loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trong khu đất của anh em cụ Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông (1827 - 1884).
Trường Dục Thanh, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) – nơi cách đây 107 năm thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học trước khi vượt đại dương đi tìm đường cứu nước hiện không chỉ lưu giữ những hiện vật quý của Bác trong thời gian ở đây mà còn là nơi sinh hoạt chính trị, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trong khu đất của anh em cụ Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông (1827 - 1884). Trường dạy chữ quốc ngữ là chính, bên cạnh đó, trường dạy thêm Hán văn, Pháp văn. Trường mang tên Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh niên lòng yêu nước, hưởng ứng truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân. Ðây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất ở miền trung lúc bấy giờ.
Tháng 9/1910, được sự giới thiệu của cụ Trương Gia Mô, bạn cũ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết và dạy học ở Trường Dục Thanh. Tham gia giảng dạy trong trường có bảy thầy giáo, Nguyễn Tất Thành là thầy giáo trẻ nhất (20 tuổi), chủ yếu dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn cho lớp Nhì... Đặc biệt, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền dạy cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên.
Ngoài giờ học, thầy Nguyễn Tất Thành dẫn học trò đi thăm những cảnh đẹp ở Phan Thiết như: bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa... Đến tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Rồi sau đó, ngày 5/6/1911 từ Bến Nhà Rồng, Người đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.
Sáng 18/5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến năm 1978 - 1980, Trường Dục Thanh đã được phục chế, tôn tạo như lúc thầy Thành dạy học. Năm 1986, Khu di tích Dục Thanh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Những hiện vật gốc được lưu giữ trong quần thể Khu di tích Dục Thanh đều gắn với những kỷ niệm sâu sắc về thời gian Người dạy học tại đây.
Ngoài lớp học với mái ngói rêu phong được bao bọc bởi 4 bức tường gỗ giản dị với bộ bàn ghế Bác ngồi giảng bài, hiện Trường Dục Thanh còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật quý giá về Bác như: bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư…
Trong khuôn viên khu di tích, còn có cây khế năm xưa thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường hay tưới nước, chăm sóc mà bây giờ người dân nơi đây gọi là Cây khế Dục Thanh, Cây khế Bác Hồ... Bên cạnh khu Di tích Dục Thanh là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Đây là nơi trưng bày gần 900 tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cứ mỗi dịp Tháng 5 về, Trường Dục Thanh lại trở nên nhộn nhịp. Nhiều đoàn khách từ khắp các tỉnh, thành về thăm Trường Dục Thanh, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh với mong ước một lần được ghé thăm nơi Bác đã từng sống và làm việc, để bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính lên Người.
Anh Nguyễn Chí Thanh, sinh viên đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần đầu tiên anh được đến thăm Trường Dục Thanh, chiêm ngưỡng những kỷ vật, nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, anh cảm thấy tự hào và biết ơn công lao to lớn của Bác.
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận, mỗi năm khu di tích Dục Thanh đón hàng chục nghìn lượt tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu, nhất là vào mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5). N hiều trường học, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức dâng hương, báo công dâng lên Bác… thể hiện niềm kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tại Khu di tích Dục Thanh, thường xuyên tổ chức triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Ngoài giới thiệu một số hình ảnh vế tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, triển lãm còn giới thiệu những cá nhân, tập thể điển hình là những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ của tỉnh Bình Thuận và cả nước.
TTXVN/Hồng Hiếu
loading...