A+ A A- Kiểu đọc sách

TAND thành phố Hải Phòng công khai xin lỗi người dân bị kết án oan

11:15 28/03/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 28/3, tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng (thành phố Hải Phòng), ông Phạm Đức Tuyên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố đại diện Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì cuộc gặp công khai xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu - người đã bị kết án oan.

Nội dung vụ việc như sau: Ngày 15/6/1994, ông Nguyễn Hồng Cầu được UBND huyện Tiên Lãng giao quyền sử dụng 3.040 m2 đất để sản xuất nông nghiệp với thời hạn 20 năm, gia đình ông Cầu sử dụng đất được giao để cấy lúa. Năm 1996, ông Nguyễn Hồng Cầu nợ đọng sản phẩm 97 kg thóc (gồm các loại thóc liên quan tới thủy lợi phí, quỹ dịch vụ nông nghiệp và thổ cư dư thừa).

Ông Cầu cho rằng, UBND xã Đông Hưng chưa giải quyết xong vụ cá ăn lúa của gia đình ông (tương đương 240 kg thóc) từ năm 1994 nên không nộp 97 kg thóc vụ mùa năm 1996. Thắc mắc của ông Nguyễn Hồng Cầu chưa được giải quyết thì ngày 15/1/1997, UBND xã Đông Hưng ra quyết định tạm rút 1.080m2 đất tại thửa 109 của gia đình ông Cầu, giao cho anh Phạm Minh Tuân. Khi anh Tuân cấy lúa, ông Cầu nói với anh Tuân phải trả tiền công đã cày bừa ruộng nhưng anh Tuân không thanh toán. Ông Nguyễn Hồng Cầu cho biết, nếu không trả tiền thì ông Cầu sẽ gặt lúa của anh Tuân. N gày 25/5/1997, ông Cầu đã gặt lúa của anh Tuân và thu được 261 kg thóc. UBND xã Đông Hưng đã buộc ông Cầu phải trả lại số thóc trên cho anh Tuân; anh Tuân còn yêu cầu bồi thường tiếp 149 kg thóc.

Với nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 20/HS-ST ngày 30/6/1997, Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng xử phạt ông Nguyễn Hồng Cầu 3 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản của công dân", buộc ông Cầu phải bồi thường cho anh Phạm Minh Tuân 149 kg thóc.


70 ngày tù oan, 16 năm ông Cầu đi đòi bồi thường đến nay vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: VTC News

Ngày 4/7/1997, ông Nguyễn Hồng Cầu kháng cáo kêu oan.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 110/PTHS ngày 6/8/1997, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng giảm án cho ông Nguyễn Hồng Cầu xuống còn 2 tháng 10 ngày tù về tội “Trộm cắp tài sản của công dân”, trả tự do cho ông Cầu tại phiên tòa.

Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hải Ph òng xử phúc thẩm, ông Nguyễn Hồng Cầu tiếp tục khiếu nại. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 130/HS-GĐT ngày 8/10/1998, Tòa án nhân dân tối cao đã hủy cả hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, tuyên bố ông Nguyễn Hồng Cầu không phạm tội “Trộm cắp tài sản của công dân” và đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Hồng Cầu.

Sau đó ông Nguyễn Hồng Cầu có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra đồng thời yêu cầu khôi phục danh dự, bồi thường thiệt hại về tinh thần, vật chất, sức khỏe và yêu cầu trả lại tài sản, bồi thường tài sản bị xâm hại và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của người bị oan… Tổng số tiền ông Nguyễn Hồng Cầu yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng phải bồi thường là 648.629.400 đồng.

Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tiến hành thương lượng với ông Nguyễn Hồng Cầu nhưng kết quả không thành. Căn cứ vào các quy định của pháp luật và Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã giải thích về những khoản tiền được bồi thường nhưng ông Cầu không chấp nhận vẫn đòi bồi thường hơn 600 triệu đồng nên các buổi thương lượng đều bất thành.

Ông Nguyễn Hồng Cầu đã làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng phải bồi thường cho ông 648.629.400 đồng.

Ngày 11/4/2008, Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng đã thụ lý vụ việc kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị Quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2008/DSST ngày 8/7/2008, Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng đã tuyên buộc Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng phải bồi thường cho ông Nguyễn Hồng Cầu 17.377.000 đồng, buộc Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng phải xin lỗi, cải chính công khai cho ông Nguyễn Hồng Cầu bằng các hình thức: đăng trên một tờ báo Trung ương 3 số liên tiếp và xin lỗi ông tại địa phương trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Không đồng ý với Bản án sơ thẩm, ông Nguyễn Hồng Cầu kháng cáo.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 55/2008/DS-PT ngày 26/8/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã bác kháng cáo của ông Nguyễn Hồng Cầu, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

Ngay sau Bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã phối hợp với UBND xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng để tiến hành các thủ tục công khai xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu nhưng không thực hiện được. Đồng thời, Tòa có Công văn số 487/TA-GĐKT ngày 9/9/2008 về việc đề nghị Báo Nhân dân đăng tin Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng công khai xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu, người bị kết án oan (đã đăng trong 3 số liên tiếp: Số báo 19393 ngày 25/9/2008, Số báo 19394 ngày 26/9/2008, Số báo 19395 ngày 27/8/2008).

Tại Thông báo số 765/TA-GĐKT ngày 6/12/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hướng dẫn cho ông Nguyễn Hồng Cầu làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền Bản án án dân sự phúc thẩm số 55/2008/DS-PT ngày 26/8/2008 Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tuyên để được làm thủ tục bồi thường theo quy định của pháp luật nhưng ông Nguyễn Hồng Cầu vẫn không đồng ý với Bản án phúc thẩm 55/2008/DS-PT của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và tiếp tục khiếu nại.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Hồng Cầu, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 164/TANDTC-DS ngày 25/8/2011 trả lời ông Nguyễn Hồng Cầu: Theo Khoản 1, Điều 5, Nghị quyết 388 quy định “Việc bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là mỗi ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được bồi thường 3 ngày lương tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”. Trường hợp ông Cầu bị giam giữ 70 ngày (theo quy định nêu trên thì được tính bằng 210 ngày).

Từ ngày xét xử phúc thẩm đến ngày có quyết định giám đốc thẩm là 428 ngày. Ông Cầu làm nông nghiệp và không có tài liệu chứng minh được thu nhập cụ thể, nên lấy mức lương cơ bản để tính. Như vậy, khoản bồi thường do tổn thất về tinh thần mà ông được hưởng là 15.659.716 đồng. Về bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC ngày 22/11/2006: “người bị oan (kể cả trường hợp đã chết) chỉ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất trong thời gian họ bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù”. Ông Cầu bị giam giữ 70 ngày nên số tiền bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất là 1.718.150 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án đúng pháp luật, do đó không có căn cứ chấp nhận nội dung khiếu nại của ông Cầu.

Sau khi Tòa án nhân dân tối cao có văn bản trả lời nêu trên, theo quy định của pháp luật để được bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự ông Cầu phải làm đơn yêu cầu bồi thường theo quyết định tại Bản án phúc thẩm 55/2008/DS-PT của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng nhưng ông Cầu không làm đơn đề nghị bồi thường theo quyết định của bản án phúc thẩm.

Về thời hiệu yêu cầu thi hành án: Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 05/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 2/11/2012 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự không quy định cụ thể về thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với trường hợp này.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Bản án dân sự phúc thẩm xét xử ngày 26/8/2008. Như vậy, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, tính đến ngày 26/8/2013 thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với trường hợp ông Cầu không còn. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với bản án dân sự xét xử về việc bồi thường cho người bị oan.

Tại Công văn số 161/TANDTC-DS ngày 27/2/2014 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, chỉ đạo Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục xin lỗi công khai đối với ông Nguyễn Hồng Cầu. Đối với việc thi hành bản án về khoản tiền bồi thường cho ông Nguyễn Hồng Cầu thuộc thẩm quyền của Cơ quan Thi hành án dân sự, không thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Đoàn Minh Huệ
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...