Những nữ phi công 'Chim ưng của Stalin'
(Thethaovanhoa.vn) - Phụ nữ trên ghế phi công chiến đấu? Ngay con người cứng rắn như Stalin cũng do dự khá lâu, trước khi đặt bút ký sắc lệnh. Từ 1942 trở đi, các “phù thủy bóng đêm” trở thành ác mộng cho quân Đức.
- CHÙM ẢNH: Triều Tiên 'khoe' nữ phi công xinh đẹp và dàn chiến đấu cơ 'khủng'
- Sau 77 năm, hậu sinh của nữ phi công Amelia Earhart hoàn thành chuyến bay huyền thoại
Hitler đã nắm quyền được mấy năm nhưng đã để lộ ý đồ bá chủ thế giới. Cho nên giữa lúc cao trào xây dựng kinh tế cho chế độ mới, quân đội Xô viết vẫn phải dè chừng hiểm họa từ phía Tây.
Mùa Hè 1936
Antonina Bondareva, ngày ấy mới học lớp 7 nhưng đã mê máy bay, kể từ khi chứng kiến một chiến đấu cơ hạ cánh ở bãi cỏ gần làng. Chỉ 5 năm sau Đức tấn công Liên Xô. Số phận rồi cũng đã đưa Antonina vào vòng tay một phi công chiến đấu, nhưng anh hy sinh ngay trước vùng trời Moskva trong những ngày chiến tranh đầu tiên.
Đó là khoảnh khắc mà Antonina thề sẽ trả thù cho chồng và cha của đứa con gái mới lên 3 tuổi. Cô quyết định xin ra trận, và nếu được, ở vị trí phi công như chồng mình.
Antonina không phải là trường hợp hiếm hoi trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại phát xít Đức. Cùng với cô còn nhiều cô gái vừa đạt tuổi trưởng thành nhưng đã dấn mình vào Thế chiến II ác liệt. Thống kê cho thấy trong Hồng quân Liên Xô có gần một triệu phụ nữ tham chiến, không chỉ là y tá hay cấp dưỡng.
Họ có mặt cả ở vị trí lái xe tăng, máy bay chiến đấu, lính nhảy dù, bắn tỉa… và Liên Xô là quốc gia đầu tiên có phụ nữ lái máy bay ném bom và chiến đấu. Tổng cộng có ba phi đoàn phụ nữ, nổi tiếng nhất là phi đoàn “Chim ưng của Stalin” mang số hiệu 588. Họ thường chỉ lên đường khi bóng đêm ập xuống. Các đợt tấn công ẩn hiện khôn lường của họ được coi là rất chính xác và quyết liệt.
Thuyết phục Stalin
Stalin vốn được tiếng kiên định, ít chịu nghe ai, và lệnh tuyển phi công nữ thoạt tiên cũng vấp phải sự phủ quyết gay gắt của ông.
Marina Raskova đoán trước được điều đó. Nữ phi công 29 tuổi đầy đam mê đó bị từ chối vào không quân khi chiến tranh nổ ra. Người ta cấm cô nói về vụ bác đơn, nhưng Marina cũng là người cứng đầu, và cô quá nổi tiếng để có thể bắt cô im lặng.
Tháng 9/1938, Marina Raskova cùng hai phụ nữ nữa lập kỷ lục thế giới với quãng đường ngót 6.000 cây số trên mây. Khi bình xăng cạn, nữ cơ trưởng hạ lệnh cho Marina nhảy dù xuống Siberia. Sau đó cô mất 10 ngày lội tuyết băng qua rừng taiga cho đến khi gặp được làng xóm đầu tiên. Đội bay của cô là những phụ nữ đầu tiên ở Liên Xô được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Khi nguy cơ từ phía Hitler ngày càng hiển hiện, Hồng quân Liên Xô phải huy động cả lực lượng dự bị. Với quyết định số 0099, Bộ Quốc phòng ủy nhiệm cho Marina Raskova thành lập ba phi đoàn toàn phụ nữ, mang số 586 (chiến đấu cơ), 587 (chuyên ném bom) và 588 (chuyên bay đêm).
Cái tên “Phù thủy bóng đêm” được quân Đức sử dụng từ khi biết phi đoàn 588 reo rắc nhiều kinh hoàng nhất, khi các máy bay xuất hiện như có phép lạ. Ở Liên Xô họ tên là “Chim ưng của Stalin”, và trong quân Đức lan truyền những giai thoại như: Họ được tiêm một loại hóa chất để có thể nhìn rõ trong đêm đen như ban ngày! Thực tế là họ hầu như trong vòng 6 tháng đã từ phụ nữ bình thường, lấy kéo cắt tóc ngắn trở thành phi công, và những ngày đầu tiên còn phải mặc tạm quân phục nam!
“Máy khâu”
Một bài hát của lính Hồng quân ngày ấy có ca từ “Stalin có lính thép, xe tăng thép, máy bay thép” nhưng thực tế những máy bay chiến đấu đầu tiên của Liên Xô là máy bay Polilarkov (Po-2) hai tầng cánh, khung gỗ dán bọc bạt.
Po-2 là loại máy bay được thiết kế cho mục đích đào tạo, sau này cũng được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Đó là loại phi cơ rất nhẹ, tốc độ tối đa chừng 150 km/h, vốn không thích hợp cho chiến tranh vì không thế đỡ nổi mảnh đạn cao xạ và ở độ cao lớn dễ bị gió bão thổi bay. Nhưng chính tốc độ thấp cũng có mặt tích cực: Trong khi chiến đấu cơ Đức phải chấp nhận bay những vòng cung lớn để đổi hướng thì những chiếc Po-2 luôn ứng xử một cách linh hoạt.
Vì tiếng động cơ khá đặc trưng, những chiếc Po-2 hồi đó thường bị giễu cợt là “máy khâu”, và rõ ràng cái tên đó cũng hàm ý khinh thường. Nhưng chuyến xuất kích đầu tiên, đêm 8/6/1942, của các “phù thủy bóng đêm” đã thành công vang dội nhờ xóa sổ một bộ chỉ huy sư đoàn của Đức.
Họ không chỉ tàng hình nhờ bóng đêm, mà cũng hầu như không phát ra tiếng động: Po-2 bay là là sát đất, tắt động cơ khi đến gần mục tiêu và chỉ tái khởi động khi đã cắt bom! Khi đối phương nghe tiếng “máy khâu” thì cũng đã quá muộn để tránh loạt bom sắp rơi xuống đầu.
23 người nhận danh hiệu “Anh hùng Liên Xô”
Quân Đức sợ đội “Phù thủy bóng đêm” cũng vì tác động tâm lý của nó, vì chúng biết những nữ phi công ấy sẵn sàng chấp nhận đã đi là không trở về. Phi công Po-2 khi lên máy bay là không có dù, không có điện đài, họ ngồi trong buồng lái không mui và chịu mọi mưa gió. Đã thế, có những nữ phi công cất cánh tới 18 lần mỗi đêm, cả khi các đồng đội mày râu của họ ở lại mặt đất vì trời quá tối, mưa quá to, mây mù quá nhiều...
Như Marina Bondareva, nhiều nữ phi công có động cơ mạnh nhất là báo thù cho chồng đã hy sinh ngoài trận, hoặc chứng tỏ thành tích của mình cho chồng đang sống.
Những loạt bom cuối cùng được nhóm “Phù thủy bóng đêm” ném xuống đất Đức hồi mùa Xuân 1945, khi thất bại của phát xít Đức đã ở trong tầm ngắm. Sau 3 năm rưỡi đầy vinh quang và hơn 50 nữ phi công hy sinh, 23 người nhận danh hiệu “Anh hùng Liên Xô”, với 23.672 lượt xuất kích và hơn 100.000 trái bom, phi đoàn “Phù thủy bóng đêm” được giải thể vào tháng 11/1945, nửa năm sau khi nước Đức đầu hàng.
Tuy nhiên, đôi khi đường đời của những người hùng ấy không phẳng lặng sau chiến tranh. Antonina Bondareva sau khi giải ngũ đã xa lạ con gái đến mức không có nổi một mái ấm chung. Cùng với hòa bình, hình ảnh phụ nữ còn nặng tính truyền thống cũng quay trở lại, không có chỗ cho các nữ anh hùng trên mây ngày nào.
Ngày 2/5 hằng năm, các “Phù thủy bóng đêm” còn sống thường gặp nhau trước Nhà hát Bolshoi ở Moskva để ôn kỷ niệm cũ. Nhưng không ầm ĩ trên báo chí. Ngày 2/5/1945 cũng là ngày có tấm hình nổi tiếng về một người lính Hồng quân trèo lên nóc nhà Quốc hội Đức ở Berlin để cắm lá cờ búa liềm, đánh dấu chiến thắng vĩ đại của quân Đồng minh và sự diệt vong của chủ nghĩa phát xít.
Và người lính đó là đàn ông.
Lê Quang