loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/10/2019, toàn thế giới sẽ kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi (2/10/1869 - 2/10/2019), người đã dẫn dắt cuộc kháng chiến của nhân dân Ấn Độ giành độc lập, thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh.
Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 8, do thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Radha Krishma Mathur đồng chủ trì.
Nhân dịp này, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về những điểm tương đồng trong tư tưởng của Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thành tựu và định hướng phát triển quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua và trong tương lai cũng như những ưu tiên của Đại sứ trong nhiệm kỳ tại Việt Nam.
*Tư tưởng của Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng. Đó là sự đồng hành cùng dân tộc bị áp bức của mình để chống lại thế lực đế quốc, thực dân. Từ tư tưởng đó, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã cùng nhau xây dựng, vun đắp và phát triển quan hệ hai nước như thế nào, thưa Đại sứ? Hai nước cần làm gì để tư tưởng tốt đẹp của Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được phát huy và lan tỏa?
- Mahatma Gandhi, vị cha già dân dân tộc của nhân dân Ấn Độ có hệ tư tưởng của chân lý, tính bất bạo động, nhân phẩm và tự do, người đã truyền cảm hứng cho phong trào chống thực dân và các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở khắp châu Á và châu Phi, bao gồm cả cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Với hệ tư tưởng này, Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã truyền cho nhân dân hai nước lòng can đảm, tự tin vượt qua nghịch cảnh, kiên quyết chống bè lũ thực dân tàn bạo.
Khi Việt Nam và Ấn Độ trở thành các quốc gia độc lập, lịch sử các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thoát khỏi ách thống trị của thực dân với sự lãnh đạo sáng suốt của Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước ngày nay.
Trên nền tảng đó, mối quan hệ này không ngừng được các thế hệ lãnh đạo hai nước chúng ta nuôi dưỡng, củng cố và đến nay đã chuyển sang bước ngoặt mới là Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Ngày 2/10/2019, Ấn Độ cùng thế giới kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của Mahatma Gandhi. Năm 2018, Ấn Độ cũng kỷ niệm 60 năm chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ (1958-2018). Đây là những dịp quan trọng để Ấn Độ tái khẳng định các giá trị và lý tưởng của hai nhà lãnh đạo vĩ đại Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 24/9 vừa qua, phát biểu tại Liên hợp quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh, triết lý của Mahatma Gandhi liên quan đến thế giới đương đại và thông điệp của ông về chủ nghĩa nhân đạo, tự do, tự lực và các giá trị phi bạo lực cũng như sự tôn trọng tự nhiên, từ đó đưa ra giải pháp cho các vấn đề thế giới ngày nay đang phải đối mặt.
Nhân dịp này, ngay từ đầu năm nay, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức một số sự kiện giới thiệu về Mahatma Gandhi, những triết lý và thông điệp của ngài với sự tham dự của các học giả, nhà nghiên cứu Ấn Độ. Ngày 2/10 tới, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của Anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi.
* Trải qua 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2019), hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã có những bước phát triển ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Đại sứ có thể đánh giá những thành tựu ấn tượng nhất của quan hệ hai nước thời gian qua và triển vọng hợp tác thời gian tới?
- Hiện nay, hai nước Việt Nam - Ấn Độ đang duy trì quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với các lĩnh vực hợp tác nhiều mặt từ chính trị đến thương mại và đầu tư, hợp tác năng lượng, đối tác phát triển, hợp tác quốc phòng và an ninh, đối ngoại nhân dân. Quy mô hợp tác mở rộng này phản ánh mối quan hệ chặt chẽ, sâu rộng giữa hai nước dựa trên sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau.
Chỉ trong ba năm gần đây, thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đã tăng gấp đôi và dự kiến đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Lĩnh vực thương mại và các ngành công nghiệp của hai nước đều ngày càng mở ra nhiều cơ hội lớn ở mỗi quốc gia.
Hai bên đang xây dựng quan hệ đối tác mới trong các lĩnh vực mới nổi như công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo… Với lực lượng dân số trẻ dồi dào, hai nước có nhiều cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực khác nhau.
Quan hệ đối tác phát triển Ấn Độ - Việt Nam hơn 46 năm qua đã có những bước thành công trong xây dựng chính sách hợp tác và phát triển nguồn nhân lực. Ấn Độ tích cực hành động để đưa các dự án và chương trình đến gần hơn với người dân Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực thông qua Chương trình Hợp tác kinh tế và kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) mà Việt Nam là một trong những đối tác lớn. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã mở rộng sang các lĩnh vực như hợp tác công nghiệp quốc phòng trong lĩnh vực công nghệ, từ đó mở ra những cơ hội hợp tác mới.
Trong bối cảnh khu vực và toàn cầu hiện nay, Ấn Độ - Việt Nam thường xuyên tham vấn ý kiến của nhau, cùng chia sẻ quan điểm đối với nhiều vấn đề quan trọng. Hai nước cùng có quan điểm chiến lược dài hạn dựa trên tầm nhìn vì hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Việt Nam là trụ cột quan trọng trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ, là đối tác chủ chốt của Tầm nhìn Ấn Độ- Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là một mắt xích vô cùng quan trọng trong quá trình kết nối giữa Ấn Độ với ASEAN.
Khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Ấn Độ sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác với Việt Nam về các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế.
* Đảm nhận nhiệm vụ Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam từ tháng 8/2019, xin Đại sứ cho biết cảm nhận về Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam, những ưu tiên trong nhiệm kỳ của Đại sứ?
- Tôi đến Hà Nội từ hai tháng trước. Điều làm tôi ấn tượng nhất là tình cảm nồng hậu; sự nhiệt tình, tự tin của người dân Việt Nam đối với tương lai đất nước. Cả quốc gia đều thể hiện sự năng động tích cực của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Tôi cũng có ấn tượng sâu sắc với tình cảm chân thành mà người dân Việt Nam dành cho đất nước Ấn Độ. Điều này tái khẳng định truyền thống lâu đời của hai nước trong việc hỗ trợ nhau phát triển và chinh phục khát vọng của mỗi quốc gia.
Trong nhiệm kỳ tại Việt Nam, tôi muốn tập trung vào việc đưa người dân hai nước đến gần nhau hơn thông qua các chương trình kết nối. Đây là chìa khóa nhằm thúc đẩy lĩnh vực du lịch cũng như hợp tác kinh tế, thương mại. Di sản Phật giáo của hai nước đem đến một sức hấp dẫn đáng kể cho người dân Việt Nam. Từ đó, Ấn Độ có thể xây dựng định hướng du lịch với Việt Nam theo chủ đề này. Tôi hy vọng việc khai trương các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước trong tháng 10/2019 sẽ là một khởi đầu tốt. Điều này sẽ góp phần làm sâu rộng hơn quan hệ hợp tác hai nước và đóng góp thực chất cho sự phát triển kinh tế xã hội của nhân dân Việt Nam - Ấn Độ. Đồng thời, thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh; thúc đẩy các cuộc tham vấn về các lĩnh vực ưu tiên của khu vực và toàn cầu. Ấn Độ sẵn sàng hợp tác tích cực với Việt Nam thông qua Tầm nhìn Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Nhìn chung, tôi rất lạc quan về tương lai của mối quan hệ hai nước. Tôi tin rằng, là hai quốc gia quan trọng của Ấn Độ - Thái Bình Dương, là hai trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
*Trân trọng cảm ơn Đại sứ.
Thu Phương/TTXVN (thực hiện)
loading...