A+ A A- Kiểu đọc sách

Quảng Ninh đón 2,5 triệu lượt khách, quyết tâm vượt khó đại dịch

15:54 13/09/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm, du lịch Quảng Ninh đón 2,5 triệu lượt khách, bằng 60% cùng kỳ năm ngoái.

Quảng Ninh: Mở cửa du lịch trong trạng thái bình thường mới

Quảng Ninh: Mở cửa du lịch trong trạng thái bình thường mới

Kể từ 12h ngày 8/6, các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ tại Quảng Ninh mở cửa trở lại, tổ chức đón du khách nội tỉnh.

Tổng thu từ du lịch đạt trên 5.200 tỷ đồng, bằng 61% cùng kỳ. Lượng khách giảm do ảnh hưởng của 2 đợt dịch liên tiếp từ đầu năm.

Chú thích ảnh
Nhân viên tàu du lịch trên vịnh Hạ Long hướng dẫn du khách sát khuẩn, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19

Cùng với nỗ lực giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, tỉnh Quảng Ninh và ngành du lịch tận dụng mọi cơ hội an toàn trong dịch bệnh để khôi phục hoạt động, trước mắt đón khách du lịch nội tỉnh trở lại từ đầu tháng 6. Tỉnh cũng đã triển khai các gói kích cầu, ưu tiên miễn phí vé tham quan cho khách du lịch đến vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh và Yên Tử từ ngày 18/6 đến hết năm nay.

Thích ứng với trạng thái bình thường mới, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khôi phục hoạt động có kiểm soát, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đồng thời có cơ chế tầm soát chủ động. Ngành du lịch cũng nghiên cứu xây dựng các tour du lịch với quy trình đón tiếp khép kín, đảm bảo an toàn cho du khách, cùng nhiều sản phẩm ưu đãi, giữ vững thương hiệu điểm đến an toàn, hấp dẫn của Quảng Ninh.

Chú thích ảnh
Một góc khu vực Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Giải bài toán với du lịch Quảng Ninh

Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, phải mất 3 - 4 năm, ngành du lịch mới có thể phục hồi như giai đoạn trước khi Covid-19 xuất hiện và du lịch nội địa được coi là lối thoát của “ngành công nghiệp không khói”. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Để thu hút dòng khách nội địa, sự cạnh tranh giữa các địa phương là rất lớn và xu hướng chung là giảm giá, xây dựng các gói tour với giá cạnh tranh. Nhưng, du lịch giá rẻ trong bối cảnh dịch bệnh có thể sẽ kéo ngành này đi xuống”.

Theo ông Thủy, Quảng Ninh đã phải mất nhiều năm để cải tạo, xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch chất lượng cao, xứng đáng là điểm đến quốc tế. Nếu tham gia sâu vào cuộc cạnh tranh giảm giá tour, giảm giá dịch vụ, sẽ dễ dẫn đến hậu quả tiêu cực, vì trong cuộc cạnh tranh này không hình thành sản phẩm chất lượng, lại mất nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bài toán mà ngành du lịch Quảng Ninh cần giải hiện nay không phải là thu hút khách đến đây, mà là làm thế nào để giữ được doanh nghiệp làm du lịch, giữ được nhân lực ngành du lịch, giữ được sản phẩm du lịch đã có thương hiệu, chất lượng và giữ chân du khách.

Du lịch Quảng Ninh đã có thời gian dài chỉ coi trọng số lượng khách. Để nâng cao tỷ trọng đóp góp cho ngân sách cũng như tỷ trọng trong GRDP của tỉnh, định hướng phát triển của ngành đã dần thay đổi, chú trọng doanh thu trên đầu khách và lợi nhuận. “Giai đoạn hiện nay đang trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh đã có chỉ đạo phải tận dụng thời gian này để đầu tư hoàn thiện kết nối hạ tầng, quy hoạch, tìm nhà đầu tư để tạo ra những giá trị mới cho ngành du lịch Quảng Ninh theo hướng nâng tầm về cả chất và hạ tầng”, ông Thủy nhấn mạnh.

Quảng Ninh sẽ là điểm đến hấp dẫn bậc nhất hậu Covid

Với các giải pháp quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong suốt thời gian qua, Quảng Ninh luôn là một trong những địa phương an toàn dịch bệnh hàng đầu cả nước. Đây là tiền đề quan trọng để du lịch Quảng Ninh sẵn sàng “bùng nổ” hậu Covid-19.

Qua 4 làn sóng bùng phát dịch, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng cả nước về phòng chống dịch, với hàng loạt giải pháp quyết liệt.

Nhờ đó, kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của Quảng Ninh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) vẫn tăng 8,02%, là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 4 trong khu vực phía Bắc. Đặc biệt, Quảng Ninh vẫn thu hút được số lượng lớn nguồn vốn ngoài ngân sách, 6 tháng đầu năm đạt 269.497 tỷ đồng, gấp 5 lần kịch bản đề ra. Tỉnh cũng giữ vững vị trí đứng đầu toàn quốc trong bảng xếp hạng 4 chỉ số là PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS.

Tỉnh cũng tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế để sẵn sàng tâm thế đón cả khách quốc tế trở lại ngay khi có thể.

Việc thực hiện mục tiêu kép một cách hiệu quả: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội đã giúp Quảng Ninh giữ vững “Vùng Xanh” an toàn và sẽ là “thỏi nam châm” hút khách du lịch đến với tỉnh hậu Covid-19.

Ngoài Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh hiện nay còn nhiều điểm đến mới mang tầm quốc tế đang có sức hút vô cùng lớn.

Tiêu biểu như Vân Đồn – nơi đã được Chính phủ quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, du lịch biển - đảo cấp cao, là cửa ngõ giao thương quốc tế - những năm qua đã được đầu tư hàng nghìn tỷ để xây dựng mới các tuyến cao tốc, cảng hàng không quốc tế và cảng biển quốc tế…

Là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh, Vân Đồn dự kiến đến năm 2040 sẽ đón khoảng 6 - 9,5 triệu lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, mua sắm.

Sở hữu nhiều bãi biển đẹp đầy mê hoặc cùng tiềm năng du lịch sinh thái, tâm linh… đa dạng, là trung tâm công nghiệp giải trí mới có casino ở miền Bắc, Vân Đồn được đánh giá sẽ sớm là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ lỡ của du khách trên hành trình khám phá Quảng Ninh suốt bốn mùa trong năm, nhất là khi nhiều dự án tầm cỡ đang được tập trung phát triển ở đây. Điển hình như dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City tại xã Hạ Long của Tập đoàn CEO; Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn (Sun Group) cùng hàng loạt dự án của các chủ đầu tư lớn khác như Vingroup, HD Mon…

Thảo Nhi

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...