loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trước thông tin báo chí phản ánh về tình trạng “thu tiền bảo kê” tại chợ Long Biên, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội thời gian qua, ngày 24/9, Ban quản lý chợ Long Biên đã quyết định tạm đình chỉ công việc đối với hai cá nhân vi phạm nội quy, quy định.
Đình chỉ nhân viên vì "thiếu văn hóa"
Hai cá nhân bị tạm đình chỉ công việc là ông Nguyễn Thanh Hải và ông Nguyễn Mạnh Long. Cả hai đều là nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2, chợ Long Biên. Thời gian tạm đình chỉ là 10 ngày làm việc kể từ khi quyết định được ban hành, để chấn chỉnh lại hoạt động bốc xếp hàng hóa. Theo thông tin đăng tải trên một số phương tiện truyền thông, để có thể buôn bán, các tiểu thương tại chợ Long Biên (Ba Đình, Hà Nội) phải đóng tiền bến bãi (tiền “bảo kê”) là 200.000 đồng/lượt, nếu là xe to thì mức tiền là 350.000 đồng/lượt. Cũng có trường hợp phải đóng tiền bến bãi 100 triệu đồng/năm. Tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ khi thu, nộp.
Trước câu hỏi của phóng viên TTXVN về việc có hay không tình trạng thu tiền trái quy định tại chợ Long Biên (Ba Đình, Hà Nội), ông Hoàng Văn Đức, Phó Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, Ban quản lý chợ cho biết: "Việc thu tiền bốc dỡ là việc làm công khai, thường xuyên theo hợp đồng thỏa thuận với bà con kinh doanh, tức là hợp pháp và đúng quy định. Hiện nay, Ban Quản lý chợ đang xem lại quy trình để các hộ kinh doanh hiểu rõ hơn, tránh hiểu lầm. Còn với những thông tin như báo chí đã phản ánh, các cơ quan chức năng của quận và thành phố đang tiến hành điều tra, làm rõ, khi có kết luận Ban Quản lý chợ sẽ thông báo công khai trên các phương tiện đại chúng", Phó ban quản lý chợ Long Biên thông tin.
Cũng theo ông Đức, từ trước đến nay, bộ phận dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại chợ Long Biên (Hà Nội) có thu tiền công khai khi xe chở hàng hóa vào. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm nội quy về tác phong làm việc, cụ thể là trường hợp Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Mạnh Long.
Với hai trường hợp này, Ban quản lý chợ đã ra quyết định đình chỉ công việc và tiến hành kiểm điểm, làm rõ hành vi chưa đúng mực của các nhân viên. Dư luận cho rằng, dù đã bị đình chỉ công tác nhưng nhân viên Ban quản lý chợ Long Biên vẫn thu tiền, ông Hoàng Văn Đức, Phó Ban quản lý chợ lý giải: "Chúng tôi đã đình chỉ làm việc của nhân viên Long là ngày 24/9, tuy nhiên theo ca làm việc của nhân viên Long là từ 22h ngày 23/9 đến 6h sáng ngày 24/9, chính vì vậy mà sáng sớm ngày 24/9 nhân viên Long vẫn thu tiền công khai, đúng theo những gì quy định từ trước tới nay".
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến phản ánh, Ban quản lý chợ Long Biên (Hà Nội) đang phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp tư liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Bên cạnh đó, thực hiện một loạt biện pháp chấn chỉnh hoạt động trong chợ như: họp toàn bộ lực lượng để yêu cầu nhân viên làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình cũng như ứng xử văn hóa trong giao tiếp với các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ cũng yêu cầu nhân viên ký cam kết thu đúng, thu đủ các khoản phí theo quy định. Đồng thời, rà soát lại quy trình hoạt động tại chợ để sớm phát hiện những vấn đề chưa hợp lý và sớm chấn chỉnh.
Sớm có kết luận về việc "bảo kê" chợ Long Biên
Chiều 25/9, trao đổi với ông Nguyễn Dương Hải, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngay sau khi biết thông tin báo chí phản ánh, lãnh đạo phường đã mời Ban quản lý chợ Long Biên (Hà Nội) đến làm việc và thống nhất phương án xử lý ban đầu. Theo đó, chấn chỉnh ngay thái độ của các cán bộ, nhân viên của Ban quản lý đối với các hộ kinh doanh. Phường cũng đề nghị cơ quan công an vào cuộc, điều tra làm rõ vụ việc theo hướng đúng người, đúng tội và nghiêm minh đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Dương Hải cho biết thêm, chợ Long Biên là chợ loại 2 nên phường chỉ có trách nhiệm phối hợp quản lý về an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, trật tự đô thị, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy khu vực xung quanh chợ Long Biên như: ngõ 187 đường Hồng Hà, cửa khẩu chợ Long Biên, đường mương cống hóa, khu vực giáp cầu Long Biên và khu vực sau chợ Long Biên. Các hoạt động khu vực phía trong chợ thuộc trách nhiệm của Ban quản lý chợ. Khi có vấn đề bất thường về việc làm của cán bộ, nhân viên Ban quản lý chợ, các cơ quan chức năng sẽ xử lý.
“Những việc làm chưa văn minh của các nhân viên Ban quản lý không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín mà còn làm xấu đi môi trường kinh doanh tại chợ Long Biên. Hiện nay, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương đã trở lại bình thường và họ rất tin tưởng vào sự điều tra, vào cuộc của các cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Dương Hải cho biết thêm.
Văn Cảnh - Mạnh Khánh (TTXVN)
Theo quyết định 6481 của Bộ Công thương mới đây, chợ Long Biên, một trong những chợ được coi là là chợ đầu mối lớn nhất thủ đô sẽ phải du dời và chuyển đổi chức năng trong giai đoạn từ 2015 – 2020.
loading...