A+ A A- Kiểu đọc sách

Nóng vấn đề quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber

14:53 24/11/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện vẫn tồn tại nhiều luồng ý kiến xung quanh vấn đề ủng hộ hay phản đối đối với hoạt động của taxi Grab, Uber. Để làm rõ hơn vấn đề này ngày 24/11, tại Hà Nội, Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber”.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết thời gian qua ở Việt Nam có ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải, cụ thể là taxi Uber hay Grab taxi. Điều này khẳng định, trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; trong đó có taxi, có sự đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công nghệ vận tải để có chất lượng dịch vụ tốt nhất phục vụ người dân về đi lại, chi phí…

Việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Uber taxi có các ưu điểm, như giảm thời gian, giảm chi phí khâu trung gian, giảm giá cước và việc đi lại thuận lợi hơn. Điều này được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải cũng có những bất cập nhất định. Theo quy định về kinh doanh vận tải, cụ thể với loại hình taxi thì đối tượng phải là tổ chức, đảm bảo kinh doanh lành mạnh, phục vụ hành khách tốt nhất, an toàn nhất. Ở đây Grab và Uber chưa đáp ứng điều kiện đó, mà một số xe cá nhân dùng phần mềm này để kinh doanh vận tải, gây ra sự lộn xộn trong kinh doanh và tạo nên một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Việc đón trả khách không đúng quy định cũng gây ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm ở một số thành phố lớn.


Thanh tra giao thông lập biên bản xử phạt các lái xe vận chuyển hành khách theo hình thức Hợp đồng có thu phí liên kết với phần mềm Uber qua thẻ Visa khu vực đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1 - TP HCM) do không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Với xu thế chung hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tái cơ cấu ngành giao thông vận tải; trong đó có thực hiện tái cơ cấu ở lĩnh vực vận tải. Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải trên nhiều lĩnh vực như vận tải công cộng, vận tải hợp đồng, vận tải du lịch... Với chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu này; trong đó có một giải pháp rất quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý kinh doanh vận tải.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: "Qua làm việc với Uber chúng tôi được biết đây là đơn vị kinh doanh công nghệ đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh cấp chứ không phải là đơn vị kinh doanh vận tải. Uber đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý: Quản lý chung và quản lý thiết bị. Nên khẳng định họ không kinh doanh vận tải".

Còn qua làm việc với Grab taxi cho thấy họ được UBND Tp. Hồ Chí Minh cấp là dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ vận tải hành khách công cộng trừ xe bus. Tuy nhiên, theo ông Bảo, Grab có chức năng kinh doanh vận tải khách đường bộ nhưng họ vẫn đang hoạt động như nhà cung cấp phần mềm kết nối là chính.

"Vì vậy khi dịch vụ của Uber và Grab kết nối với đơn vị vận tải thì thấy cả hai đang như những nhà cung cấp phần mềm chứ chưa phải là các đơn vị vận tải", ông Bảo chia sẻ.

Về Grab, ông Trần Bảo Ngọc cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm vận tải khách theo hợp đồng điện tử.

Trả lời câu hỏi của nhiều độc giả về việc Grab hay Uber có phải là taxi trá hình hay không, Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc khẳng định không phải là trá hình. Theo quy định hiện hành thì taxi phải có đèn lắp trên nóc, đồng hồ tính tiền, có biển hiệu bề ngoài, có màu sơn riêng, có biểu trưng (lô gô) riêng nhưng xe hợp đồng lại không vậy. Bề ngoài không giống nhau thì không thể trá hình được.

“Với Uber, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc, đơn vị này khẳng định chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối, không kinh doanh vận tải. Do đó, Công ty Uber không thuộc đối tượng quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, hoạt động của Uber có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm và tạo điều kiện để công ty có thể kinh doanh tốt, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm lưu lượng giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải”. – Ông Trần Bảo Ngọc cho biết.

Về vấn đề cho phép thực hiện thí điểm thực hiện taxi Grab và Uber, các hãng taxi khác đưa ra ứng dụng tương tự có được Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ không? Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định Bộ Giao thông Vận tải cũng xem xét và có thể đề xuất Chính phủ cho họ thực hiện thí điểm. Mỗi một phần mềm có đặc thù riêng nhưng có mục đích chung là phục vụ vận tải với chất lượng tốt nhất.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, theo luật, nếu như khuyến mãi mà không đăng ký là vi phạm, còn nếu hiểu theo cách đây là xe hợp đồng chứ không phải taxi như Luật Quản lý giá thì không phải tuân thủ theo Luật Quản lý giá và lệ phí của Nhà nước. Theo hợp đồng, có thể giá rất rẻ hay rất đắt. Grab đặt ra giá thấp điểm, cao điểm là hoàn toàn hợp lý.

Có thể nói việc tranh luận giữa Grab, Uber và các hãng truyền thống diễn ra khá lâu mà chưa có hồi kết. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, việc xuất hiện của Grab và Uber cũng đã được dư luận ghi nhận thuận lợi hơn, giá rẻ hơn, rút ngắn thời gian hơn. Nhưng nó cũng có cái bất cập là các đơn vị cung cấp dịch vụ này chưa có giấy phép kinh doanh, nếu đối chiếu cũng vi phạm quy định của pháp luật. Thứ hai là khi thực hiện phần mềm này mà liên kết với các đối tượng không hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải thì họ cũng vi phạm quy định của pháp luật.

“Bên cạnh đó, họ cũng không thực hiện theo quy định về trách nhiệm với Nhà nước trong vấn đề thuế, các hoạt động kinh doanh nên cũng gây mất trật tự. Đặc biệt là vấn đề về thuế. Anh có thu nhập thì anh phải kê khai tài khoản và phải nộp thuế theo quy định của Nhà nước. Đây là những bất cập mà chính từ thực tiễn này đã kiến nghị Chính phủ cho thí điểm để thực hiện quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.

Quang Toàn - TTXVN


loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...