(Thethaovanhoa.vn) - Làng báo Việt Nam có điều lạ, những nhà báo có tuổi thường chuyển sang làm công việc quản lý, họ bắt đầu dừng hoặc ít viết, “nghiệp” thì vẫn còn nhưng nghề coi như đã chuyển trang khác.
Nghề của họ bây giờ là phải giữ cái sự tĩnh giữa cái động, dù cũng đủ lao tâm khổ tứ nhưng trạng thái thay đổi. Nói hình tượng, khi có tuổi người ta dễ đưa mình lên tầng bình lưu, phía trên của tầng đối lưu và là nơi tĩnh khí của bầu khí quyển. Có người còn nhiều say mê thì đúc kết những tháng năm lăn lộn với nghề để biên bình luận, xã luận hay những nhàn đàm.
Nguyễn Như Phong phỏng vấn người nấu ăn của Khun Sa
Đi “thập phương chí giới”
Nguyễn Như Phong cũng là một nhà báo có tuổi, nhưng số ông không có cái “nhàn” như thế. Ông vẫn quăng mình vào tầng đối lưu, nơi sôi động nhất của đời sống, vẫn “cúi xuống thật gần” để thấy sự sôi động ấy. Những ngọn gió được tạo ra từ đó. Cơn gió giờ đây không phải được nhóm lên từ một vùng chuyển động nhỏ của những chênh lệch áp khí mà nó được tích tụ qua bao nhiêu vùng đất, bao nhiêu vùng nóng bỏng của một đời dịch chuyển.
Nói đến làng phóng sự Việt Nam không thể không nói đến tên Như Phong. Tên tuổi Nguyễn Như Phong như đóng đinh vào phóng sự.
Viết phóng sự đòi hỏi sự dấn thân của kẻ lữ hành, và nó chỉ đãi kẻ dấn thân thực sự. Cái tên Như Phong như vận vào nghiệp, những người trong làng báo đều thấy Như Phong có sức đi của gió, lãng mạn và bền bỉ như gió.
Lão Tử đúc kết: Đạo khả đạo phi thường Đạo/ Danh khả danh phi thường danh, nói nôm ra Hóa công hồ dễ đặt tên/ Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn. Chỉ là một cái tên trong làng báo, nhưng bàn luận cũng không phải chuyện chơi. Có thể đó không phải tên tuổi vĩnh hằng, nhưng những con người như thế, trong làng báo mấy ai có thể quên.
Nhà báo Như Phong đi nhiều, ít ai sánh kịp, ông tự hào là người đi gần hết các đảo lớn nhỏ trong nước. Từ hòn đảo Vĩnh Thực, Cô Tô, Cái Chiên, Cái Bầu, Cồn Cỏ đến các đảo phía Nam như Côn Đảo, Lý Sơn, Phú Quốc, Trường Sa... Ông là nhà báo dưới xuôi đầu tiên đến được ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, ông cũng là nhà báo đi “thập phương chí giới” - tới gần 30 quốc gia.
Sau gần 40 năm cầm bút, dù là tổng biên tập nhưng ông vẫn đi chụp ảnh, viết bài... như những phóng viên. Với ông, trở thành lãnh đạo của tờ báo do nhu cầu hành chính, đó là nghiệp, còn viết mới là nghề, mà nghề thì phải giữ lấy.
Một chuyến đi mà sau này những người viết báo vẫn rỉ tai nhau đó là chuyến một mình vào ngã 3 biên giới của Như Phong. Năm 1984 ông lên ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào ở xã Xín Thầu, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nay thuộc huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên. Từ trung tâm huyện Mường Tè lên xã Xín Thầu chặng đường dài hơn 200km, ông phải đi bộ cật lực 7 ngày mới đến nơi. Đường mòn xuyên qua các khu rừng nguyên sinh, lên dốc, xuống đèo, khó khăn gian khổ. Ngày ít đi 30 cây số, có ngày 60 cây số. Sau này ông vẫn quay lại vùng đất ấy, những người vùng đấy vẫn coi ông là con dân ở đó.
Nguyễn Như Phong tại mảnh đất Tam giác vàng
Sự kiện điển hình và con người điển hình, thế thôi
Từ kẻ đầu tiên xách AK phòng thân để vào ngã 3 biên giới, năm 2010 ông đi sang Tam giác vàng. Phóng sự cần người đi đến nơi, làm đến chốn. Viết một chi tiết ra cũng phải mắt thấy, tay sờ, tai nghe, mũi ngửi thậm chí là nếm. Lên vùng Tam giác vàng (Lào - Thái Lan - Myanmar) ông ra giữa bãi cát sông Mekong uống thử ngụm nước, xem nước ở đây khác sông Hồng thế nào. Có phải vì thế, xấp xỉ tuổi 60, ông vẫn cho ra đời nhưng phóng sự khiến không chỉ độc giả mà cả những kẻ trong nghề phải bàng hoàng. Phóng sự không chỉ trên mặt báo mà có thể lên phim, điều mấy ai trong làng báo làm được.
Bộ phim đang chiếu trên sóng truyền hình quốc gia chuyển thể từ phóng sự của ông là Bí mật Tam giác vàng.
Từ thực tế chuyến đi ấy ông đã viết một loạt phóng sự dài đăng trên báo An ninh Thế giới là Cận cảnh Tam giác vàng và phóng sự đã được giải A giải báo chí toàn quốc năm đó.
Tam giác vàng là nơi chưa có phóng viên nào nước ta đặt chân đến. Cái gọi là mảnh đất tam giác vàng chỉ rộng hơn 1 ha nằm ở ngã ba biên giới Lào - Thái - Myanmar, là doi cát nổi giữa sông hình mũi đao. Còn khu tam giác vàng cực kỳ rộng, một vùng núi non cực kỳ hiểm trở, diện tích gần bằng cả miền Bắc Việt Nam, gồm diện tích của cả một phần của Bắc Lào, một phần Bắc Thái Lan, một phần Nam Myanmar, và cả một phần bên Trung Quốc.
Chuyến đi tam giác vàng là chuyến đi nguy hiểm và đầy rẫy những sự phức tạp, nếu không có sự “hộ tống” của Bộ An ninh quốc gia Lào, cảnh sát Thái Lan, Công an Việt Nam thì ông đã không thể đi được. Nó nguy hiểm hơn bởi khu vực đó toàn tay chân của Khun Sa, vua thuốc phiện vẫn còn. Họ rất khó chịu khi có người lạ vào khu nhà của tên vua không ngai khét tiếng toàn thế giới này. Nhiều khách, nhiều đoàn làm phim đến đã bị phục kích và lột sạch máy móc tác nghiệp.
Chuyến đi Trung Á, sang Pakistan khi Mỹ tấn công Afganistan cũng là một chuyến đi đáng nhớ. Ông đến một nước mà cả quốc gia không có cơ quan đại diện nào của nước mình. Và chuyến sang Trung Đông, Palestine, ông được chứng kiến các cảnh sát Israel đàn áp người Palestine, cũng được biết thế nào là hơi cay, thế nào là hóa chất pha nước thối.
Lao vào điểm nóng chỉ bởi đơn giản một lẽ như Nguyễn Như Phong quan niệm: “Nguyên tắc của người làm báo là tìm mọi cách, mọi kế để đến được những nơi có các sự kiện điển hình, chứng kiến những sự kiện điển hình và gặp được những con người điển hình, thế thôi”.
"Nổ phát súng" về bản quyền báo chí
Mới đây, ông lại có một bước đi tiên phong, gây tiếng vang trong làng báo, khi là người nổ phát súng về chuyện “nóng” bản quyền báo chí.
Có rất nhiều các trang thông tin điện tử đã làm giàu bằng cách cóp nhặt, xào xáo tin bài từ các báo chính thống. Tình trạng vi phạm bản quyền ở báo chí này đã kéo dài rất lâu và không ai giải quyết. Nguyễn Như Phong lên tiếng. Ông nói rõ điều này: Họ ăn cắp được là vì thái độ hữu khuynh nhu nhược của chính các cơ quan báo chí. Xin đừng đổ tội tại cơ quan quản lý Nhà nước. Nhà nước có rất đầy đủ các văn bản pháp quy trong chống ăn cắp bản quyền.
Nhưng vấn đề đặt ra là các báo chỉ kêu chứ không ai tố cáo. Ai sẽ lên tiếng, và lên tiếng ở mức độ nào? Với ông, những trang web chuyên cóp nhặt, xào xáo thông tin ấy đích thị là những tên “ăn cắp chuyên nghiệp”. Mà với những kẻ cắp chuyên nghiệp, thì họ coi những lời giáo dục suông là gì đâu? Cho nên phải dùng luật pháp - ấy là đưa chúng ra tòa. Có vậy thôi, rất đơn giản. Còn ai không dám làm thì chỉ có hai lý do: Hoặc là thỏa hiệp với chúng để kiếm chác sau lưng phóng viên, hoặc hèn nhát!
Một tờ báo phải đầu tư, phóng viên phải lăn lộn mới có được một tin bài, nhưng sản phẩm vừa đưa lên mạng được 1 - 2 phút thì lập tức một trang tin khác lấy lại. Các tổng biên tập đều ca thán nhưng không ai làm đến nơi đến chốn. Việc mất cắp bản quyền tương đối vô hình, nếu xé lẻ ra thì rất nhỏ nhưng nếu tổng hợp lại thì rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển của các tờ báo chính thống.
Ngay khi lên tiếng một cách quyết liệt các trang tin lập tức ngừng lấy lại tin bài của Năng lượng mới, tờ báo ông làm tổng biên tập. Ông hi vọng, từ phát súng này, làng báo sẽ được làm sạch những kẻ làm giàu bất chính trên mồ hôi, chất xám của những nhà báo chân chính.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa