loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận hiện đang nóng cuộc tranh luận với hàng loạt ý kiến tiêu cực về Công nghệ giáo dục và cụ thể là tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã tồn tại 40 năm qua được dạy trên 48 trường học trong cả nước.
Lịch sử thăng trầm của Tài liệu TV1-CNGD
Thực tế, Tài liệu TV1-CNGD được sử dụng trong nhà trường gần 40 năm qua và đã trải qua nhiều bước thăng trầm, khi được mở rộng, khi bị thu hẹp.
Một số cột mốc đáng được nhắc đến như: Năm 1986, dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, tài liệu này được khuyến khích các địa phương sử dụng, coi như một giải pháp để dạy học Tiếng Việt.
Đầu những năm 2000, khi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được áp dụng, thì với chính sách 1 chương trình và 1 bộ SGK duy nhất, tài liệu này không được mở rộng nữa mà chỉ được thí điểm trong phạm vi rất hẹp.
Năm 2006, tài liệu này lại được triển khai trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ là nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và 2 năm sau đó được thí điểm trong khoảng 20 tỉnh.
Thực tế, năm 2013, dưới thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT đã bỏ thuật ngữ "thí điểm", đưa tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục như là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn theo hình thức tự nguyện, tự áp dụng nếu thấy thích hợp. Từ 2013, tài liệu được triển khai nhân rộng trên khoảng 48 tỉnh trên cả nước.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã cho thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu TV1-CNGD để đưa vào nhà trường sử dụng như là một phương án dạy học Tiếng Việt bổ sung cho SGK Tiếng Việt lớp 1 của Bộ GD&ĐT.
Theo quan điểm của PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD), Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông mới TV1-CNGD chỉ là một tài liệu dạy học, chỉ là một giải pháp sư phạm để đạt đến mục tiêu được đề ra trong chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.
Không nên bắt học sinh học một tài liệu duy nhất
Trả lời phỏng vấn trên Giáo dục Thời đại, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng chia sẻ, chúng ta không nên quan niệm học sinh trên cả nước phải học một tài liệu duy nhất, theo một cách đánh vần duy nhất. Đó là quan điểm cũ, không phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại. Các nước cũng đều tiếp cận theo cách như vậy. Câu trả lời chính xác nhất là từ thực tiễn, dư luận hãy lắng nghe tiếng nói từ thực tế, tiếng nói của giáo viên, học sinh.
Theo quan điểm của ông và cũng là quan điểm tiếp cận trong xây dựng chương trình và triển khai thực hiện chương trình thì một quốc gia nên có 1 chương trình thống nhất. Nhưng để thực hiện mục tiêu do chương trình đặt ra, nên có nhiều phương án khác nhau, thể hiện qua những cuốn SGK khác nhau, các tài liệu dạy học khác nhau.
Nhiều phụ huynh lo ngại, thậm chí một số người phản ứng vì họ quen với cách dạy học trên một cuốn sách giáo khoa đồng nhất. Nhưng quan điểm đó không phù hợp với quan điểm giáo dục của thế giới, cũng không phù hợp với hướng đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sắp tới.
Ông cho biết, Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD như là một tài liệu dạy học, cho phép được tiếp tục thí điểm trong phạm vi hạn chế chứ chưa công nhận nó như một cuốn SGK chính thức, đây chỉ là tài liệu dạy học”.
Vuông – tròn – tam giác không phải là cách phát âm
Trước băn khoăn lớn nhất của dư luận xung quanh việc học sinh đánh vần bằng hình vuông, tròn, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tác giả của bộ tài liệu Công nghệ giáo dục đã khẳng định, Vuông – tròn – tam giác không phải là cách phát âm, đó là việc sử dụng những hình học nhiều màu sắc để vật thể hóa âm tiết của từ, giúp trẻ hiểu về âm tiết cũng như giúp trẻ phát triển thêm khả năng học Toán cùng sự nhạy bén đối với màu sắc.
Điều quan trọng cần nắm là những hình vẽ này chỉ đóng vai trò thay thế cho âm tiết, hoàn toàn không mang ý nghĩa của từ và cũng không thể thay thế từ trong giao tiếp. (Xem chi tiết clip dưới)
Điểm khác biệt giữa sách Tiếng Việt đại trà và TV1-CNGD
Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, so với cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 đại trà thì cách tiếp cận của TV1-CNGD có nhiều điểm khác biệt. Điểm khác biệt quan trọng nhất là cách dạy đọc, trong đó có cách dạy đánh vần.
Tài liệu TV1-CNGD dạy đánh vần dựa trên cơ sở phân tích cấu trúc âm tiết tiếng Việt và sử dụng các khái niệm, các thuật ngữ ngữ âm học, như nguyên âm, âm đệm, âm cuối. Nó cũng phân biệt rạch ròi giữa âm và con chữ.
Sự phân biệt đó xét về phương diện khoa học là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng có cần phân biệt như vậy khi dạy đánh vần cho học sinh lớp 1 hay không, đó là vấn đề cũng gây tranh cãi. Dù vậy, trên thực tế nó cũng có hiệu quả nhất định không nên phủ nhận.
Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 đại trà ưu thế hơn về phát triển các kĩ năng một cách toàn diện: Đọc thành tiếng, viết chính tả, đọc hiểu, nói nghe... Nhưng riêng kĩ năng đọc thành tiếng, viết chính tả thì cuốn TV1-CNGD có ưu thế rất nổi bật.
Mỗi cuốn sách có ưu thế của nó, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nhận định TV1-CNGD không phải là giải pháp tối ưu, tuy nhiên, ông cho rằng đó là giải pháp đáng ghi nhận, tạo ra sự phong phú trong cách tiếp cận, nên khuyến khích nhưng cách triển khai như vậy.
Theo ông, chúng ta không nên quan niệm học sinh trên cả nước phải học 1 tài liệu duy nhất theo một cách đánh vần duy nhất. Quan điểm đó PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho là cũ, không phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại. Các nước cũng đều tiếp cận theo cách như vậy. Câu trả lời chính xác nhất là từ thực tiễn. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói từ thực tế, tiếng nói của giáo viên, học sinh.
Sắp tới, chúng ta ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, với chính sách 1 chương trình, nhiều bộ SGK thì nhà trường, giáo viên và kể cả cha mẹ học sinh cũng có tiếng nói nhất định trong việc lựa chọn SGK phù hợp nhất.
Kết luận của Hội đồng quốc gia thẩm định
Kết luận của Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cũng đã chỉ ra ưu điểm, hạn chế của mục tiêu chương trình; Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; Nội dung dạy học; Ngữ liệu; Cấu trúc sách và cấu trúc bài học và Hình thức trình bày.
1. Điều kiện tiên quyết
-Nội dung của Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; không có những định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị.
-Việc đưa Tài liệu Tiếng Việt 1 vào nhà trường sử dụng như sách giáo khoa có phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hay không thì không nằm trong phạm vi đánh giá của Hội đồng thẩm định tài liệu này.
2. Thể hiện mục tiêu của chương trình
a. Ưu điểm
Tài liệu Tiếng Việt 1 đáp ứng một số mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt, nhất là mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy cho học sinh; cung cấp một số kiến thức về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội và con người, về văn hóa và văn học.
b. Hạn chế
- Mục tiêu giúp học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe chưa được thể hiện trong tài liệu. Các hướng dẫn, hoạt động giúp học sinh đọc hiểu bài đọc như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu chưa được chú trọng. Vì vậy học sinh có thể đọc thành tiếng văn bản nhưng không hiểu nghĩa.
-Tài liệu cũng chưa đáp ứng tốt mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế này thể hiện rõ nhất qua phần ngữ liệu.
3. Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập
a. Ưu điểm
-Vận dụng định hướng học qua thực hành, giúp học sinh hiểu khái niệm và có kỹ năng ngôn ngữ. Thông qua “chuỗi việc làm” trên lớp theo yêu cầu “thầy thiết kế, trò thi công” để học sinh tự hình thành kiến thức và rèn luyện kỹ năng đọc và viết.
- Tài liệu Tiếng Việt 1 giúp học sinh nắm vững các quy định về chính tả để viết đúng và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng. Phương pháp “lập mẫu” và “dùng mẫu” để học sinh tự lập ra các vần mới, tiếng mới có những hiệu quả nhất định.
- Tài liệu đã đưa những câu trọn vẹn ngay trong phần đầu của tập 1, giúp học sinh sớm có cơ hội luyện đọc câu (tuy nhiên đôi khi không được tự nhiên).
- Một số hoạt động, chẳng hạn thao tác phân tích tiếng bằng tay, có phần khơi gợi được hứng thú của học sinh.
- Tuần 0 thực sự có ý nghĩa trong việc giúp học sinh làm quen với những quy ước và thao tác căn bản ban đầu, giúp quá trình của học sinh diễn ra một cách thuận lợi và hiệu quả.
b. Hạn chế
- Việc thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả giáo viên và học sinh có thể hạn chế sự sáng tạo của giáo viên và hứng thú của học sinh. Hoạt động dạy học lặp đi lặp lại, nếu tiếp tục trong khoảng thời gian dài sẽ làm cho hoạt động dạy học trở nên đơn điệu.
- Việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ.
Hiện nay ngay cả khi dạy học ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ, phương pháp phân tích cấu trúc ngữ âm như cách của Tài liệu Tiếng Việt 1 cũng ít khi được sử dụng.
- Quan điểm “chân không về nghĩa” không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp.
- Việc sử dụng phương tiện dạy học chưa được quan tâm đúng mức.
- Việc kiểm tra, đánh giá tập trung chủ yếu vào kỹ năng đọc thành tiếng và viết chính tả của học sinh….
Không áp dụng đại trà
Trước những ý kiến trong dư luận xã hội về chương trình Công nghệ giáo dục, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản hướng dẫn đến các địa phương.
Theo đó, các Sở GD&ĐT địa phương triển khai tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục trên nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với điều kiện trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019.
Đặc biệt, sẽ chỉ triển khai trên các địa phương đã sử dụng chương trình Công nghệ giáo dục, không mở rộng để tạo sự ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục và đánh giá: về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.
Đây là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT
Ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã nêu quan điểm của Bộ về việc triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.
Theo Thứ trưởng, Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại, được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội. Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.
Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu này và đề xuất các giải pháp chỉ đạo.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1- công nghệ giáo dục ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả. Trong báo cáo, Viện đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội đồng thẩm định Tài liệu theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tài liệu đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo Kết luận của Hội đồng thẩm định.
Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tài liệu là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.
Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: "Cá nhân tôi cho rằng, giải pháp của công nghệ giáo dục không hẳn là giải pháp tối ưu, nó có mặt ưu điểm như giúp học sinh phát triển hiệu quả ở mức độ nhất định kĩ năng đọc thành tiếng, viết chính tả; nhưng cũng có hạn chế, như kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng nói nghe chưa thực sự được chú ý nhiều. Trên thực tế dạy học thì giáo viên và học sinh cũng phải bỏ nhiều công sức hơn so với giáo viên, học sinh khi dạy sách đại trà.
Vấn đề ở đây, tôi cho là cách tiếp cận không sai, còn hiệu quả đến đâu thì tùy thuộc vào quan niệm của chúng ta về dạy Tiếng Việt ở lớp 1".
|
T.N (Theo TTXVN, Vnews, Cổng thông tin Bộ GDĐT, Báo GDTĐ, Báo GDVN)
Bắt đầu từ một clip “đánh vần lạ” trong một lớp học, dư luận đang nổi sóng xung quanh việc dạy và học tiếng Việt ở bậc tiểu học.
loading...