loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là một trong những địa bàn năng động của cả nước, điển hình trong huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tích cực nhiều mặt, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của địa phương, góp phần thực hiện, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong bước phát triển có tính đột phá đó, cùng với những mặt thuận lợi, tỉnh cũng phải đối mặt với những thách thức, xung đột lớn, đặc biệt là việc giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển gắn với bảo tồn các giá trị cảnh quan, cũng như bảo vệ môi trường. Để giải bài toán này, tỉnh đã sớm nhận diện những thách thức, xác định triết lý là dựa vào 3 trụ cột thiên nhiên - con người - văn hóa để triển khai các dự án theo hướng bền vững.
Khoảng 5 năm trở về trước, giao thông từ Hà Nội - Quảng Ninh chỉ có duy nhất là quốc lộ 18A vốn đã quá tải, thì đến nay bức tranh đã hoàn toàn đổi khác. Đầu năm 2019, Quảng Ninh đã đồng loạt đưa 3 dự án giao thông trọng điểm, đại diện cho 3 loại hình giao thông là hàng không, đường biển và cao tốc vào khai thác lần lượt là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và cao tốc Hải Phòng - Vân Đồn. Dù thời gian vận hành của các dự án mới được hơn 2 năm, tuy nhiên các công trình đã phát huy hiệu quả, khẳng định thành công trong đổi mới, linh hoạt trong thu hút nguồn lực ngoài ngân sách phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh.
Tiếp nối những kinh nghiệm, thành công, sau tuyến cao tốc Hải Phòng - Vân Đồn, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái tiếp tục được đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Với tuyến cao tốc này, các trung tâm kinh tế, du lịch lớn nhất phía Bắc từ Thủ đô Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn đến vùng đất biên giới Móng Cái sẽ được kết nối đồng bộ bằng hệ thống cao tốc; giảm thời gian di chuyển từ 6h trước đây xuống chỉ còn 3h. Đồng thời, mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư cho cả khu vực, đặc biệt là với KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái. Phát huy vai trò của cửa ngõ giao thương giữa ASEAN với Trung Quốc cũng như với thị trường Đông Bắc Á.
Để hạ tầng giao thông tiếp tục là động lực tạo đột phá, trong năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, dù bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, bằng nguồn lực của mình, năm 2020 tỉnh đã tiếp tục khởi công thêm các dự án giao thông quan trọng. Trong đó phải kể đến dự án cầu Cửa Lục 1 và 3, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Các công trình cầu đóng vai trò hoàn chỉnh thêm tuyến đường vượt sông Trới, sông Diễn Vọng ngang qua Vịnh Cửa Lục, đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân; mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Bắc TP Hạ Long, đánh thức tiềm năng về không gian quỹ đất rộng lớn, phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy và cầu Bang hiện nay. Các cầu còn là nhịp gắn kết giữa sản phẩm du lịch biển Vịnh Hạ Long với du lịch núi rừng của Hoành Bồ.
Năm 2021, Quảng Ninh đã bắt đầu triển khai tuyến đường tốc độ cao ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua Quảng Yên - Uông Bí đến Đông Triều... rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hạ Long đến Đông Triều từ 1,5h trước đây xuống còn 45 phút. Tỉnh cũng đã thống nhất với TP Hải Phòng xây dựng cầu Rừng, cầu Lại Xuân để kết nối giữa hai địa phương. Sử dụng vốn ngân sách tỉnh để đầu tư, đưa vào sử dụng cầu Triều, cầu Đông Mai nối Quảng Ninh với Hải Dương; đầu tư đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả để thêm kết nối cho 2 thành phố trung tâm của tỉnh là Hạ Long và Cẩm Phả, trở thành trục cảnh quan mới của Quảng Ninh gắn kết 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long…
Bằng cách làm sáng tạo, bài bản và quyết liệt, Quảng Ninh đã gỡ được nút thắt về hạ tầng giao thông trong suốt quá trình phát triển từ khi thành lập tỉnh đến nay với sự kết nối giữa các địa phương trong tỉnh bằng hệ thống đường cao tốc, đường tốc độ cao đồng bộ nhất cả nước; kết nối với thế giới bằng cảng hàng không và cảng tàu quốc tế… Qua đó, đã khơi thức được các tiềm năng rất lớn về đất đai, tài nguyên du lịch ở khu vực này, tận dụng được các hạ tầng logistics cảng biển của TP Hải Phòng trong tổng thể liên kết vùng để phát triển.
Quảng Ninh trở thành tỉnh tiên phong, điển hình về phát triển hạ tầng giao thông chỉ trong một thời gian ngắn, được trung ương đánh giá cao. Có được điều này, Quảng Ninh không chỉ làm tốt ở việc huy động các nguồn vốn trên quan điểm dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Trên cơ sở đó, hầu hết các dự án Quảng Ninh triển khai đều hướng đến phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm nền tảng.
Có thể thấy, đối với các dự án, công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, quan điểm xuyên suốt, nhất quán của tỉnh chính là hài hoà giữa phát triển dự án với việc bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển du lịch. Từ đó, ở tất cả các dự án, bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, mỹ thuật thì bảo vệ cảnh quan môi trường luôn được quan tâm. Đặc biệt từ trong thiết kế đến quá trình thi công, tỉnh, chủ đầu tư và các nhà thầu đều lựa chọn, ưu tiên các dự án phục vụ mục đích cải thiện đời sống dân sinh, phát triển tiềm năng kinh tế; nghiêm túc tuân thủ và thực hiện hạn chế tối đa những tác động đến cảnh quan, môi trường.
Điển hình tại dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, có ý nghĩa kết nối đồng bộ, hoàn thiện hệ thống cao tốc dọc tỉnh. Để giữ nguyên trạng diện tích rừng ngập mặn hai bên tuyến đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài hơn 16km, 8 vị trí thiết kế mới đã được điều chỉnh, thay thế cho các với phương án thiết kế trước đó. Tại tất cả các vị trí thay đổi thiết kế đều được mở rộng khẩu độ thoát nước nhằm đảm bảo điều kiện sinh trưởng bình thường của gần 500ha rừng ngập mặn trên dọc tuyến. Trong đó, tại khu vực cầu Đài Xuyên 1 đã triển khai điều chỉnh theo hướng nâng chiều dài cầu từ 120m như thiết kế ban đầu lên gần 500m để bảo tồn nguyên trạng diện tích gần 90ha rừng ngập mặn tại đây. Còn đoạn Tiên Yên - Móng Cái với chiều dài gần 60km, các phương án thiết kế, thi công được tính toán ngay từ đầu. Chủ đầu tư đã thực hiện mở rộng tất cả hệ thống cầu, cống để tạo thông thủy, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt là việc sinh trưởng của rừng ngập mặn.
Tương tự tại đường nối Hạ Long - Cẩm Phả, việc thay đổi thiết kế thay vì phá núi làm đường sang phương án thi công hầm xuyên núi đã góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, bảo tồn nguyên trạng hàng chục ha thảm thực vật trên núi đá vôi. Dự án cầu Cửa Lục 3, phương án thiết kế cũng được thay đổi từ đường sang cầu cạn để nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn phía dưới.
Bên cạnh việc ưu tiên cho công tác bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ rừng, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư hạ tầng, Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng đến việc trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ cho các dự án đầu tư. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2014 đến nay, tổng diện tích rừng thay thế đã được triển khai trồng trên địa bàn tỉnh là gần 2.200ha. Chất lượng rừng trồng thay thế cũng được đảm bảo với tỷ lệ cây sinh trưởng tốt đạt 85%.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính quyền tỉnh Quảng Ninh, các dự án hạ tầng đã phát triển nhanh chóng, kết nối thuận lợi, cơ bản cảnh quan, môi trường. Điều này đã tạo được niềm tin, nhận được sự đồng thuận trong nhân dân. Có lẽ, đây cũng là lý do vì sao mỗi khi triển khai các dự án hạ tầng ở Quảng Ninh, đặc biệt là hạ tầng giao thông, dù phạm vi phải GPMB rất lớn, ảnh hưởng tới nhiều người dân, thế nhưng cơ bản người dân đều rất đồng tình, ủng hộ, tự nguyện tham gia phối hợp với chính quyền, chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đơn cử như trong thực hiện GPMB cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (cuối năm 2020), Quảng Ninh chỉ mất 15 ngày để hoàn thành thu hồi gần 190ha đất, liên quan đến gần 1.200 hộ dân, tại 5 địa phương khác nhau. Đây là kỷ lục mới về thời gian thực hiện GPMB của Quảng Ninh, cũng có thể nói không nhiều địa phương trong cả nước làm được điều này.
Có thể thấy, những năm qua Quảng Ninh đã nhìn nhận một cách cụ thể, đánh giá rõ những thách thức trong quá trình phát triển để kịp thời triển khai các giải pháp ngăn chặn những nguy cơ, tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, thiên nhiên. Từ đó, phát triển gắn với bảo vệ môi trường bền vững đã giúp tỉnh xây dựng hình ảnh mới, không chỉ sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi, hấp dẫn du khách và nhà đầu tư, mà còn là niềm tự hào của nhân dân trong tỉnh.
Thảo Nhi
loading...