loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18 giờ ngày 25/3 đến 6 giờ ngày 26/3, Việt Nam ghi nhận thêm hai ca mắc COVID-19 là các ca nhập cảnh trái phép đã được cách ly tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Thông tin từ Bộ Y tế chiều 25/3 cho biết, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 25/3, Việt Nam ghi nhận 3 ca mắc mới, trong đó có 2 ca tại Hải Dương và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, bệnh nhân nữ (25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Trà Ôn, Vĩnh Long) nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tàu cá tại Phú Quốc ngày 22/3, sau đó di chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường biển và đường bộ. Ngày 24/3, bệnh nhân đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện FV, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 25/3, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Bệnh nhân nữ (25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) cùng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tàu cá tại Phú Quốc ngày 22/3. Cùng ngày, bệnh nhân cùng một người khác lên chuyến bay VJ458 di chuyển từ Phú Quốc về Sân bay Nội Bài, sau đó đi xe riêng về Hải Phòng. Ngày 24/3, bệnh nhân đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng. Ngày 25/3, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2; người đi cùng bệnh nhân có kết quả âm tính.
Mã số bệnh nhân của hai trường hợp này sẽ được cập nhật sau.
Tính đến 6h ngày 26/3, Việt Nam có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó có 910 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.
Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho thấy tính đến ngày 25/3 Việt Nam đã có 2.265 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện có 54 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2; 21 người âm tính lần hai; 45 người âm tính lần ba.
Cả nước hiện có 36.480 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Trong đó, 485 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 18.343 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 17.652 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia cho hay, ngày 25/3, đã có thêm 2.408 người được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Tính đến 16 giờ ngày 25/3, Việt Nam đã có 42.225 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đã được tiêm vaccine.
Cụ thể, từ ngày 8-25/3, công tác tiêm chủng được thực hiện tại 19 tỉnh, thành phố: Hải Dương (17.291 người); Hà Nội (7.340 người); Hải Phòng (704 người); Hưng Yên (2.725 người); Bắc Ninh (2.809 người); Bắc Giang (3.023 người); Hòa Bình (1.541 người); Hà Giang (720 người); Điện Biên: (658 người); Đà Nẵng (117 người); Khánh Hòa (105 người); Gia Lai (1.386 người); Thành phố Hồ Chí Minh (1.139 người); Bà Rịa Vũng Tàu (87 người); Bình Dương (1.820 người); Long An (244 người); Quảng Ninh (10 người); Đồng Tháp (226 người); Tây Ninh (280 người).
* Ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký công điện gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo công điện, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong thời gian tổ chức các hoạt động bầu cử Quốc gia, Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Các sở y tế xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các tình huống của dịch COVID-19 để chủ động ứng phó hiệu quả, bảo đảm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất; tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng, đặc biệt đối với dịch COVID-19. Ngoài ra cần chú ý đến các dịch bệnh lưu hành như cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, tay chân miệng; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong cộng đồng.
Sở Y tế các địa phương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; đẩy mạnh truyền thông thực hiện nghiệm thông điệp 5K; áp dụng xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và nơi công cộng; thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời.
Các sở y tế phối hợp với các ban, ngành của địa phương để thường xuyên truyền thông khuyến cáo nhân dân giám sát, phát hiện người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật.
TTXVN
loading...