(Thethaovanhoa.vn) - Hàng chục năm công tác tại vùng cao, từng là Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai, TS Trần Hữu Sơn (Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) những câu chuyện về văn hóa uống rượu.
TS Sơn nói: “Với đồng bào vùng cao, mỗi tộc người đều có những nghi thức riêng, với những câu chuyện riêng. Chẳng hạn, người Hà Nhì đen ở Y Tý (Lào Cai) có loại rượu hoẵng truyền thống nấu bằng mạch nước thiêng trong làng. Hàng năm, vào ngày 6/6 âm lịch, lễ rước thần nước từ mạch nước này về nhà thường được thực hiện rất trang trọng. Sau đó, khi rượu nấu xong, đồng bào nơi đây phải dâng lên thần linh và tổ tiên trước khi… cất đi, để dành cho những dịp trang trọng.
Người Dao đỏ ở Lào Cai có hẳn một cuốn sách truyền thống, quy định những ngày nào trong năm là thời điểm phù hợp để nấu rượu, uống rượu. Khi uống, bao giờ họ cũng nhấm nháp khá từ tốn, chậm rãi, chứ không “trăm phần trăm” như người đô thị.
Còn với người La Hủ, loại rượu truyền thống của họ cũng là rượu cần như người Thái. Nhưng, tại các dịp đám cưới đám hỏi, ché rượu cần bao giờ cũng được khiêng đi rất trịnh trọng, với những chiếc cần hút được cắm lên, mang dáng dấp của biểu tượng sinh thực khí…
* Ngoài những vấn đề về nghi thức, bản thân cách uống rượu của đồng bào vùng cao phía Bắc có gì đáng chú ý, thưa ông?
- Chúng ta thường vẫn giữ cách nghĩ mặc định rằng đồng bào vùng cao uống rượu nhiều, tới mức không có rượu là không giao tiếp cùng họ được.
Thực ra, không hẳn như vậy. Tôi từng đến ăn cơm ở nhà nhiều đồng bào người Mông. Họ giết gà, rót rượu mời, nhưng chủ khách thường cũng chỉ dùng hai ba chén cho vui. Còn lại, công việc thường ngày của người Mông khá vất vả và nặng nhọc, nên họ không có dịp uống nhiều. Chỉ đến phiên chợ cuối tuần, với tâm lý xả hơi, vui vẻ cùng bạn bè, người ta mới tự cho phép mình uống thoải mái.
Nhìn chung, trong các kỳ cuộc hội hè, rượu với đồng bào vùng cao không chỉ là chuyện ẩm thực, mà còn là liều “doping” để diễn xướng. Chẳng hạn, các thanh niên La Hủ có những điệu múa cầu mùa độc đáo, với những chiếc linga đẽo bằng gỗ rất to để… chạm vào các cô gái xung quanh. Chỉ khi say, họ mới vượt qua tâm lý ngượng ngùng và hồn nhiên thực hành nghi thức mang màu sắc sinh thực khí ấy.
Hoặc, với đám cưới của người Dao tuyển, việc rước dâu còn tái hiện hẳn một cuộc chiến đấu bằng… rượu của những người trong cuộc. Khi nhà gái căng sợi dây đỏ chặn ở đầu làng, nhà trai sẽ được mời rượu, rồi phải hát đối đáp. Đối được thì dây mở ra để đi tiếp, bằng không thì cứ lấy rượu mà phạt…
Người vùng cao uống rượu ở các phiên chợ đôi khi mang tính “diễn xướng” và không nài ép. Ảnh: yenbai.gov.vn * Vậy, nét văn hóa ấy có những mặt trái không, theo ông?
- Nói đúng hơn, khi vượt qua ranh giới cần thiết, văn hóa sẽ trở thành phản văn hóa.
Với tôi, chuyện say rượu vì ham vui, thiếu kiềm chế có thể được thông cảm phần nào. Và, dù ở đồng bằng hay tại vùng cao, chuyện nát rượu, hay thói quen uống rượu giải khuây bao giờ cũng có. Nếu bỏ qua những trường hợp cá biệt ấy, cái mà tôi thấy phản cảm nhất bây giờ là chuyện ép rượu, chuốc rượu một cách rất thô bạo và kệch cỡm trong xã hội hôm nay.
Đầu thập niên 1980, lên công tác tại vùng cao, chúng tôi đâu có gặp cảnh ấy. Đồng bào nhiệt tình thì cũng chỉ nói một vài câu rất thân tình, theo kiểu: cán bộ đi đường mệt, đã đến đây thì uống với mình nốt chén này đi. Chỉ vậy thôi. Còn bây giờ, chuyện khích bác, nài ép tới mức gần như đổ rượu vào miệng người khác cũng đã bắt đầu lan tới vùng cao rồi.
Nhậu đâu cũng là uống rượu, song ở Hà Nội, uống rượu mà “đối ẩm” với Ô Quan Chưởng vẫn được coi là “đặc sản” với nhiều người sành nhậu.
Có câu chuyện thế này: trong cách uống rượu bây giờ, người ta thích bắt tay sau khi cạn chén. Ai cũng bảo phong tục ấy xuất phát từ miền núi, nhưng hỏi vì sao thì không lý giải được. Thật ra, câu trả lời khá thú vị: với người dân tộc những năm trước, ngồi uống rượu là dịp để họ cùng chung vui, cùng tìm kiếm sự bình đẳng và ngang hàng. Bên nồi thắng cố tại chợ phiên, đồng bào dân tộc có thể thoải mái đến mời rượu cán bộ miền xuôi, thậm chí là mời chủ tịch xã, để rồi xiết chặt tay nhau sau khi cạn chén.
Thói quen ấy từ vùng cao lan xuống đồng bằng. Nhưng ngược lại, thanh niên ở vùng cao có dịp đi các nơi cũng lại có dịp mang về quê mình kiểu uống rượu “trăm phần trăm”, kiểu nài ép, khích bác nhau như bây giờ.
* Ông sẽ giải thích thế nào về thói tật nài rượu, ép rượu này?
- Tôi nghĩ đơn giản, đó là sản phẩm nảy sinh trong xã hội hiện đại. Khi nhu cầu khẳng định mình ngày càng được đặt lên cao, con người ta bắt đầu chú trọng tới việc uống rượu, như một cách bên cạnh muôn ngàn cách khác. Và để chứng tỏ tửu lượng của mình, không còn cách nào khác là bạn mời, ép bằng được những người xung quanh cùng cạn chén.
Và cả một lý do nữa, cuộc sống ở đô thị với muôn vàn sức ép càng khiến con người ta có nhu cầu vui hết cỡ, vui xả láng khi ngồi vào mâm rượu. Thật lòng, chứng kiến những quán bia, quán thịt chó đông nghẹt khách sau mỗi buổi chiều, tôi chỉ thấy ngán ngẩm thêm. Rượu chỉ ngon khi uống có dịp, uống đủ để người ta cảm thấy lâng lâng hào hứng – chứ biến nó thành thứ giải sầu “tẹt ga” hàng ngày thì tội cho rượu quá.
* Xin cám ơn ông!
(Còn tiếp)
Uống rượu bia 3 lần/tuần coi như nghiện rượu Liên quan đến tác hại của việc sử dụng rượu bia thường xuyên với sức khỏe, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc sử dụng rượu bia trên 3 lần/tuần, với số lượng trên 50ml rượu nguyên chất thì có thể coi như là nghiện rượu. Tác hại của rượu còn phụ thuộc vào độ tinh chất của rượu, chẳng hạn như trong rượu có chất methanol có thể gây mù mắt, vì chất này sẽ chuyển hóa thành formaldehyde là chất được dùng để ngâm tử thi. Tuy nhiên, nhìn chung, việc nghiện rượu sẽ dẫn đến nhiều tác hại nguy hiểm về mặt sức khỏe như: rối loạn lo âu, rối loạn chức năng tình dụng, trầm cảm, nhân cách phi xã hội… |
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa