Ngư dân Quảng Ngãi quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền
(Thethaovanhoa.vn) - Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu Haiyang Shiyou-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hàng vạn ngư dân tỉnh Quảng Ngãi rất bất bình, phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc.
Ngư dân Quảng Ngãi khẳng định vẫn đồng lòng quyết tâm bám biển Hoàng Sa.
Vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan án ngữ ngay đường biển từ Lý Sơn ra vùng biển Hoàng Sa của ngư dân Quảng Ngãi, do vậy ảnh hưởng lớn đến việc hành nghề bình thường của ngư dân.
Ngư dân Phùng Được ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, đi trên tàu cá QNg 96047-TS bức xúc: “Khi kết thúc chuyến đi biển ở vùng biển Hoàng Sa trở về đảo, ngư dân chúng tôi phát hiện giàn khoan của Trung Quốc đặt ngay hành trình về đảo Lý Sơn, đi gần khu vực này sẽ bị các tàu của Trung Quốc rượt đuổi. Ngư dân chúng tôi không thể chấp nhận sự phi lý và ngang ngược này của Trung Quốc.”
Xã biển Nghĩa An (nay thuộc thành phố Quảng Ngãi) đã thành lập được nghiệp đoàn nghề cá với 65 tổ ngư dân đoàn kết bám biển. Ngư dân Nguyễn Anh Tuấn, xã Nghĩa An cho biết, ông và nhiều ngư dân Quảng Ngãi đều nắm bắt được thông tin về việc Trung Quốc tự ý đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khoan thăm dò nên rất bức xúc. Việc Trung Quốc có những hành động phi pháp như vậy là không chấp nhận được.
Ông Huỳnh Quang Vũ, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, thuyền trưởng tàu QNg 90133-TS khẳng định: “Gần 25 năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, tôi quen từng bãi rạn, hòn đảo nơi đây. Ngư dân chúng tôi bằng mọi giá vẫn bám biển Hoàng Sa.”
Tại cảng cá Sa Kỳ, hàng ngày có hàng chục tàu cá của ngư dân xã Bình Châu, Tịnh Kỳ, Lý Sơn từ Hoàng Sa, Trường Sa trở về sau một phiên biển dài ngày.
Ngư dân Lê Văn Thành (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), chủ tàu cá QNg 90367-TS cho biết: “Tôi mới từ ngoài vùng biển Hoàng Sa về và cũng biết việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Anh em ngư dân rất bức xúc. Xem tivi thấy tàu Trung Quốc còn dùng cả vòi rồng phun nước vào tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của Việt Nam, hành động như vậy là rất ngang ngược. Chúng tôi sẽ không chùn bước. Dù khó khăn, chúng tôi vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa để bám biển.”
Phản đối mạnh mẽ hành động phi lý của Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, kêu gọi các ngư dân trong nghiệp đoàn tiếp tục vươn khơi bám biển Hoàng Sa làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, không nhụt chí vì hành động phi lý này. Ồng khẳng định ngư dân quyết tâm bám biển Hoàng Sa khẳng định chủ quyền, vì Hoàng Sa là một phần xương máu của thế hệ cha ông.
Ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi, kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết trong những ngày qua, Hội nghề cá Quảng Ngãi liên tục có thông báo đến ngư dân về tình hình xung quanh khu vực giàn khoan mà Trung Quốc vừa đưa vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt bình thường. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan chắn ngang đường hoạt động của tàu cá sẽ gây khó khăn cho việc đánh bắt của ngư dân. Hội nghề cá đề nghị các ngư dân và tàu cá phối hợp với lực lượng chức năng khác để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Ông Mai Cho, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ) cho hay qua việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Ban chấp hành Nghiệp đoàn cử người đến từng gia đình thành viên để động viên, nhắc nhở ngư dân cảnh giác và đoàn kết hơn. Ngư dân vươn khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ là vấn đề mưu sinh mà còn là sự chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.