A+ A A- Kiểu đọc sách

Quanh việc Grab báo giá cước khác nhau khi đặt xe cùng thời điểm, cùng quãng đường

14:10 17/07/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến phản ánh của khách hàng về việc Công ty TNHH Grab khai thác thông tin dữ liệu người dùng để đưa ra giá cước khác nhau cho cùng một hành trình và cùng một thời điểm, chiều 16/7, phóng viên TTXVN đã liên hệ với bà Nguyễn Thu An, đại diện truyền thông Công ty TNHH Grab (Grab).

Vụ Vinasun kiện Grab: Tòa tuyên buộc Grab đền bù cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng

Vụ Vinasun kiện Grab: Tòa tuyên buộc Grab đền bù cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng

Ngày 28/12, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án sơ thẩm vụ kiện dân sự “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab (Grab).

Bà An cho biết, Grab luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về thu thập, xử lý và sử dụng thông tin khách hàng trên môi trường mạng.

“Cụ thể, Grab thực hiện việc công khai với người dùng về việc cần thiết phải thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để thực hiện việc cung cấp và kết nối dịch vụ. Cách thức thu thập, phạm vi và mục đích sử dụng khi thu thập thông tin trên ứng dụng được Grab công bố công khai trong điều khoản sử dụng và chính sách bảo mật thông tin của công ty. Ngoài ra, điều khoản sử dụng và chính sách bảo mật thông tin của Grab đã báo cáo Bộ Công Thương cùng với đề án cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của công ty trong quá trình đăng ký dịch vụ thương mại điện tử cho ứng dụng di động Grab”, bà Nguyễn Thu An cho hay.

Cũng theo đại diện truyền thông Grab, thông tin cá nhân của khách hàng được thu thập chỉ sử dụng duy nhất cho mục đích cung cấp, duy trì, cải thiện sản phẩm và dịch vụ của Grab. Thông tin của tài xế (đối tác của Grab) cũng được thu thập chỉ duy nhất cho mục đích nhằm giúp Grab có cơ sở lựa chọn, sàng lọc những đối tác đáp ứng đủ yêu cầu của công việc và quy định an toàn trong quá trình Grab cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu đại diện Grab trả lời nội dung liên quan đến phản ánh của khách hàng về Grab khai thác thông tin dữ liệu người dùng để đưa ra giá cước khác nhau cho cùng một hành trình, cùng một thời điểm thì đại diện Grab từ chối trả lời.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 7/1/2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24), Grab đăng ký hoạt động vận tải theo hình thức kinh doanh hợp đồng, do đó giá cước do Grab quyết định. Mặt khác, hiện tại theo quy định của pháp luật chưa yêu cầu các đơn vị vận tải đăng ký hoạt động theo hình thức hợp đồng phải báo cáo giá cước cho cơ quan chức năng.

Grab, Grab báo giá khác nhau, Grab tải miễn phí

Như vậy, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam giả sử Grab có thu thập thông tin khách hàng để phân loại khách hàng từ đó đưa ra các giá khác nhau thì cũng chưa vi phạm pháp luật vì bản thân Grab đã đưa ra giá cước trước khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ. Nếu người tiêu dùng cảm thấy giá cước không hợp lý thì hoàn toàn có thể từ chối không đi.

Về ý kiến cho rằng, Grab đang có hành vi độc quyền về giá cước, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô đang được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ ban hành đã có quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (như xe Grab, Vato, Be…) được lựa chọn 2 hình thức hoạt động là xe kinh doanh vận tải taxi và xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng.

Tuy nhiên, dù chọn hình thức nào thì đều phải gắn hộp đèn (mào) “Xe hợp đồng” trên nóc. Từ đó, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát, tổ chức giao thông đô thị và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Dưới góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, hiện tại Grab đưa ra giá cước không phải lúc nào cũng theo hướng hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và đơn vị vận tải. Vì vậy, hành khách trước khi chọn lộ trình và dịch vụ cho mình cần quan tâm đến các thông tin như độ dài quãng đường, giá đưa ra như vậy có hợp lý hay không để so sánh giữa các loại hình cùng kinh doanh vận tải. Ngoài ra, trên thị trường cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tương tự như Grab để hành khách so sách và lựa chọn dịch vụ, tránh tình trạng hành khách phải trả phí cao.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Quyền cũng bình luận, việc Grab bị người tiêu dùng phản ánh tăng giá rất cao thậm chí đến 3-4 lần vào giờ cao điểm hoặc thời tiết bất lợi (mưa, nắng) so với giá cước bình thường là không hợp lý. Về vấn đề này, nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có ý kiến. Do đó, cần phải có quy định đối với các đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng phải đưa ra một khung giá trần (giá tối đa) tránh tình trạng các đơn vị vận tải lợi dụng việc tự thỏa thuận để đưa ra giá cao gây bất lợi cho người tiêu dùng. Hiện nay ngành hàng không cũng đã áp dụng giá trần trong quy định giá vé.

Theo phản ánh của khách hàng Nguyễn Thị Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều lần chị cùng các bạn đặt xe Grab đi cùng một quãng đường và cùng thời điểm nhưng giá cước hiển thị trên điện thoại của bạn chị và chị lại khác nhau. Đặc biệt hiện tượng này hay xảy ra vào giờ cao điểm.

Còn theo phản ánh của cô Nguyễn Thị Tuyến (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ngày hôm qua (15/7), cô có đặt xe Grab từ đường Nguyễn Thị Định về đường Tố Hữu vì trời mưa nên giá cước lên tới 150.000 đồng, tăng 4 lần so với ngày bình thường cùng thời điểm. Sau đó cô phải đặt xe của hãng Be với giá chỉ 42.000 đồng.

Khi hỏi về hiện tượng, dùng các máy điện thoại dòng khác nhau (iPhoneX, hoặc điện thoại chạy hệ điều hành Android) để đặt xe Grab tại cùng thời điểm và cùng quãng đường có khác nhau về giá cước hay không, cô Nguyễn Thị Tuyến cho hay, có lúc cô mượn máy điện thoại của con gái đặt xe, lúc cô dùng máy điện thoại của mình đặt xe Grab thì mỗi ngày cho một giá khác nhau mặc dù vào cùng một khung giờ.

Trao đổi với một lái xe Grab lâu năm, anh Nguyễn Văn Tuấn cho hay, hiện tượng dùng điện thoại khác nhau để đặt Grab trong cùng một thời điểm cho giá cước khác nhau là có thể xảy ra. Vì trên thực tế, lúc đặt xe chỉ đặt lệnh chênh vài giây là đã cho kết quả giá cước khác nhau. Điều này phụ thuộc vào thời điểm đó có đông khách đặt lệnh hay không?

Luật sư Vũ Sông Hồng, Luật sư Winco (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, giả sử có việc Công ty Grab thu thập dữ liệu người tiêu dùng để phân loại khách hàng từ đó áp dụng giá cước khác nhau thì hiện tại pháp luật cũng chưa quy định cấm hành vi này. Mặt khác, hiện Grab đang hoạt động vận tải theo hình thức hợp đồng, nên Grab đã đưa ra giá cước trước khi hành khách đặt xe. Cụ thể, Grab vẫn báo cụ thể giá cước để khách hàng lựa chọn đi hoặc không đi. Chứ không phải là khách hàng đi xong rồi mới được báo giá cước.

Liên quan đến việc Grab không công bố quãng đường đi khi khách hàng đặt xe liệu có thiếu minh bạch hay không ?, Luật Vũ Sông Hồng cho rằng thông tin quãng đường đi dài bao nhiêu km không phải là điều kiện bắt buộc vì trên thực tế khi hành khách đặt xe từ điểm A đến điểm B có nhiều đường đi chẳng hạn nên không thể có thông tin chính xác quãng đường đi dài bao nhiêu. Mặt khác, hành khách đặt xe từ điểm A đến điểm B mà Grab đưa ra giá cước cụ thể là đã đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng. Ở đây Grab không hoạt động theo loại hình taxi truyền thống là tính cước trên số km thực tế đi. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải như Grab đưa ra các thông tin càng nhiều càng tốt để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng …

Quang Toàn - TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...