A+ A A- Kiểu đọc sách

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập

07:29 19/08/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa đã diễn ra thắng lợi tại Hà Nội. Chào mừng sự kiện này, nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Trưng bày chuyên đề “Ngôi nhà 48 Hàng Ngang – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập”

Chiều 18/8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khai mạc trưng bày chuyên đề “Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập” tại chính ngôi nhà cách đây 70 năm Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đặc biệt chủ nhân cũ của ngôi nhà, cụ Hoàng Thị Minh Hồ và các con cháu trong gia đình cũng có mặt tham gia sự kiện quan trọng này.


Căn phòng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo bản Tuyên ngôn Độc lập

Trưng bày chuyên đề gồm 80 hình ảnh, hiện vật được trưng bày theo ba chủ đề chính: Ngôi nhà 48 Hàng Ngang và gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ; bối cảnh lịch sử và sự ra đời bản Tuyên ngôn độc lập; ý nghĩa của bản Tuyên ngôn độc lập chào mừng kỷ niệm 70 năm Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập.

Hoạt động này nhằm giới thiệu đến công chúng những thông tin về sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang đến đông đảo nhân dân. Thông qua các hình ảnh: “Chiếc giường, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nghỉ ngơi tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiếu tá Archimedes L.A Patti, chỉ huy đơn vị OSS (cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ), một trong những phái bộ đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại 48 Hàng Ngang và là người nước ngoài đầu tiên được đọc bản Tuyên ngôn độc lập khi chưa công bố”.

Tại đây cũng trưng bày “Danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Ban thường vụ Trung ương Đảng thông qua tại 48 Hàng Ngang”… nhằm giúp khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị lịch sử của ngôi nhà 48 Hàng Ngang.



Toàn cảnh khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội ngày nay

Các bức ảnh: “Chân dung vợ chồng chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang, ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ”; “doanh nhân Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng và nhà tư sản Nguyễn Hữu Tiệp cổ vũ nhân dân Thủ đô trong Tuần lễ vàng tháng 9/1945”; “phố Hàng Ngang, nơi gia đình ông bà Trịnh Văn Bô có hai cửa hiệu kinh doanh tơ lụa số 7 và số 48 đầu thế kỷ XX”… cho thấy tài năng, đức độ của chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang.

Ngay sau lễ khai mạc, nhiều người dân đã được giao lưu, chụp ảnh với cụ Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân yêu nước hết lòng ủng hộ cách mạng, chăm lo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở và làm việc tại gia đình.

Triển lãm mở cửa các ngày trong tuần phục vụ khách tham quan (trừ thứ Hai).

Triển lãm “Vang mãi niềm tự hào”

Cũng trong chiều 18/8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khai mạc triển lãm “Vang mãi niềm tự hào” tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Thông qua 100 bức ảnh, triển lãm giới thiệu khái quát những dấu son lịch sử từ ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sự chiến đấu anh dũng trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc và dấu ấn phát triển của Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước trong thời đại ngày nay.


Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự Lễ mít tinh biểu dương lực lượng tại Quảng trường Nhà hát Lớn, chào mừng Ủy ban Quân quản. Ảnh: TTXVN

Triển lãm là một “câu chuyện” về sự thay đổi lớn lao của Hà Nội cũng như cả nước trong suốt chiều dài 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bắt đầu từ “Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8 năm 1945”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945” đến “Sáng ngày 10/10/1954, nhân dân Thủ đô hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô”, “Mít tinh chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”...

Đặc biệt, các bức ảnh cũng thể hiện sự phát triển toàn diện về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội để lại nhiều ấn tượng cho người xem như: “Công nhân làm việc tại giàn khoan”, “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội”, “Khu vực phía Tây Thủ đô”, “Thủ khoa Hà Nội”…

Triển lãm kéo dài đến đầu tháng 9/2015.

Khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Công an Hà Nội

Chiều 18/8, Công an thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Công an Hà Nội.

Công trình Bảo tàng Công an Hà Nội được cải tạo, xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 1.600m2, bảo đảm các công năng, yêu cầu kỹ - mỹ thuật của một bảo tàng mang phong cách hiện đại. Tổng mức đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp công trình là hơn 18,4 tỷ đồng.

Bảo tàng Công an Hà Nội trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật có giá trị truyền thống, lịch sử. Công trình hoàn thành nhằm phục vụ nhu cầu giáo dục cán bộ, chiến sỹ về truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô, đồng thời, đóng góp một điểm tham quan cho Thủ đô Hà Nội, phục vụ rộng rãi công chúng trong, ngoài nước.

Đây cũng là điểm nhấn trong công tác tuyên truyền toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của Thủ đô.

Bảo tàng Công an Hà Nội là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam và Công an Thủ đô nói riêng. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng, Công an Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần bảo đảm tuyệt đối an toàn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho Thủ đô.

Các hoạt động chào mừng Quốc khánh 2/9 tại Hà Nội

Chiều 18/8, tại Hà Nội, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9.

Cụ thể, từ nay đến 2/9 sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Chương trình nghệ thuật Tự hào Việt Nam (20h ngày 18/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Triển lãm Vang mãi niềm tự hào (từ 18/8 -2/9) tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Gặp mặt đại biểu chiến sĩ trực tiếp tham gia Cách mạng tháng Tám giành chính quyền, đại biểu gia đình chính sách (9h ngày 19/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội); Trưng bày triển lãm chuyên đề 70 xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh (từ 19/8 - 15/9) tại Bảo tàng Hà Nội, Chương trình nghệ thuật Ngày hội đất nước (20h ngày 19/8) tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Trưng bày bổ sung di tích lưu niệm tại 35 Hàng Cân, 48 Hàng Ngang (từ 20/8), Giải đua xe đạp Hà Nội mở rộng lần thứ 2 (7h ngày 23/8) tại Hồ Hoàn Kiếm, Triển lãm Thành tựu Kinh tế - Xã hội năm 2015 (từ 28/8 - 3/9) tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Trưng bày các hiện vật cách mạng tại nhà và hầm D67 Hoàng Thành Thăng Long (từ 30/8).

Trong ngày 2/9, bên cạnh Lễ mít tinh, diễu hành ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình,  bắn pháo hoa tầm cao tại 5 địa điểm: Hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất, hồ Văn Quán, sân vận động Mỹ Đình và vườn hoa đường Nguyễn Hoàng Tôn.

Hà Nội còn tổ chức Ngày hội Âm nhạc Hà Nội mùa thu 2015 (từ 16-22h các ngày 22/8- 23/8) tại 10 địa điểm như: Vườn hoa Lý Thái Tổ, chợ Đồng Xuân, phố Tạ Hiện... 

Hoài Thương

Đinh Thị Thuận - Hạnh Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...