(Thethaovanhoa.vn) - Mức thưởng Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016 cao nhất thuộc về một doanh nghiệp vốn FDI tại Hải Dương với mức 624 triệu đồng. Còn đối với Tết Dương lịch, người có mức thưởng cao nhất là hơn 2 tỷ đồng/người.
Thông tin về tình tình thưởng Tết năm 2016, tại cuộc họp báo chiều 19/1, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tống Thị Minh cho biết: theo số liệu khảo sát của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 13.178 doanh nghiệp với 2,4 triệu người lao động), về tiền thưởng Tết dương lịch, có 72% số doanh nghiệp báo cáo có tiền thưởng với mức bình quân khoảng 1,18 triệu đồng/người, tăng 1,6% so với năm 2015 (1,16 triệu đồng/người). Người có mức thưởng cao nhất là hơn 2 tỷ đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Thành phố Hồ Chí Minh). Người có mức thưởng thấp nhất là 24.000 đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Thái Bình).
Tại Hà Nội, người có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI) và người có mức thưởng thấp nhất là 150.000 đồng/người (ở công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước và doanh nghiệp FDI).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người có mức thưởng cao nhất là hơn 2 tỷ đồng/người (ở doanh nghiệp FDI) và người có mức thưởng thấp nhất là 134.000 đồng/người (ở doanh nghiệp FDI).
Người dân rất quan tâm đến thông tin thưởng TếtĐối với tiền thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, có 87% số doanh nghiệp báo cáo dự kiến có tiền thưởng Tết Nguyên đán 2016 với mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 5,53 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với thưởng Tết nguyên đán 2015).
Người có mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Hải Dương). Người có mức thưởng thấp nhất là 40.000 đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Bình Phước).
Tại Hà Nội, người có mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI) và người có mức thưởng thấp nhất là 450.000 đồng/người (doanh nghiệp FDI).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người có mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp dân doanh) và người có mức thưởng thấp nhất là 3,09 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI).
Bên cạnh đó, trong tổng số trên 13.000 doanh nghiệp báo cáo đến ngày 31/12/2015, vẫn còn 14 doanh nghiệp (ở 8 tỉnh, thành phố) nợ khoảng 16,5 tỷ đồng tiền lương của 2.300 lao động; hơn 1.700 doanh nghiệp (khoảng 13% số doanh nghiệp báo cáo) chưa có kế hoạch thưởng Tết hoặc không có tiền thưởng tết cho người lao động.
Thực hiện công điện của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các địa phương đang tiếp tục rà soát, nắm tình hình kết hợp với tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tiết kiệm chi phí khác để có khoản kinh phí trả nợ lương và chia sẻ với người lao động chi tiêu trong dịp Tết.
TTXVN