó còn là thành quả từ sự nỗ lực của từng cá nhân, từng cộng đồng, ở từng khâu, đoạn, để tạo ra một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh hay một điểm đến hấp dẫn. Nói cách khác, thành quả ấy xuất phát từ sự hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm, của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi người dân.

Khôi Nguyên

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...