(TT&VH) - Đồng ý với việc hạn chế nhập cư trong dự thảo Luật thủ đô (LTĐ), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn lo ngại đặt câu hỏi: biện pháp đưa ra thật sự giúp điều chỉnh chất lượng dân cư Hà Nội hay chỉ là... quản lý hộ khẩu theo giấy tờ?
Trong buổi thảo luận sáng qua 5/11, một bản tổng hợp ý kiến ĐBQH về vấn đề này đã được đưa ra. Theo đó, 6 tổ ĐBQH tán thành phương án 1: Người nhập cư phải có nhà hoặc đã thuê từ 3 năm trở lên; 4 tổ tán thành phương án 2: Bổ sung thêm việc nhà được thuê phải đủ diện tích 5m2/người, và 1 tổ đề nghị viết lại các phương án này cho rõ ràng và chặt chẽ hơn.
Bản ý kiến yêu cầu Bộ Tư pháp phân tích được nguyên nhân của tình trạng quá tải dân số tại Hà Nội, từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý hơn, thay vì chỉ có những quy định cứng nhắc.
Hạ tầng giao thông Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải
Dễ có “hôn nhân giả” để nhập cư!
“2 phương án đưa ra đều không có sức thuyết phục. Trước khi chọn, chúng ta cần trả lời thấu đáo: vì sao môi trường sống chưa tốt, nhưng người dân vẫn thích kéo về Thủ đô?”. Đặt ra câu hỏi trước Quốc hội, ĐB Phạm Trọng Nhân tự trả lời: “Bởi tính hấp dẫn của Thủ đô. Bởi dù nói gì, Hà Nội vẫn phải cần tới những người dân đang tìm đến”.
Ông Nhân lấy ví dụ về việc hàng loạt chung cư, trung tâm giáo dục, trụ sở công ty... tua tủa mọc lên và cần “khách hàng” để minh họa cho nhận định của mình.
Các phân tích cho thấy: việc “siết” nhập cư tại nội thành, trong khi vẫn “mở” các huyện ngoại thành, bằng rào cản hành chính gần như chỉ có thể giảm lượng người đăng ký thường trú về mặt sổ sách, giấy tờ. Ngược lại, từ việc đối mặt với những bất lợi về việc làm, thu nhập, phúc lợi xã hội... do không có hộ khẩu, số lao động chưa đủ điều kiện sẽ tìm cách “chạy” để có thể được đăng ký.
Thậm chí, theo “phát hiện” của ĐB Hà Huy Thông, điều 2 của dự thảo LTĐ nhắc tới khái niệm nội thành theo nghĩa rộng, trong khi điều 10 lại tự giới hạn “nội thành” trong 4 quận cũ của Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Theo ông Thông, với việc mở rộng địa giới, hiện Hà Nội có tới 10 quận nội thành. Và việc “bỏ quên” 6 quận nội thành còn lại vừa vô tình thu hẹp các vấn đề như quy hoạch, chỉnh trang đô thị... chỉ trong một diện tích nhỏ, vừa dễ tạo ra những rắc rối trong việc nhập cư.
“Việc quản lý bằng hộ khẩu từng gây rất nhiều bất cập. Do vậy, khi ban hành Luật Cư trú trước đây, QH đã không áp dụng biện pháp này” - ĐB Nguyễn Thành Tâm cảnh báo.
Đi xa hơn, ĐB Trương Trọng Nghĩa lo ngại: “Theo cách quản lý này, số người nhập cư do quan hệ huyết thống sẽ thuận lợi hơn so với những trường hợp có nhu cầu chính đáng nhưng lại chưa đủ điều kiện. Dân số nội đô sẽ tăng do quan hệ huyết thống. Những tiêu cực sẽ tăng thêm: hôn nhân có thể thật và cũng có thể giả - bên cạnh những hợp đồng lao động giả, hợp đồng thuê nhà giả... từ những người tìm cách nhập khẩu vào nội đô.
"Bớt lực hấp dẫn vào nội đô”
Khẳng định sự tất yếu của việc tăng dân số tại Hà Nội, nhiều ý kiến đề nghị: phía soạn luật cần chủ động ước lượng được mức dân số Thủ đô trong tương lai để có sự “chuẩn bị” thích hợp, thay vì quá để tâm vào bài toán giảm bớt lượng dân cư tại đây bằng biện pháp hành chính.
Rất nhanh, ĐB Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) đưa ra các con số: tới tháng 3/2012, toàn thành phố có 7,1 triệu nhân khẩu, trong đó có gần 1 triệu tạm trú. Theo tốc độ trên, tới năm 2020, mức dân số Hà Nội lên tới 13 - 14 triệu người (trong khi theo phê duyệt của Chính phủ, mức dân số Hà Nội vào năm... 2030 chỉ đạt 10 triệu).
Các so sánh được đưa ra tại QH cho thấy: diện tích dành cho đường giao thông tại nội thành Hà Nội chỉ chiếm tỷ lệ 6,2%, nghĩa là bằng 1/4 so với tiêu chuẩn chung của thế giới. Bởi vậy, rất nhiều ĐB đã đề nghị lưu ý tới vấn đề quy hoạch đô thị trong dự thảo LTĐ, kèm theo đó là hệ thống các giải pháp để cân bằng điều kiện sinh hoạt giữa nội thành và ngoại thành.
Ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa có thể coi là điển hình: “Chúng ta quy hoạch lại các phân khu chức năng để hướng người dân không tập trung vào nội đô. Chức năng của nội đô trước hết và chủ yếu là chính trị, hành chính quốc gia, là di tích lịch sử văn hóa, tiếp theo đó là các trung tâm thương mại cao cấp, cao ốc, văn phòng cao cấp, du lịch và thương mại, ẩm thực phục vụ du lịch. Chức năng nhà ở là thứ yếu và hạn chế".
Từ đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích: "Để bảo đảm chức năng hành chính quốc gia, nếu ở nội đô thì phải chịu nhiều chế tài hơn ở ngoài, khó khăn hơn trong xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hạn chế gây ô nhiễm, hạn chế xe ô tô, xe máy, siết chặt quản lý lòng, lề đường, hạn chế buôn bán hang rong quà vặt. Ở các khu vệ tinh ngoại thành thì được ưu đãi tiện lợi hơn trong sinh hoạt, học tập, chữa bệnh, buôn bán, từ đó sẽ bớt lực hấp dẫn vào nội đô”.
Luật thủ đô lận đận vì... ra trước
Luật đô thị Theo phân tích của ĐB Dương Trung Quốc, nếu có Luật đô thị làm nền tảng, việc xây dựng và thông qua Luật thủ đô dựa trên các nguyên tắc cốt lõi của Luật đô thị sẽ mang tính khả thi rất cao.
Hiện nay, nhiều ĐBQH đang lên tiếng đề nghị sớm xây dựng bộ luật này - trong khi dự thảo Luật thủ đô đã một lần không được thông qua vào năm 2011. “Đòi hỏi một sự hoàn thiện cầu toàn có lẽ khó trong việc xây dựng luật pháp của nước ta. Bởi vậy, tôi ủng hộ Luật thủ đô ra đời với điều kiện các cơ quan Chính phủ phải sớm xây dựng Luật đô thị.
Trong vòng 5 đến 7 năm nữa, khi có Luật đô thị rồi, Luật thủ đô sẽ được điều chỉnh lại cho có sự liên thông và tạo ra nền tảng vững chắc, lâu dài” - ông Dương Trung Quốc nói. |
Chiêu Minh