loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu tăng cường ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), một động thái được đánh giá là nhằm cạnh tranh với tham vọng dẫn đầu lĩnh vực này của Trung Quốc.
Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ có kế hoạch thành lập một trường đại học về trí tuệ nhân tạo, với cam kết ban đầu dành 1 tỷ USD cho chương trình đào tạo sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm và đúng quy tắc.
Sắc lệnh hành pháp về Sáng kiến AI của Mỹ kêu gọi "dành tối đa tài nguyên của chính phủ liên bang" cho mục tiêu thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực AI. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ người Mỹ đã được hưởng các lợi ích "khổng lồ" nhờ các nỗ lực tiên phong đi đầu trong phát triển AI. Tuy nhiên, trong bối cảnh tốc độ theo đuổi công nghệ này tăng mạnh trên toàn cầu, Mỹ không thể chậm chạp với huyễn hoặc rằng có thể tiếp tục vị thế dẫn đầu mà không cần nhiều công sức.
Nhà Trắng cho biết kế hoạch mới hối thúc tăng cường phát triển AI bằng cách cung cấp nguồn tài nguyên sẵn có dồi dào hơn cho giới nghiên cứu, đề ra đường hướng cho các quy định, thúc đẩy ứng dụng AI trong giáo dục và nâng cao sức cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực này. Tuyên bố không đề cập đến Trung Quốc, song kêu gọi xây dựng "một kế hoạch hành động để bảo vệ lợi thế của Mỹ trong AI cũng như các công nghệ thiết yếu với các lợi ích an ninh kinh tế quốc gia trước các đối thủ cạnh tranh chiến lược". Dù vậy, sắc lệnh trên không đưa ra thông tin chi tiết về các khoản quỹ đầu tư hay công bố một chiến lược chi tiết về việc triển khai AI.
Sắc lệnh trên của Tổng thống Trump đưa ra vào thời điểm đang có nhiều quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ trong một số lĩnh vực chủ chốt của AI với một chiến lược quốc gia toàn diện cùng những khoản đầu tư lớn. Bắc Kinh đã lên kế hoạch đầu tư 150 tỷ USD từ nay tới năm 2030 cho mục tiêu trở thành cường quốc số một thế giới trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng AI.
Do vậy, giới chuyên gia đánh giá việc chính quyền Mỹ tái xác định ưu tiên của mình là rất quan trọng khi cân nhắc tới tiềm năng của AI. Ông Darrell West (Đa-rân Oét), người đứng đầu Trung tâm Sáng tạo kỹ thuật của Viện Brookings, hoan nghênh quyết sách mới của chính quyền Tổng thống Trump là "kịp thời" dù chưa thể nói trước hiệu quả của quyết định này.
Chia sẻ quan điểm này, ông Daniel Castro, chuyên gia Trung tâm Đổi mới dữ liệu của Mỹ chuyên theo dõi các vấn đề công nghệ, nhận xét để duy trì và thúc đẩy hơn nữa vị thế của Mỹ trong lĩnh vực AI, Nhà Trắng cần tăng cường đầu tư cho các chương trình nghiên cứu và phát triển AI đang được triển khai và các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng liên quan. Chuyên gia này đánh giá cao sắc lệnh của Tổng thống Trump, nhưng cho rằng cần có một chiến lược phát triển AI toàn diện, bao trùm các lĩnh vực như tự do thương mại kỹ thuật số, chính sách thu thập dữ liệu v.v...
Từ một công nghệ chỉ mới vài thập niên trước vẫn được coi như khoa học viễn tưởng, ngày nay AI đã bắt đầu len lỏi và trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người. AI là sự số hóa các kỹ năng tri thức của chính con người để cung cấp các hỗ trợ hoặc tiện ích cho con người. Thế giới công nghệ hiện nay đang chứng kiến một cơn sốt AI, khi Facebook sử dụng AI để “điều hướng” quảng cáo đến với đúng nhóm đối tượng khách hàng quan tâm, nhận dạng người dùng qua ảnh để hỗ trợ tính năng gắn thẻ. Microsoft và Apple sử dụng AI để vận hành các trợ lý ảo Cortana và Siri. Công cụ tìm kiếm của Google ngay từ đầu đã phụ thuộc vào AI. Tuy nhiên, đây chỉ là những bước đi nhỏ trong cuộc săn đuổi tham vọng tạo ra những “bộ não” nhân tạo sở hữu sự linh hoạt và năng lực học tập của con người.
TTXVN/Minh Ngọc
loading...