loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Không ít bài báo đề cập về việc bắt giữ, tiêu thụ, trao đổi, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD), động vật quý hiếm… không hề có tính cảnh báo mà ngược lại, như cổ súy cho việc sử dụng.
Đó là chia sẻ từ tổ chức WCS (Wildlife Conservation Society) trong buổi tọa đàm với các cơ quan truyền thông về quản lý mẫu vật loài hoang dã thuộc các phụ lục CITES tại Hà Nội ngày 10/9.
Nhiều loài động vật quý hiếm ở Việt Nam chưa được bảo vệ tốt dẫn đến bị săn bắt, giết thịt. Ảnh Người lao động
Điển hình là các bài báo về thú sưu tầm, nuôi giữ ĐVHD được đưa lên báo như một thú chơi thời thượng. Rất nhiều bài viết về ẩm thực hướng dẫn người đọc cách chế biến, mua bán động vật hoang dã, động vật quý hiếm được đăng nổi bật trên trang nhất. Nổi bật nhất là các thông tin liên quan đến động vật quý hiếm bị bắt giữ, nhưng sau đó được định giá, mua bán hoặc xẻ thịt. Người sở hữu không phối hợp với cơ quan chức năng để cứu hộ loài vật này…
Nói về vấn đề này, bà Dương Việt Hồng, Phụ trách truyền thông của WCS cho rằng, cuộc chiến chống lại việc buôn bán ĐVHD của cơ quan chức năng, các tổ chức NGO vốn đang là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật, bảo vệ ĐVHD sẽ càng trở nên khó khăn bội phần nếu báo chí không cẩn thận hơn trong việc đưa tin, mô tả về thực trạng tiêu thụ ĐVHD.
Pháp luật chưa nghiêm, người dân chưa có ý thức, báo chí đưa thông tin không rõ ràng khiến việc bảo vệ ĐVHD gặp nhiều khó khăn. Ảnh VnExpress
Đồng quan điểm này, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho rằng, các cơ quan thực thi pháp luật, báo giới… không nên định giá các sản phẩn có nguồn gốc từ ĐVHD. Đó vô tình là cách thừa nhận sản phẩn được phép tiêu thụ, nói quá về giá trị của sản phẩm và cũng là khuyến khích sự tìm kiếm của người có nhu cầu trên thị trường.
Tuy nhiên, cái khó của việc không định giá lại đem lại sự khó khăn trong việc xử lý người vi phạm. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, bà Khương Thị Minh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ 1 cho biết: “Do chưa có bất kỳ quy định gì về giá, về số lượng cụ thể áp dụng cho từng loại đối tượng vi phạm nên cơ quan thực thi luật pháp chưa thể xử lý hết các vụ việc đã bị bắt giữ. Như năm 2004, có 20 vụ bị bắt thì mới chỉ có 3 vụ có đầy đủ cơ sở để xử lý. Các đối tượng hoặc không có mặt, hoặc không có đủ yếu tố xử lý, chồng chéo trong xử lý... Trong khi đó, lại có quy định về việc trả lại hàng hóa cấm về nơi xuất nên có những trường hợp chỉ bắt giữ, kê khai sau đó… khép lại vụ việc”.
Đáng chú ý nhất trong buổi tọa đàm là sự tham dự và thảo luận của nhà báo đến từ Nam Phi Julian Rademeyer, đất nước đang có 2 con tê giác chết mỗi ngày vì nạn săn bắt bất hợp pháp. Câu chuyện mà Julian mang đến ở đây không chỉ là những cái chết thương tâm, vô nhân đạo của loài tê giác. Đó cũng không chỉ là câu chuyện điểm đến của rất nhiều sừng tê giác là Việt Nam. Đó là hình ảnh của những người bị lạm dụng, ép buộc tham gia vào đường dây săn bắt, buôn bán sừng tê giác. Họ đến từ những nơi nghèo đói nhất thế giới, vô tình tham gia vào những đường dây săn bắn tê giác để kiếm sống qua ngày. Nhưng kết cục của họ thường không có gì thay đổi so với ban đầu. Thậm chí, rất nhiều người đã phải đổi lấy mạng sống của mình.
Lượng sừng tê giác sau khi bị săn trộm thường đổ về khu vực Châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến lớn (Ảnh WCS cung cấp)
Julian chốt lại bài phát biểu của mình: “Dù Nam Phi có bắt được bao nhiêu vụ mà các nước tiêu thụ (trong đó có Việt Nam) không xử lý cứng rắn thì cũng không giải quyết được việc gì cả”.
Câu chuyện xử lý triệt để thói quen tiêu thụ ĐVHD, coi sừng tê giác là một loại thần dược ở Việt Nam có lẽ sẽ còn gặp nhiều khó khăn không chỉ bởi nhận thức của người dân. Vấn đề sẽ còn phải dựa vào luật pháp và những bài viết có tính định hướng dư luận rõ ràng của báo giới.
C.M.T
loading...