A+ A A- Kiểu đọc sách

Người Hà Nội hối hả chống rét

14:14 07/01/2013
loading...

Thời tiết rét đậm trong nhiều ngày nay, dự báo tiếp tục kéo dài tới giữa tháng một khiến cuộc sống của người dân Thủ đô thêm vất vả. Từ sinh hoạt trong gia đình, giao tiếp đến việc đi lại ngoài đường phố dường như diễn ra với nhịp độ chậm hơn. 

Người lao động chấp nhận chịu rét để kiếm sống. Ảnh C.M.T

Nhiều người gạt bỏ những việc không cần thiết để tránh phải ra ngoài nhiều. Ngoại trừ những giờ cao điểm, đường phố tương đối đông đúc bởi lượng người đi làm. Buổi tối, thay vì sự quá tải như trước là sự vắng vẻ hiếm có. Tại các tụ điểm công cộng như: công viên, khu vui chơi, các trung tâm thương mại, siêu thị, lượng khách giảm nhiều so với trước. Các cô, các bác hay đi tập thể dục cũng thay đổi lịch với khung giờ tập muộn hơn và ngắn hơn trước. Thậm chí nhiều trường học phải đóng cửa cho học sinh ở nhà tránh rét. Các bệnh viện đang quá tải do bệnh nhân nhập viện do rét tăng mạnh.

Cái giá lạnh buốt xương của Việt Nam khiến khách nước ngoài cũng phải đầy đủ khăn áo. Ảnh C.M.T

Có lẽ tấp nập nhất vẫn là thị trường đồ chống rét bởi ai cũng cần đủ trang phục, phụ kiện giữ ấm khi ra đường. Các cửa hàng bán áo đại hàn trên nhiều tuyến phố như Đội Cấn, Quán Thánh, Trần Nhân Tông, Cầu Giấy, Chùa Bộc, Hàng Ngang, Hàng Đào.... được người dân lựa chọn nhiều nhất. Với số tiền 400 – 500 nghìn đồng trở lên, người tiêu dùng có thể sắm cho mình chiếc áo phao cỡ dày hoặc 700 – 800 nghìn đồng là mua được chiếc áo ấm dài tới gối. Ngoài ra, các loại quần bó lót bông len bên trong với giá từ 120 – 150 nghìn đồng/chiếc được chị em lựa chọn nhiều. Năm nay, hàng may mặc Việt Nam lên ngôi với số cửa hàng "Made in Vietnam" mọc lên khắp nơi.

Dịp này, các cơ sở may hàng Việt cũng như các cửa hàng kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, đại hạ giá, thậm chí có cửa hàng đề "bão" hạ giá nên nơi nào cũng tấp nập người xem, người mua. Riêng các loại khăn len, mũ len, găng tay, khẩu trang đắt hàng không kém; khu phố chuyên doanh đồ len Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm) những ngày này thu hút đông đảo khách. Giá một chiếc khăn chỉ dao động từ 100 – 150 nghìn đồng; mũ len từ 100 – 130 nghìn đồng, khẩu trang 10 – 40 nghìn đồng, găng tay 40 – 80 nghìn đồng tùy loại. Chị Nguyễn Mai Phương, chủ cơ sở sản xuất đồ len tại số 24 Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân; chuyên cung cấp quần áo len cho các chợ, các cửa hàng trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Trong những ngày rét đậm này, cơ sở của gia đình chị cung cấp ra thị trường lượng hàng cao gấp 3 – 4 lần so với những ngày rét bình thường. Với giá cả từ 60 – 140 nghìn đồng/chiếc áo bán buôn và 60 nghìn đồng chiếc quần bán buôn; hàng len của cơ sở chị được nhiều cửa hàng lựa chọn. Hiện cơ sở của gia đình chị có 10 máy dệt len đều hoạt động hết công suất, kịp cung cấp cho thị trường thời điểm này”.

Các hàng trà nóng phải trang bị thêm cả "lò sưởi" cho khách. Ảnh C.M.T

Ngoài ra, đồ sưởi ấm trong những ngày rét đậm như điều hòa hai chiều, máy sưởi chạy bằng dầu, quạt sưởi Halogen tại các siêu thị, cửa hàng điện tử, điện lạnh bán rất đắt hàng. Chị Trần Thị Hương, Phó Phòng Marketing, công ty cổ phần Pico cũng cho biết: “Nếu các đợt rét trước, hệ thống Siêu thị Pico bán được 100 chiếc quạt sưởi, máy sưởi mỗi ngày thì những ngày rét đậm vừa qua bán một lượng hàng cao gấp 4 - 5 lần so với trước”. Mặt hàng này hấp dẫn người tiêu dùng do giá cả hợp lý bởi máy sưởi dầu, quạt sưởi Halogen có giá từ 1 – 3 triệu đồng/chiếc tùy loại. Trong đó máy sưởi dầu được lựa chọn nhiều hơn do ưu điểm sưởi không làm khô da. Riêng điều hòa hai chiều có giá tương đối cao, từ trên 8 triệu đến trên 10 triệu nên sức mua mặt hàng này tại hệ thống siêu thị Pico chỉ tăng từ 20 – 30%. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh cũng cho rằng: Nếu thời tiết tiếp tục rét đậm kéo dài, nhu cầu sử dụng đồ ấm trên thị trường Hà Nội cũng tăng lên và lượng hàng tiêu thụ cũng mạnh hơn.

Theo Đinh Thị Thuận
TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...