loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, du khách tấp nập đổ về Khu Du lịch Tràng An cổ, nằm trong vùng lõi Quần thể Danh thắng Tràng An để thăm quan, du ngoạn.
Đây là khu vực có cảnh quan đẹp, sơn thủy hữu tình được thiên nhiên và con người gìn giữ bao năm qua. Tuy nhiên, việc tác động trực tiếp đến diện mạo, địa chất của Tràng An đang khiến dư luận bức xúc, bởi khu vực này đã được nằm trong phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, là một khu vực cấm.
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), huyện Hoa Lư là vùng cấm, được kiểm soát nghiêm ngặt và hạn chế xây dựng, phải giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây, Khu Du lịch này đã bị xâm hại nghiêm trọng, làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Cụ thể, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã khoan cắt núi Cái Hạ, được coi là ngọn núi thiêng trong khu vực này để mở đường, xây dựng những công trình kiên cố. Trong khi đó, mọi hoạt động xây dựng tại khu vực này đều chưa được cấp phép.
Ngọn núi (Cái Hạ) Huyền Vũ, xưa kia được các triều đại lập đàn kính thiên, là nơi thiêng liêng được thiên nhiên và con người trân trọng, gìn giữ. Nhưng tại đây, nhiều tháng qua đã bị tác động mạnh bởi bàn tay con người. Rất nhiều trụ cột bê tông được dựng lên với trên 2.000 bậc trải dài từ ngọn núi này qua ngọn núi khác, có chiều dài chừng 1 km.
Công trình đường lên đàn kính thiên trên đỉnh núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) được doanh nghiệp xây dựng với quy mô lớn, hàng trăm cột bê tông được khoan, dựng trên đá tai mèo, hơn 2.000 bậc thang, hệ thống lan can, được lắp đặt với chiều dài con đường lên xuống. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn xây dựng nhiều công trình phụ trợ, công trình vệ sinh công cộng rất phản cảm, xâm hại nghiêm trọng tới quần thể di tích.
Trong các lễ hội đầu Xuân, ước tính có tới hàng nghìn du khách/ngày đổ về khu vực này để thăm quan, chiêm ngưỡng, tỷ lệ với rác thải, chất thải và ô nhiễm tràn về.
Trước thực tế này, nhiều cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc nhằm chấn chỉnh hành vi xây dựng, khai thác vùng lõi của di sản khi chưa được cấp phép. Cụ thể, UBND huyện Hoa Lư đã nhiều lần thanh kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật trong việc xây dựng, khai thác khu du lịch. Tuy nhiên, mọi động thái của chính quyền huyện Hoa Lư đều như muối bỏ biển. Thực tế là công trình vẫn được dựng lên, du khách vẫn đổ về, doanh nghiệp vẫn thu lợi.
Có thể thấy, việc tác động, khai thác Khu Du lịch Tràng An cổ là trái với quy định, xâm phạm nghiêm trọng đến hiện trạng ban đầu của khu di sản. Sở Du lịch Ninh Bình đã nhiều lần nhắc nhở, phối hợp với chính quyền địa phương thanh kiểm tra công trình, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng bày tỏ quan điểm, tỉnh Ninh Bình rất nghiêm túc đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, đặc biệt là Quần thể Danh thắng Tràng An, nơi được coi là cốt lõi của kinh tế mũi nhọn du lịch Ninh Bình. Do vậy, mọi hành vi tác động trực tiếp, làm thay đổi diện mạo, hiện trạng khu vực này không theo quy định đều bị nghiêm cấm. Trước mắt, UBND tỉnh Ninh Bình sẽ tiến hành họp bàn về vấn đề này, yêu cầu đại diện doanh nghiệp giải trình và khắc phục những hành vi vi phạm trái với quy định.
Tối 23/1 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế chùa Bái Đính diễn ra Lễ đón bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
TTXVN/Đức Phương
loading...