loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhận thấy mối nguy hiểm rình rập do đuối nước gây ra, các chàng trai làng Xoă ngày đêm vác đá, ngăn suối “dựng trại” luyện bơi cho bọn trẻ trong làng. Nhờ việc tập luyện này, 2 năm qua trong xã nhiều cháu đã biết bơi và giúp bạn thoát nạn đuối nước.
Khóa học bơi miễn phí cho 200 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội trong chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tại khu vực dân cư.
3 chàng trai “vác tù và hàng tổng” được dân làng Xoă và cả xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah (Gia Lai) gọi với cái tên thân mật Y Pyiu, Y Tai (25 tuổi) và Rơ Ni (19 tuổi).
Tập bơi với... bò
Tò mò về trại luyện bơi bên chân núi lửa Chư Đang Ya (ngọn núi gắn liền với sự tích hoa dã quỳ được huyện Chư Pah phối hợp cùng Sở VHTTDL tổ chức lễ hội gắn liền với ngọn núi và loài hoa dại vào tháng 11 hàng năm), chúng tôi tìm đến làng Xoă, đến nơi cũng là lúc lũ trẻ trong làng vừa lùa xong đàn bò với bụng căng tròn về chuồng sau một ngày lang thang trên đồng cỏ xanh mượt. Lúc này những tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ rộn ràng như thông báo cho cả làng biết việc luyện bơi bắt đầu.
Trên tay mỗi đứa trẻ với một vật dụng nào là can nhựa to nhỏ, hay thân cây chuối vừa chặt vội trong vườn dùng để làm phao tập bơi, cứ thế bọn chúng nối đuôi nhau đi trên cánh đồng lúa vàng ươm với vẻ hớn hở như đi hội làng. Cách đó không xa, bên dòng suối nhỏ, các chàng trai Jrai là Y Pyiu, Y Tai và Rơ Ni đang ra sức khuân từng hòn đắp thành bờ đập để ngăn dòng chảy, tích thêm lượng nước đủ sâu để lũ trẻ trong làng đến học bơi.
Trong lúc chờ lũ trẻ đến bể bơi dã chiến bên cánh đồng lúa rộng lớn và thực hiện các động tác khởi động quen thuộc, đang loay hoay sắp xếp những tảng đá to đưa xuống dòng suối, Y Pyiu và Y Tai thổ lộ với chúng tôi về ý định khởi xướng việc dạy bơi cho lũ trẻ trong làng. Y Pyiu nói: Buổi chiều năm 2017, lúc đó cả 2 anh em đang ngồi trên bờ suối trông đàn bò ăn cỏ, thì nhìn thấy Rơ Ni loay hoay dưới dòng suối, xem lại mới biết Rơ Ni lúc này đang tập bơi.
Không có gì để tập, mình và Y Tài liền xuống suối đưa Rơ Ni ra vùng nước sâu hơn để em làm quen và sẵn có đàn bò đang lội qua suối nên lấy lưng bò để Rơ Ni tập bơi... và rồi từ đó cả 3 anh em cùng nghĩ sao mình không tận dụng lúc bò đang ăn cỏ thì gọi các em lại để tập bơi và cứ thế, nhiều nhóm trẻ đi chăn bò dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya đều đến khu vực suối vừa đùa nghịch lại vừa tập cho các em biết bơi theo cách cơ bản nhất.
Có lúc chúng em không còn chăn bò nữa nên việc dạy học bơi cũng tạm dừng, nhưng mỗi ngày đi qua dòng suối và nhận thấy ở buôn làng và xung quanh địa phương mình sinh sống còn nhiều ao, hồ rất dễ xảy ra đuối nước cho trẻ, nên từ đó cả 3 anh em sắp xếp về lại dòng suối, ngăn dòng để dạy bơi cho các em- Y Tai nói.
Còn về giáo trình dạy bơi hay bơi cách gì là hiệu quả nhất đều được cả 3 anh em thống nhất phương án nào là dụng cụ phao được thay bằng thân cây chuối, can nhựa, kỹ thuật với những động tác cơ bản từ khởi động đến việc thở dưới nước, đẩy tay, đẩy chân theo các kiểu bơi ếch, bơi sãi đều được cả nhóm học lõm qua kênh youtube... rồi tự tập đến khi thành thục lại dạy lại cho lứa sau.
Mình không biết có bao nhiều em đến học, trong làng cứ có ai đến tập bơi đều được cả nhóm và các bạn biết trước chỉ dẫn lại với nhau, mỗi ngày tập đều có những câu chuyện vui để kể cho nhau nên lớp học thu hút nhiều em lắm- Y Pyiu vui kể lại.
Học trò phi thân cứu người
Dẫu lớp tập bơi tự phát ở làng nhưng việc chấp hành các quy định khi đến “trại huấn luyện” lại khá chặt chẽ. Không một ai nhắc nhở, chúng tự bảo nhau xếp thành hàng và bắt đầu những động tác khởi động trên cạn theo hướng dẫn. Vừa khởi động, 3 huấn luyện viên dạy bơi “bất đắc dĩ” vừa nhắc lại phần lý thuyết để các em nhận biết vùng nước nông hay sâu, vùng nước nguy hiểm, đến kỹ thuật bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước; cách cứu người bị nạn không may sẩy chân xuống hố nước sâu… Mặc dù chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp dạy bơi hay môi trường sự phạm nào, nhưng bài giảng về lý thuyết của 3 chàng “chăn bò” lại cuốn hút được các em bởi vừa nói thì các bạn nhỏ được thực hành ngay tại đoạn suối trước mặt.
Trên đoạn suối nhỏ, mọi hoạt động tập luyện cứ thế diễn ra, tiếng cười nói, tiếng bì bõm của những đứa mới tập với kiểu bơi lạch bạch, nước bắn tung tóe bên dòng suối.... Theo lời Y Pyiu, các em học bơi nhanh rất nhanh chưa đến 1 tuần đã tự bơi, ngoài ra mỗi em đến với lớp học đều được hướng dẫn cách cứu người dưới nước sao cho an toàn nhất, có em đã cứu được bạn thoát khỏi tay “Hà Bá”.
Kiểm chứng lời thầy dạy bơi, chúng tôi quay về phía đám trẻ hỏi: “các em ai đã từng cứu được người thoát chết đuối? ngay tức thì gần cả chục bàn tay giơ cao khiến tôi ngỡ ngàn.
A Lai (12 tuổi) được các bạn trong lớp bơi gọi là “cá khô”, bởi ngoài việc bơi giỏi, em có đến 4 lần cứu bạn thoát bị đuối nước, khi cứu bạn A Lai từ trên bờ phóng thẳng xuống nước và bơi như một con cá. A Lai chia sẻ: “cách đây 2 năm, khi đang tắm suối cùng các bạn thì em nghe tiếng kêu cứu từ xa, một người đang hoảng loạn dưới dòng nước sâu, thấy vậy em lao đến rồi đưa bạn vào bờ an toàn. Lúc này mới biết bạn đó là A Bích (10 tuổi, sống cùng làng).
3 bạn khác cũng được Lai cứu khi bị hụt chân khi tắm ở mương thủy lợi, các bạn được cứu sau đó đều tham gia lớp học bơi và nay đã thành thục các kỹ thuật do 2 thầy và bạn bè chỉ dẫn.
Nói về việc dạy bơi của 3 anh em, ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết: “Ở vùng này có rất nhiều dòng suối, kênh mương thủy lợi, nhất là những hồ nước tưới cà phê sâu hoắm, có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Nhờ những chàng trai “chăn bò” tình nguyện dạy bơi mà 2 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra một vụ đuối nước nào”.
Nguyễn Giác
loading...