loading...
Các ngành sản xuất sẽ phải trả thêm 2300 tỉ đồng do giá điện tăng năm 2009 |
Theo tính toán của Bộ Công Thương, việc điều chỉnh tăng giá điện kể từ ngày 1-3 tới sẽ khiến các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.300 tỉ đồng tiền điện cho năm 2009.
Mặc dù bộ này đánh giá rằng là không gây tác động lớn đến sản xuất và đời sống, nhưng có thể nhận thấy những tác động sắp bắt đầu trong một năm đầy khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những chi phí tăng thêm
Cuộc họp báo về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải hôm 17-2, tại Hà Nội đã đưa ra những đánh giá chính thức về ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến phát triển kinh tế, sản xuất và đời sống.
Theo Bộ Công Thương, quyết định 21/2009 của Chính phủ cách đây vài ngày đã chính thức cho phép tăng giá điện năm 2009 theo mức tăng bình quân là 984,5 đồng/kWh, tăng 8,92% so với giá điện bình quân năm 2008. Từ năm 2010 trở đi, giá bán điện được thực hiện theo cơ chế thị trường. Bậc thang đầu tiên của giá điện sinh hoạt được điều chỉnh ở mức từ 1 đến 50kWh với mức bù giá bằng 35-40% giá bán điện bình quân. Giá điện sinh hoạt cho bậc thang từ 51 đến 100kWh được tính bằng giá thành bình quân, không lợi nhuận. Biểu giá điện sinh hoạt bậc thang được thống nhất áp dụng trong toàn quốc, không phân biệt nông thôn hay thành thị.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, giá bán như trên sẽ không gây tác động lớn đến đời sống và sản xuất. Ông nói rằng, dự kiến với giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6-7,5% (tùy theo cấp điện áp và đối tượng sử dụng), năm 2009 các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.300 tỉ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,35% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2009.
Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 40-50% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân… giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 3-4%. Các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,35-0,4%, ước tính là từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/tấn sản phẩm. Như vậy, chi phí tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành, cá biệt có một số sản phẩm chi phí này tối đa ở mức 3-4%.
Về ảnh hưởng đến đời sống của người dân, giá điện bình quân cho sinh hoạt dự kiến tăng thêm khoảng 13%, làm tăng tiêu dùng cuối cùng của các cá nhân năm 2009 khoảng 0,3-0,35%, khiến chi tiêu hộ gia đình thêm khoảng 3%. Như vậy, hộ tiêu thụ điện năng ít nhất (dưới 50 kWh/tháng) cũng phải trả thêm tối đa là 2.500 đồng/tháng, bằng 0,21% thu nhập của một hộ dân có thu nhập thấp nhất. Các hộ sử dụng 400 kWh/tháng, số tiền tăng thêm là 32.000.
Riêng về ảnh hưởng đến chi tiêu ngân sách nhà nước, dự kiến giá bán điện cho khối hành chính sự nghiệp năm 2009 tăng khoảng 10%, tổng chi phí tiền điện tăng thêm do vấn đề này mà ngân sách phải gánh là khoảng 300 tỉ đồng, bằng khoảng 0,3% tiêu dùng cuối cùng của nhà nước năm 2009 (ước khoảng gần 97.000 tỉ).
Những tính toán tiếp theo
Ông Hào nói rằng, Chính phủ đã tính toán rất kỹ về thời điểm tăng giá qua ví dụ như quyết định tăng giá xăng vào thời điểm bắt đầu lạm phát cao như tháng 7-2008. Ban đầu, giá xăng tăng e ngại CPI tăng nhưng sau đó lượng xăng dầu tiêu thụ đã tiết kiệm được 20%. Thời điểm hiện tại đang giảm phát, song song với kích thích sản xuất, bản thân các doanh nghiệp sẽ phải tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí.
Việc tăng giá điện theo kinh nghiệm cho thấy nhiều cơ sở bán buôn thường lợi dụng để đẩy giá các mặt hàng thiết yếu nhằm thu lợi. Tuy nhiên, các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, may mặc, nhiên liệu xăng dầu thì tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành lại chiếm rất nhỏ do đó phải kiểm soát kỹ việc quản lý thị trường để tránh những tăng giá không đúng cho đời sống người dân.
Bộ Công Thương cũng cho biết, lộ trình đưa giá điện ra thị trường sẽ được thực hiện qua việc điều chỉnh giá hàng năm, tăng hoặc giảm chứ không phải lúc nào cũng tăng.
Theo đó, tổng chi phí cho toàn bộ dây chuyền sản xuất và kinh doanh điện sẽ được tính toán theo các thông số đầu vào, đến cuối năm căn cứ trên số liệu thực hiện để xác định mức điều chỉnh giá cho năm sau.Vì vậy, giá có thể tăng hay giảm theo chi phí thực tế sản xuất và kinh doanh điện. Mục đích để giá điện từng bước phản ánh đúng chi phí đầu vào.
Cũng theo đó, hàng năm, nếu mức điều chỉnh giá bán điện tăng hay giảm thấp hơn hoặc bằng 5% thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phối hợp quyết định. Mức điều chỉnh quá 5% so với bình quân năm trước thì Chính phủ sẽ là nơi phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cũng cho biết thêm, liên quan đến điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, việc tái cơ cấu ngành điện đã có phương án trình Chính phủ, lấy ý kiến bộ, ngành. Theo đó, sẽ tách và minh bạch các khâu phân phối, truyền tải và phát điện.
“Cả nước sẽ có 4 đến 5 tổng công ty phát điện. Riêng Tập đoàn điện lực (EVN) sẽ tách ra làm 3 tổng công ty. Kế đến là tách truyền tải khỏi EVN. Khâu phân phối sẽ hình thành các công ty. Chính phủ khuyến khích các đơn vị phân phối khi ra đời đạt đến giá bán thấp hơn so với giá trần của Chính phủ, nhằm tạo cạnh tranh trên thị trường".
(Theo TBKTSG)
loading...