A+ A A- Kiểu đọc sách

Sẽ giảm biên chế 1,4 triệu cán bộ công chức

22:30 12/10/2008
loading...
Ngày 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cán bộ công chức (CBCC).

Góp ý dự án Luật CBCC, một số ý kiến đề nghị bổ sung các chức danh phó chỉ huy quân sự, phó trưởng công an, chánh văn phòng Đảng ủy, cấp phó một số tổ chức chính trị - xã hội và đại diện Hội cựu TNXP ở cấp xã là CBCC. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cảnh báo: Xu hướng phình to biên chế CBCC cấp xã và “hành chính hóa” đối với hoạt động của các tổ chức xã hội ở cơ sở đang là vấn đề rất đáng quan tâm.

Hiện nay ở cấp xã có rất nhiều loại hình đối tượng được hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách Nhà nước (NSNN). Cả nước có 204.146 đối tượng cấp xã được hưởng lương. Ngoài ra, có hơn 500.000 người hoạt động bán chuyên trách ở trên 110.000 thôn, bản, làng, ấp... được hưởng phụ cấp hoặc khoán phụ cấp hoạt động có nguồn từ NSNN. Trong khi đó, với khoảng 11.000 đơn vị hành chính cấp xã, nếu chỉ tăng một biên chế là công chức được hưởng lương và các khoản phụ cấp khác, NSNN hằng năm phải chi thêm 631 tỉ đồng.

Mặt khác, việc tăng thêm biên chế cho chức danh nào ở cấp xã sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp chưa tính hết được. Bởi nếu tăng thêm biên chế cho một chức danh như phó chỉ huy quân sự, phó trưởng công an, chánh văn phòng Đảng ủy thì lại tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị như MTTQ, thanh niên, phụ nữ... Do đó, các Ủy viên ủy ban Thường vụ QH đều thống nhất với chủ trương, chưa bổ sung 3 chức danh này vào biên chế.

Nhiều ý kiến đề nghị rõ Luật CBCC sẽ điều chỉnh, giải quyết vấn đề lao động thuộc diện hợp đồng trong cơ quan Nhà nước ra sao? Trường hợp đã có biên chế từ trước nhưng chỉ làm những việc như lái xe, tạp vụ thì có được giữ lại không? Giải quyết trường hợp đã vào biên chế trước đây, một số thành viên Ủy ban Thường vụ QH đồng tình để những người tuy làm công việc diện hợp đồng đã vào biên chế rồi thì được giữ nguyên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng thẳng thắn cho rằng có tình trạng hợp đồng đối với một số công việc trong cơ quan Nhà nước được hợp thức dần để vào thành biên chế, làm tăng bộ máy. Những loại việc như lái xe, tạp vụ và một số công việc khác sẽ không thuộc diện CBCC. Khi thực hiện Luật CBCC sẽ có khoảng 1,4 triệu người trong các đơn vị sự nghiệp sẽ không còn là CBCC. Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có quy định nhằm bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho đội ngũ viên chức, đồng thời đảm bảo cho các hoạt động trên lĩnh vực này được liên tục, ổn định. Với trường hợp là cấp trưởng, những vị trí quan trọng ở những cơ quan hành chính, sự nghiệp sẽ vẫn giữ là CBCC.

Ngày 11-10, Hội đồng Dân tộc của QH đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 4 và cho ý kiến vào dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo hiểm y tế.

Góp ý kiến vào dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), đa số thành viên Hội đồng Dân tộc nhất trí với những quy định cơ bản trong dự thảo luật theo hướng phù hợp với lợi ích quốc gia. Tán thành nguyên tắc một quốc tịch nhưng đề nghị cũng nên có những quy định mở để phù hợp với những điều kiện cụ thể của đất nước và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Về việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam được quy định tại điều 23 dự thảo luật, một số đại biểu đề nghị cần quy định những điều kiện cho trở lại quốc tịch Việt Nam chặt chẽ hơn, nhất là đối với các trường hợp bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch...

Về dự thảo Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu đề nghị để các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang sinh sống tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn được miễn 100% chi phí khám chữa bệnh. Các đại biểu cũng đề nghị nên tính toán lại lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, không nên nôn nóng ấn định thời gian cụ thể để đạt mục tiêu...

Theo Người lao động
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...