A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhà đầu tư châu Á đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam

10:41 12/10/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9, cả nước có 1.820 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 11,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Lĩnh vực bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút đầu tư nước ngoài với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, tư vấn và định giá, quản lý tài sản Hà Nội, Công ty TNHH CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, Singapore.

Thời gian gần đây, nhà đầu tư của cả ba quốc gia này đổ khá nhiều nguồn vốn vào Việt Nam . Bối cảnh chung của nền kinh tế các nước này đang có xu hướng trùng xuống như Nhật Bản hoặc thị trường bất động sản tại Singapore thì chững lại và Hàn Quốc cũng khó khăn. Do đó, việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài là xu hướng tất yếu và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Khi tìm hiểu cơ hội đầu tư ra bên ngoài, các doanh nghiệp sẽ đánh giá các quốc gia trên những tiêu chí khác như: mức độ phát triển thị trường, cơ hội thuận lợi khi thâm nhập, khả năng an toàn vốn… Việt Nam đã và đang được các quốc gia này quan tâm, ít nhất là trong 10 năm vừa qua – bà Hoài An nhận xét.


 Bất động sản Việt Nam hút vốn các nhà đầu tư châu Á. Ảnh: TTXVN

Thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đang tỏ ra khá hiểu biết về thị trường Việt Nam sau thời gian dài tìm hiểu. Họ rất mạnh dạn và nhanh chóng đưa ra quyết định khi rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam .

Bà Hoài An dẫn chứng về một công ty của Nhật Bản, chuyên thực hiện các dự án về hạ tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thay vì chỉ làm nhà thầu và đầu tư các dự án phát triển hạ tầng, thời điểm gần đây, công ty này đã chọn liên doanh với một doanh nghiệp trong nước đầu tư vào dự án bất động sản căn hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là minh chứng cho việc các nhà đầu tư Nhật Bản đã có đủ kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường và họ sẽ bắt đầu mở rộng đầu tư nhanh chóng.

Cũng theo bà Hoài An, 2 năm trở lại đây, CBRE cũng đón tiếp rất nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Họ quan tâm đến nhiều phân khúc khác nhau, từ bất động sản công nghiệp, là mảng họ có thời gian và kinh nghiệm thâm nhập lâu nhất cho đến gần đây là chuyển mối quan tâm đến thị trường bất động sản nhà ở, văn phòng. Trong đó, họ có phương án tìm mua lại các tòa nhà văn phòng hiện hữu.

Phương thức rót vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức khác nhau, từ mua lại hoặc phát triển dự án từ đầu. Với các doanh nghiệp có thế mạnh về đầu tư và nhà thầu xây dựng thì có thể triển khai từ đầu. Còn những doanh nghiệp mạnh về hoạt động kinh doanh tài chính thì đi tìm kiếm những dự án hiện hữu để mua lại. Do đó, tùy tiêu chí và lĩnh vực hoạt động, mỗi doanh nghiệp có quyết định khác nhau khi chọn hình thức đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia bất động sản đến từ Công ty Tư vấn và quản lý Savills Việt Nam cho rằng, bất động sản công nghiệp đang tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia của Savills phân tích, giá nhân công tại Trung Quốc tăng nhanh trong những năm gần đây, gây áp lực lên những ngành công nghiệp thâm dụng nhân công như da giày, dệt may, chế biến chế tạo. Bởi vậy, quốc gia này đang đối mặt với một làn sóng ra đi của các công ty nước ngoài, tìm kiếm các điều kiện sản suất tốt hơn, nhất là về chi phí lao động. Với lợi thế là nước “láng giềng”, có kết nối giao thông đường thủy và đường bộ thuận lợi sang Trung Quốc, nên Việt Nam là một điểm đến sáng giá cho làn sóng dịch chuyển này của các nhà đầu tư.

Cùng đó, Việt Nam còn được “ưu ái” từ các yếu tố hỗ trợ chính như đã là thành viên của ASEAN, đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều thị trường xuất khẩu lớn và giá nhân công thấp hơn một nửa so với Trung Quốc. Chính các hiệp định thương mại mới tạo đà phát triển và thu hút FDI tăng đột biến, nhất là sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cuối năm 2015.

Bởi vậy, bất động sản công nghiệp đang trở nên có giá và thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp ngoại chứ không riêng gì phân khúc nhà ở, trung tâm thương mại và văn phòng.

TTXVN/Thu Hằng

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...