Nỗ lực bảo vệ loài voọc đen gáy trắng quý hiếm
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 7 năm được phát hiện ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), đàn voọc đen gáy trắng quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới đã không ngừng sinh sôi, phát triển từ 10 cá thể lên hơn 150 cá thể. Kết quả đó là sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và đặc biệt là đội bảo vệ voọc tự nguyện do người dân nơi đây tự thành lập.
Voọc đen gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis thuộc bộ Linh trưởng, là loại đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB được người dân xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phát hiện năm 2012, khi đó đàn voọc chỉ có 10 cá thể sinh sống trên lèn đá Thiết Sơn.
Biết đây là loài vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, một nhóm người dân đã tự nguyện hằng ngày thay nhau chăm sóc, bảo vệ. Họ làm công việc này chỉ đơn giản vì niềm đam mê, mong muốn bảo vệ những gì quý giá cho thế hệ mai sau. Thế nhưng, do không có tính pháp lý, không được pháp luật công nhận khiến việc bảo vệ gặp khó khăn.
- Theo chân những nhà báo 'săn voọc' trên bán đảo Sơn Trà
- Bộ ảnh độc của chàng trai 5 năm sống trong rừng với khỉ, voọc
Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng nhóm bảo vệ voọc tự nguyện, xã Thạch Hóa cho biết, hàng ngày, nhóm tự nguyện phân công mỗi thành viên phụ trách một khu vực bảo vệ. Bên cạnh việc tuần tra và theo dõi sự phát triển của đàn voọc, nhóm tích cực phối hợp với lực lượng chức năng như kiểm lâm, UBND các xã cắm biển thông báo, bảng cấm tại khu vực rừng có voọc sinh sống.
Ông Nguyễn Thanh Tú mong muốn, thời gian tới, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm nhiều hơn nữa, xây dựng tính pháp lý cho đội bảo vệ và sớm hoàn thành đề án bảo tồn loài voọc quý hiếm tại huyện Tuyên Hóa.
Chính quyền địa phương, các cấp, ngành, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ loài voọc quý hiếm này. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền đến người dân về các hành vi nghiêm cấm trong công tác bảo vệ rừng nói chung, đàn voọc nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh giải pháp bảo tồn lâu dài khu rừng đặc dụng này.
Trong đó, tỉnh sẽ thí điểm việc giao rừng cộng đồng gắn liền với giao đất và thành lập Ban Quản lý rừng công cộng để người dân có đủ cơ sở pháp lý bảo vệ rừng, bảo tồn loài voọc quý hiếm.
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay từ những ngày đầu khi mới phát hiện ra đàn voọc đen gáy trắng sinh sống trên lèn đá Thiết Sơn xã Thạch Hóa, đơn vị đã tích cực phối hợp với người dân địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, bảo vệ đàn voọc. Đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh đưa khu vực này thành khu vực rừng đặc dụng. Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã bố trí kinh phí từ ngân sách của tỉnh để bảo vệ đàn voọc theo hình thức khoán bảo vệ rừng cho các tổ cộng đồng tại địa phương...
Tuy nhiên, khu vực rừng đặc dụng bảo tồn loài voọc chỉ khoảng 509 ha, thuộc các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa và Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa), do vậy không đủ diện tích để thành lập Ban Quản lý rừng đặc dụng, trong khi Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa lại ở quá xa, không có biên chế bổ sung nên không thể thành lập thêm đơn vị mới. Vì vậy, đơn vị đã đề xuất phương án giao rừng cho cộng đồng gắn liền với giao đất để chăm sóc bảo vệ, ông Thái cho biết thêm.
Để sớm hiện thực hóa giải pháp bảo tồn loài vọoc quý hiếm mà Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Quảng Bình đưa ra, nhiều hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo đầu ngành đã được tổ chức.
Mới đây, UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, Trung tâm Kiến thức bản địa và Phát triển tổ chức hội thảo tham vấn phương án quản lý, bảo tồn loài voọc đen gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa. Các chuyên gia đồng tình với phương án giao rừng cho cộng đồng quản lý bảo vệ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Anh Tuân, giảng viên Trường Đại học Lâm Nghiệp, việc đàn voọc đen gáy trắng gia tăng về số lượng chứng tỏ hiệu quả từ hoạt động của nhóm bảo vệ tự nguyện, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tạo cơ sở pháp lý cho nhóm bảo vệ tự nguyện.
Chúng ta cần vận dụng quy định pháp luật hiện có để giao quyền cho cộng đồng này chính thức có quyền quản lý của họ. Ngoài ra, xác định ranh giới rõ ràng, xây dựng quy chế, lập kế hoạch và phối hợp chặt chẽ giữa nhóm bảo vệ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Hi vọng trong tương lai không xa, khu bảo tồn quần thể voọc đen gáy trắng tại đây sẽ sớm thành lập đáp ứng niềm mong mỏi của người dân. Nó không chỉ giúp người dân nơi đây ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, các loài động vật quý hiếm mà còn mang lại giá trị lớn về khoa học và môi trường sinh thái trong khu vực./.
Nguyễn Văn Tý (TTXVN)