loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo một cuộc khảo sát mới được công bố ngày 5/4, người Mỹ e ngại về tác động tiêu cực của các mạng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter do truyền tải những thông tin không xác thực và gây chia rẽ đất nước, song phần lớn họ vẫn sử dụng các trang mạng này.
Ngày 29/3, mạng xã hội Facebook thông báo siết chặt các qui định sử dụng tính năng phát trực tiếp (livestream) sau khi tính năng này bị thủ phạm vụ xả súng đẫm máu tại Christchurch, New Zealand sử dụng để phát tán những hình ảnh bạo lực lên mạng.
Kết quả cuộc khảo sát do hãng NBC News và tờ Wall Street Journal cùng thực hiện, cho thấy 57% số người được hỏi tin rằng các mạng xã hội gây chia rẽ đất nước nhiều hơn. Trong khi đó, 55% cho rằng các mạng này có thể lan truyền những thông tin giả nhiều hơn so với tin tức và thông tin từ các nguồn chính thống.
Cũng có 61% số ý kiến cho rằng các mạng xã hội lan truyền các vụ tin đồn thất thiệt về những nhân vật và công ty nổi tiếng, so với 32% cho rằng các mạng này giúp củng cố hình ảnh của những người này. 82% cho rằng mạng xã hội "tiêu tốn thời gian" của con người so với 15% cho rằng thời gian "đầu tư" vào các mạng này là hợp lý.
Mặc dù vậy, 69% số người được hỏi cho biết họ truy cập vào mạng xã hội ít nhất 1 lần/ngày, trong khi 59% tin rằng công nghệ nói chung mang lại tích cực nhiều hơn tiêu cực.
Khoảng 60% số ý kiến không tin vào mạng Facebook trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của họ. Tỷ lệ bất tín nhiệm này cao hơn so với 28% dành cho Amazon, 37% cho Google và 35% cho chính phủ liên bang. Trong cuộc khảo sát, cứ 3 người thì có 1 người cho rằng việc các hãng truyền thông xã hội thu thập dữ liệu cá nhân của người sử dụng và cung cấp cho các công ty quảng cáo để đổi lấy việc giúp người dùng được hưởng dịch vụ miễn phí hoặc giá rẻ là hành vi không thể chấp nhận được.
Đối với mạng Facebook, 36% người trưởng thành có cái nhìn tích cực trong khi 33% đánh giá tiêu cực. Trong khi đó, tỷ lệ tương ứng đối với mạng Twitter là 24% và 27%.
Minh Châu/TTXVN
loading...