(Thethaovanhoa.vn) - Chiến thắng 5 - 1 trước một đối thủ mạnh như U19 Australia với băng tang trên ngực áo, vào ngày cả nước để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cầu thủ trẻ của Đội tuyển U19 Việt Nam đã khơi dậy trong lòng người hâm mộ biết bao cảm xúc.
Chiến thắng đó đã vượt qua khuôn khổ thắng thua của một trận cầu, đó là chiến thắng của lòng tự tôn dân tộc.
Là một người làm bóng đá, nhưng với những trải nghiệm cùng đội U19 Việt Nam trong những ngày diễn ra đám tang Đại tướng, ông Dương Nghiệp Khôi, Phó Tổng thư ký VFF - Trưởng đoàn U19 Việt Nam - đã suy nghĩ rất nhiều về sức mạnh của truyền thống, của văn hóa. Quốc tang Đại tướng đã trôi qua được gần một tuần, nhưng nhắc lại chuyện này, mắt ông Khôi vẫn đỏ hoe. Ông nói:
- Bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) gần gũi thân thương với tất cả mọi người dân Việt Nam. Hình ảnh Bác Giáp không khác gì hình ảnh của người ông, người cha.
Ông Dương Nghiệp Khôi cùng đội U19 tự mua vải, xâu kim may băng tang trên áo đấu
* Ngay khi trở về Việt Nam, đội U19 đã tới thẳng ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để viếng Đại tướng lúc nửa đêm. Khi tới nơi, dù đã hết giờ viếng, dù có rất nhiều người dân vẫn còn đợi phía ngoài, nhưng U19 đã nhận được sự ưu tiên. Đó không chỉ là sự ưu tiên từ phía gia đình Đại tướng, đó còn là những ưu ái, từ chính những người hâm mộ có mặt ở đó. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với đội bóng?
- Hôm đó, tôi đã nói với các cháu đội U19 thế này: Hôm nay các con đã thấy tình cảm của gia đình Đại tướng, tình cảm của người hâm mộ Việt Nam. Họ không chen lấn, họ nhường cho chúng ta vào viếng Người. Cái đó có được chính nhờ thành tích thi đấu mà các con sau biết bao nỗ lực tập luyện. Các con phải nhớ, không gì mua được tình cảm này đâu. Từ bây giờ các con phải tập luyện nhiều hơn nữa để năm nay và nhiều năm tiếp theo nữa mang vinh quang về cho Tổ quốc. Mọi người thương các con nhiều lắm.
Khi đó, các cháu im lặng nghe tôi. Đội bóng được sự giáo dục nhiều năm, các cháu đều ngoan và có văn hóa. Hiếm đội bóng đá nào ở Việt Nam đặc biệt là bóng đá trẻ được như thế.
Trong những ngày qua, các cháu đã trưởng thành hơn rất nhiều. Việc các cháu được tới viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chứng kiến tình cảm người hâm mộ... tôi tin trong các cháu không ai tự mãn, mà đã, đang bảo nhau phải tốt hơn.
“Cụ Giáp có tinh thần mà ngày hôm nay, thầy Guillaume cũng đã nói với các con rồi, đó là: Quyết chiến quyết thắng, không sợ bất cứ một đối thủ nào. Ngày hôm nay các con nhất định phải thắng” (Lời ông Dương Nghiệp Khôi với các cầu thủ U19 Việt Nam sau phút tưởng niệm Đại tướng trước giờ khai mạc trận đấu). |
* Anh có nghĩ rằng, với các cầu thủ trẻ của U19 nói riêng, và với thế hệ trẻ nói chung, những trải nghiệm này thực sự có ý nghĩa lâu dài?
- Nó là bài học cho tất cả mọi người không riêng thế hệ trẻ, ngay như chúng tôi, chúng tôi cũng học được rất nhiều điều. Những câu chuyện nhỏ, như cụ bà trên 80 tuổi bay từ TP. HCM ra đây viếng Đại tướng, không đủ tiền mua vé nên mọi người ở sân bay đã góp tiền cho các cụ. Rồi việc những chiếc bánh mì, những chai nước chia nhau giữa những người đi viếng... Người Việt Nam khi có việc rất đoàn kết, yêu thương nhau. Chắc chắn tất cả mọi người sau sự việc này sẽ phải sửa mình đi, để là những gì tốt hơn cho đất nước, cho xã hội để xứng đáng là con cháu cụ Giáp.
Với các cháu U19 phía trước còn nhiều khó khăn lắm. Nhưng có một mẩu chuyện ngắn có thể nói lên nhiều điều. Ngay sau trận đấu, Đông Triều đã nâng một cầu thủ Australia đang khóc dậy. Một người thắng nâng một người thua là đối thủ của mình đứng dậy - đó là một hành động văn hóa. Lúc ấy, cầu thủ Australia nói với Đông Triều: Các cậu thi đấu như thế này thì được bao nhiêu tiền? Đông Triều cười bảo: Chúng tôi không có một đồng nào nhưng sau lưng chúng tôi có hàng triệu người. Một cầu thủ 18 tuổi, trả lời một cầu thủ nước ngoài vừa là đối thủ của mình như vậy thì thực sự cầu thủ ấy đã trưởng thành rất nhiều. Điều đó đã thể hiện văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa trong bóng đá nói riêng.
* Bóng đá Việt Nam trong những năm qua đã đánh mất nhiều niềm tin từ người hâm mộ. Các cầu thủ trẻ tài năng dường như cũng dễ rơi vào hào quang của sự nổi tiếng mà đôi khi không giữ nổi mình. Bài học về sự xả thân cống hiến mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho chúng ta, cho thế hệ trẻ ngày hôm nay, theo anh liệu có giúp chúng ta cải thiện được tình hình bóng đá nước nhà?
- Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng có lúc thăng lúc trầm, mà những lúc trầm thì nhiều lắm. Có thời điểm bóng đá đi xuống theo quy luật chung. Chúng ta phải biết chờ đợi. Ngày hôm nay, những thành công của Đội tuyển U19 chỉ là 1 bước rất nhỏ, chúng ta cần nhiều thứ hơn nữa để chăm lo cho lứa cầu thủ này, và cả lứa kế cận để có cái tạm gọi là bền vững. Và nhất là phải đi đúng hướng.
Quả thực việc chăm lo cho những tài năng trẻ là vô cùng quan trọng, nhất là về mặt tinh thần.
Bao nhiêu công sức tập luyện, tài năng sẽ không được thể hiện, nếu tinh thần không tốt, suy sụp, sợ sệt, chưa nói còn những tiêu cực khác. Có tài không có đức là vô dụng. Tài năng sẽ bị hủy hoại.
Cách mà bầu Đức đang làm với các cầu thủ U19, theo tôi chính là một cách làm đúng hướng. Là cách làm bóng đá thực thụ bằng tình yêu dành cho bóng đá và một tầm nhìn chiến lược.
Và với những gì các cháu đã được trả qua trong những ngày này các cháu đã và sẽ trưởng thành thực sự. Các cháu luôn được người hâm mộ yêu thương, với khả năng, học thức, văn hóa, các cháu sẽ ứng xử đúng. Tôi tin rồi bóng đá Việt Nam sẽ có những mùa quả chẳng những ngọt mà còn thơm.
* Xin cảm ơn.
Mua vải đen, tự khâu băng tang “Đêm 5/10 về, chúng tôi nhận được tin công bố Quốc tang” - ông Dương Nghiệp Khôi kể - “Chúng tôi bàn nhau, nếu đeo băng, phải có người biết làm, biết khâu. May 1 miếng vải đen dưới lá cờ Tổ quốc trên áo của các cầu thủ là được.
Vậy là Quốc Anh đi mua vải đen còn kim chỉ trong mỗi phòng khách sạn đều có sẵn. Vì cả đội không ai biết khâu, nên tôi đã làm công việc đó.
Ngay trong đêm 5/10, trong phòng tôi, mọi người cắt vải đen thành những vuông nhỏ, 12h tôi bắt đầu khâu. Graechen Guillaume, HLV người Pháp của đội U19, đưa tôi chiếc áo của anh và nói: “Anh khâu cho em với”. Lúc đó tôi cảm động lắm. Anh ấy cũng trẻ, có tình cảm với Đại tướng như thế, rất trân trọng. Tôi khâu cho anh ấy đầu tiên, 5 phút sau, tôi mang sang. Anh ấy vuốt lá cờ, với phần băng tang rất phẳng và treo vào tủ.
Tôi lẳng lặng đi về, hôm ấy, từ 12h đến 2h30 tôi ngồi khâu được 5 cái.
Sang ngày hôm sau, tôi lại tiếp tục khâu để kịp có đủ áo cho cả đội trước giờ thi đấu. Khi tôi làm các cháu của U19 mang hộp đựng kim khâu tới góp, các cháu xâu kim, chọn chỉ giúp tôi. Cầu thủ Đông Triều xỏ kim, dù Xuân Trường bị gãy tay, không giúp được nhưng cũng nhất quyết ngồi đó cùng mọi người. Thanh Hậu người Quảng Ngãi, 16 tuổi thì nhận khâu cùng tôi luôn. Cháu ngồi cặm cụi khâu. Cháu khâu vạt trước dính cả vào vạt sau, phải cắt ra khâu lại, nhưng cuối cùng cũng xong, đó là tấm lòng của cháu”. |
Yên Khương (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa