Sinh viên Mỹ è cổ gánh lãi suất
Nếu Quốc hội không hành động ngay lập tức, hàng triệu sinh viên Mỹ sẽ phải hứng chịu gánh nặng lãi suất tăng gấp đôi đối với những khoản tiền vay mà cho tới nay vẫn được chính phủ liên bang bảo trợ.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ ngày 29/5 dẫn phát biểu của Giám đốc Hỗ trợ tài chính của trường Đại học Wisconsin-Stout Beth Boison cho biết đạo luật hỗ trợ học phí, hay còn gọi là chương trình Stafford, thông qua cách đây 6 năm sắp hết hạn. Nếu Quốc hội không sớm gia hạn thì lãi suất các khoản vay dành cho sinh viên, từ ngày 1/7 tới, sẽ tăng gấp đôi, từ mức 3,4% hiện nay lên 6,8%.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Quốc hội đều nhất trí phải có ngay hành động để ngăn chặn sự leo thang lãi suất này, nhưng vẫn còn mâu thuẫn với nhau về cách thức. Tuần trước, Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát đã thông qua dự luật HR-1991 gắn lãi suất các khoản vay của sinh viên vào trái phiếu thời hạn 10 năm của Bộ Tài chính cộng thêm 2,5%.
Với cách làm này, dự luật của đảng Cộng hòa gần như thả nổi lãi suất các khoản vay của sinh viên theo quy luật lên xuống của thị trường.
Trong khi đó, Thượng viện do đảng Dân chủ nắm quyền đa số và Nhà Trắng lại chủ trương tiếp tục giữ mức lãi suất 3,4% như hiện nay đến hết năm 2015 để có thêm thời gian thương lượng.
Với các phương án còn rất khác nhau này, nhiều khả năng đến ngày 1/7 tới khoảng 7 triệu sinh viên Mỹ sẽ phải nhận những khoản vay mới với lãi suất tăng gấp đôi. Đây sẽ là một gánh nặng đè lên vai sinh viên Mỹ, những người vốn đang phải trả những khoản học phí ngày một tăng và nhiều người trong số họ sau khi ra trường hàng chục năm vẫn chưa thanh toán hết nợ.Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), trong vòng một thập niên qua, gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã tăng gấp hơn ba lần, trở thành một “quả bom nổ chậm” nguy hiểm không kém khoản vay thế chấp dưới chuẩn từng đẩy nước Mỹ vào cuộc đại khủng hoảng 2007-2009.
Với mức chi phí tăng hơn 1.000% trong một thập kỷ qua cho 4 năm đại học, ngày 25/5, Ngân hàng Dự trữ liên bang ở thành phố New York cho biết tới nay tổng khoản nợ của sinh viên Mỹ đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ USD, chỉ đứng sau khoản nợ thế chấp.
Hiện nay trên toàn nước Mỹ có khoảng 37 triệu người vẫn đang phải trả các khoản nợ từ thời sinh viên. Khoảng 43% người Mỹ dưới tuổi 25 vẫn còn vướng vào các khoản nợ này, với mức trung bình 20.326 USD. Lượng tiền cho sinh viên vay trong năm 2010 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD/năm. Thế hệ sinh viên Mỹ ra trường năm 2010 có mức nợ cao nhất, trung bình 25.250 USD/người.
Hiệp hội Toàn quốc các luật sư chuyên trách về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) cho biết trong vài năm qua, số lượng sinh viên Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ tăng từ 25%-30% và không ít sinh viên ra trường đến tuổi 60 vẫn chưa trả hết nợ.
TTXVN