Quốc hội thông qua Luật Thể dục, thể thao sửa đổi bổ sung quy định đặt cược thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 14/6, với tỷ lệ 93,84% phiếu tán thành, Luật Thể dục, thể thao sửa đổi đã chính thức được Quốc hội thông qua.
- Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng
- Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn thành viên Chính phủ 4 nhóm vấn đề
- Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về: Thể dục, thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể thao thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; đất đai dành cho thể dục, thể thao; đặt cược thể thao và một số nội dung khác.
Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Thể dục, thể thao sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, ngày 31/5/2018, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thể dục, thể thao sửa đổi. Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Có ý kiến đề nghị bổ sung "nhà nước có chính sách huấn luyện đặc thù đối với các đối tượng thuộc hạt giống môn thể dục, thể thao để đẩy mạnh và phát huy những đối tượng có tiềm năng, đặc biệt đối với thể thao thành tích cao" vào khoản 2 Điều 31.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Thể dục, thể thao hiện hành đã quy định Nhà nước có chính sách phát triển thể thao thành tích cao, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế.
Để triển khai quy định này, Chính phủ đã ban hành chính sách về chế độ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên đang tập luyện, huấn luyện tại trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao, trường năng khiếu thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; chế độ dinh dưỡng, tiền công, chăm sóc y tế, trang thiết bị tập luyện, thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao xuất sắc là người Việt Nam, được triệu tập tập huấn chuẩn bị tham dự và có khả năng giành huy chương tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), tham dự vòng loại và tham dự Đại hội thể thao Olympic (Olympic Games). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định nội dung này.
Về doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao (Điều 55), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm bắt buộc phải có quy chế hoạt động thể thao mạo hiểm và có đủ điều kiện bảo hộ để phòng tránh rủi ro. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện là hoạt động thể thao được thực hiện trong điều kiện nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia, Dự thảo đã quy định kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện là loại hình kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao... theo quy định của Chính phủ.
Về môn bơi, nhiều ý kiến thống nhất không quy định bơi là môn học bắt buộc nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. Bên cạnh đó, đặc thù của thể thao phải căn cứ vào sở thích, tố chất và sức khỏe của từng học sinh. Vì vậy, môn bơi cần được hình thành, phát triển theo nhu cầu, sở thích và theo hướng khuyến khích xã hội hóa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần quy định bơi là môn học chính khóa trong nhà trường hoặc như một tiêu chí bắt buộc khi học sinh ra trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi. Việc tổ chức cho học sinh học bơi sẽ làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi.
“Tiếp thu ý kiến đại biểu, đồng thời đảm bảo tính khả thi của điều luật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển môn bơi, Dự thảo đã quy định trách nhiệm của nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường” - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết.
TTXVN/Xuân Tùng