Nghị lực phi thường của nữ tỉ phú tự thân giàu nhất thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Bà Chu Quần Phi (Zhou Qunfei) hiện được vinh danh là nữ tỉ phú tự thân giàu có nhất trên thế giới. Người phụ nữ Trung Quốc 47 tuổi này đã đi lên từ hai bàn tay trắng, là cựu công nhân nhà máy và bỏ học từ năm 16 tuổi.
Theo dữ liệu của tạp chí Forbes (Mỹ) công bố trong tháng 3 vừa qua bà Chu Quần Phi có tổng tài sản cá nhân vào khoảng 9,2 tỉ USD. Bà Phi là người sáng lập ra công ty Công nghệ Lens, đơn vị chuyên sản xuất màn hình kính cho các “ông lớn” như iPhones (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc). Khi Công nghệ Lens phát hành cổ phiếu vào năm 2015, bà Phi nhanh chóng trở thành tỉ phú, hiện nay công ty này có giá trị vào khoảng 11 tỉ USD.
Gặt hái thành công đáng ngưỡng mộ nhưng con đường đi lên của nữ tỉ phú tự thân này không hề được trải thảm hoa hồng.
Tuổi thơ khốn khó
Bà Phi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Nam. Tờ The New York Times (Mỹ) cho biết khi bà Phi mới 5 tuổi, mẹ của bà đã qua đời. Trong khi đó cha bà Phi bị mất một phần thị lực và một ngón tay do tai nạn lao động. Bởi vậy, từ khi còn nhỏ bà Phi đã tự tay nuôi lợn và vịt để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Đến năm 16 tuổi, bà Phi buộc phải bỏ học để lao động kiếm tiền chu cấp cho gia đình. Sau đó bà Phi được nhận vào làm công nhân tại một nhà máy sản xuất mặt kính đồng hồ với mức lương khoảng 1 USD/ngày.
Sau này bà Phi chia sẻ với báo giới rằng môi trường làm việc tại nhà máy khi đó khá cực nhọc: “Tôi lao động từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm hoặc đôi khi là đến tận 2 giờ sáng hôm sau”. Cũng trong khoảng thời gian này bà Phi thường dự các lớp học buổi tối về những môn như kế toán và phòng cháy tại Đại học Thâm Quyến.
Tự thân khởi nghiệp
Đến năm 1993, ở độ tuổi 22 và có trong tay 3.000 USD, bà Phi cùng một vài người họ hàng đã mở một công ty sản xuất mặt kính đồng hồ. Bà Phi vừa sống vừa làm việc trong một căn hộ nhỏ với những người họ hàng.
Công việc kinh doanh phát triển chậm nhưng ổn định trong vòng một thập niên. Vào một ngày năm 2003, bà Phi nhận được cuộc gọi mang tính quyết định. Theo đó, hãng Motorola (Mỹ) liên hệ với bà Phi để đề nghị hợp tác sản xuất kính chống xước cho dòng điện thoại Razr V3.
“Tôi nhận được cuộc gọi, họ nói rằng chỉ cần trả lời có hoặc không. Nếu câu trả lời là có thì họ sẽ giúp tôi dựng quy trình sản xuất. Tôi trả lời là có”, bà Phi hồi tưởng với tờ TIMES (Anh).
Sau thương vụ với Motorola, công ty của bà Phi nhận được hàng loạt đề nghị hợp tác từ các hãng sản xuất điện thoại khác như HTC (Đài Loan, Trung Quốc), Nokia (Phần Lan), Samsung (Hàn Quốc). Đến năm 2007, lần đầu tiên iPhone đã liên hệ hợp tác với công ty của bà Phi.
Từ đây, công ty của bà Phi đã có thể đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, tuyển thêm các kỹ thuật viên lành nghề. Chỉ trong vòng 3 năm, đã có thêm nhiều nhà máy sản xuất của công ty bà Phi được xây dựng ở 3 thành phố khác nhau. Đến nay công ty Công nghệ Lens có 74.000 nhân công làm việc tại 32 nhà máy.
Bà Phi đã lập gia đình và có hai người con. Hiện bà Phi vẫn làm việc 18 tiếng/ngày. Tờ TIMES miêu tả bà Phi là một người chú ý đến từng chi tiết nhỏ và rất thực tiễn. Chính bà Phi nhận định bản thân có những đức tính trên do lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn và có người cha thị lực kém do vậy bà luôn sắp xếp mọi thứ trong nhà cẩn thận để cha không bị thương.
Bên cạnh đó, bà Phi bộc bạch rằng ở quê hương bà, nữ giới thường không có cơ hội đến trường học và chỉ có lựa chọn là lập gia đình và dành cả cuộc đời trong ngôi làng. Nhưng bà Phi đã không đi theo con đường này, bà nói: “Tôi chọn việc kinh doanh và không hối tiếc về điều đó”.
Theo Báo Tin Tức