A+ A A- Kiểu đọc sách

Săn bắt và buôn bán động vật hoang dã: Tác động xấu đến đa dạng sinh học

08:10 30/05/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 10 năm gần đây, xu hướng săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã ngày càng phức tạp, mang tính quốc tế hóa, mức độ chưa có dấu hiệu giảm, tính chất cũng nghiêm trọng hơn: có nhiều vụ đã lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn mẫu vật được tịch thu, bắt giữ.

Phát hiện trên 50 cá thể động vật hoang dã tại nhà hàng Biển Rừng

Phát hiện trên 50 cá thể động vật hoang dã tại nhà hàng Biển Rừng

Công an thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm, xác định chủng loại trên 50 cá thể động vật hoang dã được phát hiện tại nhà hàng Biển Rừng ở 231 Nguyễn Thị Định, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Mặc dù Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn trong nước cũng như quốc tế đã có rất nhiều nỗ lực ngăn chặn, song hoạt động săn bắt và buôn bán bất hợp pháp đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với các loài động vật hoang dã và đa dạng sinh học của Việt Nam.

Để góp phần làm rõ vấn đề này, PV TTXVN giới thiệu chùm 2 bài về "Săn bắt và buôn bán động vật hoang dã".

Hiện Việt Nam được biết đến như là một nơi có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng. Trong đó có 407 loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng; 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới. Nguyên nhân chính là vì mục đích thương mại, đáp ứng nhu cầu thị trường; hơn nữa tham nhũng và bảo kê buôn bán động vật hoang dã trái phép cũng là một trong những nguyên nhân cản trở các nỗ lực điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về động thực vật hoang dã.

Chú thích ảnh
 Săn bắt động vật hoang dã sẽ tác động xấu đến đa dạng sinh học. Ảnh: Internet

Nói về những thách thức trong kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, Tiến sỹ Vương Tiến Mạnh, Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (Cites Việt Nam) cho biết, trước hết xuất phát từ truyền thống và những vấn đề mới nổi. Trước  đây khi kinh tế chưa phát triển, nguồn protein cung cấp cho người dân chủ yếu từ tự nhiên như cua, ốc, ếch, rắn, rùa... đặc biệt là các khu vực gần  rừng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các cư dân địa phương tại khu vực rừng núi chủ yếu sống dựa vào tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến văn hóa; họ thiếu các giáo trình giảng dạy về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã đã được dạy ở các cấp bậc phổ thông.

Mặt khác có một bộ phận không nhỏ người dân có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và cả động vật hoang dã, trong đó “mục tiêu chữa bệnh chiếm tới 71 % bồi bổ sức khỏe chiếm 27% và do được biếu, được mời chiếm 21 %”. Hơn nữa, do văn hóa tâm lý đám đông đang trở nên phổ biến trong nhiều người Việt lúc thị trường lên thì đua nhau mua vào, lúc thị trường lao đốc thì đua nhau bán ra.  Văn hóa này cũng len lỏi trong hoạt động bảo vệ động vật hoang dã bởi một bộ phận người dân thấy người ta sở hữu ngà voi, sừng tê giác thì cũng săn lùng cho bằng được hay thấy đồn thổi tác dụng chữa bệnh của các loài động vật hoang dã cũng tìm mua ráo riết...

Bên cạnh đó, một số tồn tại trong xây dựng văn bản pháp luật, mức độ ưu tiên kiểm soát  buôn bán trái pháp luật động, thực  vật hoang dã còn chưa cao ở một số cơ quan, địa phương; năng lực điều tra, nhận dạng, áp dụng công nghệ, chia sẻ thông tin ở nhiều cán bộ thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế ( hạn chế hợp tác liên ngành, vùng và quốc tế, trong truyền thông, báo chí…). Thực tế từ các vụ vận chuyển ngà voi, sừng tê giác, tê tê cho thấy các chuyến hàng lớn có xuất xứ từ các nước châu Phi, Indonesia…trung chuyển qua nhiều  quốc gia khác nhau trước khi đến Trung Quốc, Việt Nam. Tuy vậy, thông tin từ các nước phát triển, các liên minh ít hoặc không được chia sẻ bởi thiếu các Hiệp định tương trợ tư pháp, Biên bản hợp pháp…

Nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam, theo nhận định của Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV Bùi Thị Hà, phải cần đến 10 hành động cấp bách để ngăn chặn. Đó là thúc đẩy việc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép; đưa ra các biện pháp răn đe hiệu quả; nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác dưới mọi hình thức; tiêu hủy kho ngà voi và sừng tê giác thu giữ được; đóng cửa các cơ sở nuôi hổ tư nhân và chấm dứt mọi hoạt động cho hổ sinh sản không kiểm soát; chấm dứt tình trạng nuôi gấu tại Việt Nam. Tạm dừng việc cấp phép gây nuôi thương mại động vật hoang dã trên toàn quốc; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã trái phép trên địa bàn; ngăn chặn tội phạm trên Internet và tăng cường tiếng nói của các cơ quan nhà nước trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.

Ông Lê Văn Minh, Quản lý Chương trình chính sách, pháp luật và hợp tác quốc tế (WCS) cho rằng, để nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tăng thời lượng về chủ đề phòng, chống săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, tạo dư luận và sức ép để các cơ quan chức năng tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo đối với công tác này. Khai thác các nội dung mới về khung pháp luật của nhà nước trong phòng chống tham nhũng trong các vụ việc buôn bán, sử dụng động vật hoang dã, qua đó làm tăng hiệu quả của công tác này.

(Bài cuối: Cần sửa đổi, bổ sung khung pháp lý)

Lý Thanh Hương/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...