(Thethaovanhoa.vn) - “Số lượng “ông đồ” trẻ thế hệ 8X, 9X còn khiêm tốn so với thế hệ cha anh, nhưng đã có những nhân tố tiêu biểu, trong tương lai, có thể đóng góp tích cực cho một nền thư pháp Việt Nam: có bản sắc, hướng tới cộng đồng và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc”.
Đó là chia sẻ của ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) với
Thể thao & Văn hóa sau kỳ khảo hạch các ông đồ vừa được tổ chức tại Hà Nội.
* Được biết, năm nay, để tránh tình trạng lộn xộn ở phố ông đồ, tất cả các ông đồ đều đã phải qua kỳ thi khảo hạch nghiêm ngặt của BGK và phải đeo thẻ của BTC mới được tham gia viết chữ tại khu vực hồ Văn?
- Hội chữ Xuân Bính Thân năm nay sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 15/2 trong khuôn viên hồ Văn của Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các “ông đồ” được vào hồ Văn viết chữ hoặc là phải qua kỳ khảo hạch nghiêm ngặt của BGK hoặc là có tác phẩm được chọn để trưng bày trong Triển lãm Thư pháp, tất cả đều phải đeo thẻ của BTC mới được dựng lều viết chữ, cho chữ. Việc làm này để lựa chọn những “ông đồ” thực sự tiêu biểu, xứng đáng, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa của dân tộc tại Hội chữ Xuân 2016.
Nhiều người cho rằng, xin chữ đầu năm ở Văn Miếu sẽ gặp thuận lợi trong việc học hành và có nhiều bước tiến trên con đường danh vọng trong năm tới. Ảnh: Phạm Mỹ
* Kỳ thi sát hạch vừa tổ chức chọn được bao nhiêu “ông đồ” tiêu biểu, thưa ông?
- Năm nay có 44 thí sinh tham dự thi sát hạch, trong đó có 37 người thi thư pháp chữ Hán Nôm và 7 người thi thư pháp chữ Quốc ngữ. Kết quả, BTC đã lựa chọn được 12 người viết thư pháp Hán Nôm, 3 người viết thư pháp Quốc ngữ. Trong đó, có 8 người được cấp “visa” 3 năm và 7 người được cấp “visa” trong năm 2016. Mỗi năm BTC chỉ tổ chức một đợt thi sát hạch mà thôi.
* Vậy năm nay chính thức có bao nhiêu “ông đồ” được cấp thẻ tham gia bày nghiên bút, giấy mực để cho chữ tại Hội chữ Xuân 2016?
- Ngoài 15 người đỗ trong kỳ khảo hạch vừa qua, BTC đang liên hệ với những người đỗ năm ngoái để xác định số lượng “ông đồ” tham gia năm nay và sẽ công bố con số chính thức trong cuộc họp báo vào ngày 25/1 tại Văn Miếu.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp lều viết chữ của các “ông đồ” sẽ theo trật tự nhất định, đảm bảo tính hợp lý, đồng thuận giữa BTC và đại diện các CLB Thư pháp. BTC sẽ đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi về không gian, ánh sáng, vệ sinh… không để tình trạng bán hàng lộn xộn bên trong hồ Văn.
* Năm nay phố ông đồ liệu có quy tụ những ông đồ trẻ gắn bó với nghiệp bút nghiên?
- Có một số ông đồ 8X, 9X tiêu biểu như: Nguyễn Tô Tâm An (SN 1997, sinh viên năm thứ nhất Học viện Quan hệ quốc tế, CLB Tảo Sách) thi đỗ cao nhất trong kỳ thi khảo hạch người viết tại Văn Miếu năm 2015. Tác phẩm năm 2016 của Tâm An được BTC khảo tuyển đánh giá là tác phẩm đẹp thứ nhì trong số gần 100 tác phẩm triển lãm.
Dù đã trải qua những vòng thi ngặt nghèo, ông đồ vẫn dùng từ điển khi cho chữ; ông đồ dùng máy sấy để "sấy" chữ cho ráo mực; ông đồ viết câu đối lên xe để chống trộm...
Hay Nguyễn Thành Duy (SN 1981, thạc sĩ, CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam), người biểu diễn viết bức thư pháp khổ lớn (2,5 m x 2,5m) trên pano chính tại Lễ khai mạc Hội chữ xuân Ất Mùi 2015; Nguyễn Trung Hoàng Long (SN 1982), Trần Quang Đức (SN 1985), Nguyễn Hữu Sử (SN 1986)…
Thư pháp là một môn nghệ thuật luôn có sức hút với mọi lứa tuổi. Hiện này còn rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên đang theo học thư pháp với niềm đam mê thư pháp Việt và nét đẹp dân dã của giá trị truyền thống Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
An Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa