(Thethaovanhoa.vn) - Bên lề lễ trao giải Nobel diễn ra trong ngày 10/12 hằng năm, lãnh đạo Quỹ Nobel Lars Heikensten đã có cuộc trò chuyện với phóng viên hãng tin BBC về tương lai giải thưởng danh giá này, trong bối cảnh năm nay giải đã lần đầu phải giảm bớt quy mô số tiền thưởng do suy thoái kinh tế.
Mở rộng hạng mục giải thưởng?* Vai trò của ông là gì ở Quỹ Nobel?
- Tôi không liên quan tới việc quyết định ai sẽ đoạt giải bởi việc này do các Ủy ban giải thưởng độc lập thực hiện. Nhiệm vụ của tôi là quản lý số tiền do Alfred Nobel để lại và xử lý nhiều vấn đề có liên quan tới thương hiệu của chúng tôi. Để bảo tồn cái tên giải thưởng, điều cần thiết là tiến trình trao giải phải diễn ra tốt đẹp và chúng tôi luôn để ý điều này.
* Điều gì là quan trọng nhất trong việc duy trì thành công của giải Nobel trong thế kỷ 21?
- Tôi nghĩ rằng khía cạnh cần thiết nhất là các Ủy ban trao giải phải thực hiện công việc của họ một cách đúng mực và liêm chính, giống như họ đã làm suốt 110 năm năm qua.
Cùng thời điểm, tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng phải thực hiện nhiều hoạt động khác nhau để cho thế giới biết điều chúng tôi đang làm và các giải thưởng có nghĩa gì... Nếu anh đã đọc về Alfred Nobel, anh sẽ không tránh được cảm giác rằng, nếu còn sống tới giờ, ông hẳn sẽ muốn chúng tôi làm thêm nhiều thứ nữa từ thương hiệu mà ông đã tạo ra và tôi chắc chắn rằng ông đã muốn như thế. Ông là một doanh nhân, đã luôn tìm kiếm mọi cơ hội để khiến thế giới tốt đẹp hơn.
Chủ tịch Quỹ Nobel Lars Heikensten |
* Một trong những quyết định gây tranh cãi trước đây là việc thành lập giải Nobel Kinh tế trong năm 1968. Người tiền nhiệm của ông gần đây tuyên bố rằng sẽ không có thêm hạng mục giải Nobel nào nữa được lập ra. Ông có nghĩ như thế?
- Một quyết định được Ủy ban điều hành đưa ra và tôi sẽ không chất vấn điều đó. Nhưng ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra trong cả trăm năm nữa? Thế hệ tiếp theo sẽ tự ra quyết định về việc họ sẽ làm gì với thương hiệu, với giải thưởng này.
* Có phải ông đang ngụ ý "không bao giờ nói không" với một giải Nobel mới?
- Tôi không phỏng đoán về chuyện sẽ xảy ra. Chúng tôi đã từng được một số người tiếp cận và đề nghị lập ra giải thưởng mới và chúng tôi luôn từ chối vì cảm thấy không cần thiết phải làm thế vào thời gian này.
Hiện không có kế hoạch thêm giải thưởng nào cả, nhưng ai mà biết được trước chuyện gì có thể xảy ra trong 100 năm tới.
* Một trong những điều khiến giải Nobel bị chỉ trích nhiều là việc giới hạn trao mỗi giải cho tối đa 3 người. Tại sao ngay từ đầu người ta lại ban bố quy định như thế?
- Chân thành mà nói, tôi không biết có phải chính ông Nobel đã quy định vậy không. Nhưng tôi có nghe nói rằng ông ấy đã muốn giải thưởng không nên bị đem chia cho quá nhiều người, qua đó khiến các Ủy ban trao giải phải đưa ra các lựa chọn thực sự nghiêm túc, thấu đáo. Việc trao giải cho ít người cũng khiến giải thưởng không bị loãng đi, bởi có quá nhiều người đoạt giải.
Tuy nhiên, đã có những tình huống phức tạp khi có tới 4 người xứng đáng được trao giải và tình thế đã trở nên rất khó khăn. Ngoài ra, theo cách thức khoa học tiến lên, tôi đoán sẽ ngày càng có nhiều nghiên cứu là sản phẩm của các nhóm lớn và việc này sẽ khiến quy định trao giải cho tối đa 3 người ngày càng khó tuân theo hơn.
* Ông có nghĩ quy định đối đa 3 người lĩnh giải nên thay đổi?
- Tôi chưa thực sự thảo luận về vấn đề này và nó không là vấn đề chủ yếu tôi phụ trách mà thuộc về các Ủy ban giải thưởng. Nhưng theo tôi được biết việc thay đổi quy định này chưa được tính tới tại các ủy ban này.
Tôi phải nói thêm rằng giải Nobel Hòa bình thường được trao cho các tổ chức, nên đây có thể là một cách để xử lý rắc rối. Ví dụ như nếu anh có một nhóm nhà khoa học tiến hành nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) về một điều gì đó, anh nên trao luôn giải thưởng cho CERN, tôi giả định là vậy.
Thất vọng nếu ít phụ nữ đoạt giải Nobel
* Năm nay, không có người phụ nữ nào được trao giải và đây là lần thứ 75 trong lịch sử giải Nobel chuyện này xảy ra. Ông nghĩ rằng sự kiện đã phát thông điệp gì cho thế hệ các nhà khoa học nữ tiếp theo?
- Đó là một thông điệp hết sức không may. Trong thế giới khoa học, đàn ông đã chiếm ưu thế trong thời gian dài, rất dài. Và nhiều người giành giải đã khá cao tuổi. Tuy nhiên nếu anh nhìn vào các nhà khoa học hiện nay, những người đang trong độ tuổi 30 - 40, như ở nước tôi chẳng hạn, các nhà khoa học là nữ giới đã chiếm tỉ lệ cao hơn.
Vì thế tôi sẽ rất ngạc nhiên và thất vọng nếu chúng ta không thấy số lượng phụ nữ đoạt giải Nobel tăng lên theo thời gian. Khi đó tôi nghĩ rằng người ta sẽ phải đưa ra những câu hỏi hết sức nghiêm túc về giải thưởng.
* Thế còn các Ủy ban giải thưởng thì sao? Liệu chúng ta có thể thấy việc phụ nữ xuất hiện nhiều hơn tại các ủy ban này?
“Chúng tôi cũng có khoảng 40 hoạt động đầu tư và thấy nó quá nhiều nên giảm xuống chỉ còn có 25 khoản” (Phát biểu của Lars Heikensten) |
- Có chứ, hiển nhiên rồi. Với việc có nhiều nữ giáo sư tham gia Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển, chúng ta sẽ chứng kiến việc ngày càng nhiều nữ giáo sư tham gia Ủy ban giải Y học chẳng hạn. Đó là điều tôi đã kỳ vọng.
Thay đổi ở bộ phận đầu tư
* Năm nay ông thông báo việc đang phải cắt giảm chi phí do tình hình kinh tế khó khăn. Tình hình cụ thể như thế nào?
- Tính trung bình 10 năm qua, chúng tôi đã đi qua một con đường ghồ ghề, lúc lên lúc xuống. Chúng tôi vẫn thu được từ 1,5 - 2% lợi nhuận đầu tư, trong khi chi phí bỏ ra luôn nằm ở mức 3,5%. Đã có sự mất cân đối nên chúng tôi phải hành động.
Chúng tôi đã có chút thay đổi ở bộ phận đầu tư. Chúng tôi đã lập ra một Ủy ban đầu tư với một số người rất giỏi. Chúng tôi cũng xem xét lại toàn bộ tài sản và xem xét vấn đề chi tiêu. Rồi chúng tôi quyết định cắt giảm giải thưởng khoảng 20%. Nếu đổi ra đô la, giải vẫn rất lớn, bởi đồng kroner của Thụy Điển đã tăng giá trong 10 năm qua. Chúng tôi còn cắt giảm chi phí của một số hoạt động trong lễ trao giải. Chúng tôi không làm gì để ảnh hưởng tới chất lượng giải Nobel.
* Ông đã thay đổi cách thức đầu tư tiền của Alfred Nobel ra sao để tăng lợi nhuận?
- Những gì chúng tôi đang làm là thành lập Ủy ban đầu tư mới, tìm thêm nhân tài. Chúng tôi phát triển một hệ thống điểm chuẩn mà tôi hy vọng có thể tăng sức ép lên tất cả mọi người. Chúng tôi cũng có khoảng 40 hoạt động đầu tư và thấy nó quá nhiều nên giảm xuống chỉ còn có 25 khoản đầu tư, khiến việc quản lý dễ hơn.
Khi tiến hành đầu tư thực sự, chúng tôi luôn đánh giá kỹ từng khoản đầu tư và kết quả sẽ xảy ra. Chúng tôi cũng tìm kiếm khả năng tạo thêm tiền từ việc lập các quỹ đầu tư, khi lãi suất tương đối cao hơn rủi ro.
* Liệu quỹ đầu tư có phải là rủi ro quá cao với tiền của Nobel?
- Quỹ đã từng thực hiện nhiều hoạt động rủi ro rất cao trước kia, ví dụ như trong những năm 1980, khi chúng tôi đổ rất nhiều tiền vào bất động sản ở Stockholm. Lần đó chúng tôi rất thành công, nhưng trong thời thế như hiện nay, tôi e rằng chúng tôi không thể làm điều mạo hiểm như thế nữa. Ngày hôm nay, chúng tôi đầu tư rộng hơn so với trước kia.
Ngoài ra, trong những năm 1990, chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều vào cổ phiếu và đã làm ăn tốt, nhưng giờ thì đó cũng là chiến lược quá đỗi mạo hiểm. Tôi nghĩ rằng kết quả kinh doanh không tốt trong 10 năm qua là mặt trái của đồng xu, là cái giá phải trả từ các hoạt động đầu tư như thế. Nhưng thật khó để hình dung ai đó có thể đủ tỉnh táo để nhanh chóng rời khỏi các hoạt động đầu tư mạo hiểm ấy. Tôi không có ý nói rằng chúng tôi nên đầu cơ mạo hiểm hơn trước đây. Nhưng chúng tôi sẽ đầu cơ với tỉ lệ lợi nhuận/rủi ro cao hơn.
Tường Linh (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa