(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 16/10, mưa lũ trong những ngày qua đã làm 24 người chết và mất tích, 18 người bị thương.
Cụ thể, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã làm 15 người chết (Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 9 người, Thừa Thiên-Huế 2 người).
Có 9 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 8 người); 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 3 người, Thừa Thiên-Huế 2 người).
Nước ngập sâu trong nhà nhiều người dân ở huyện Hương Khê (Ảnh: TTXVN)
Mưa lũ cũng làm 7 nhà bị sập; tổng số nhà hiện còn ngập: 98.215 nhà; diện tích l úa bị ngập: 1.598ha; hoa màu bị ngập: 9.143 ha. Nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông...
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Lũ trên sông Ngàn Phố, hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên. Đến trưa, chiều 16/10, mực nước sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 12,8m, dưới báo động 3 là 0,2m; hạ lưu sông Cả và sông La Sông La ở dưới mức báo động 2.
Để đối phó với mưa lũ tại miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1826 ngày 15/10 yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng và các Bộ, ngành tập trung ứng phó, khắc phục sự cố ách tắc giao thông; Công điện số 1827 ngày 15/10 đề nghị các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế và các Bộ, ngành chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với tình hình mưa lũ.
Theo đó, chiều 15/10 Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn đã đi chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, huy động lực lượng Quân khu 4 và 5; Quân đoàn 3 và 4 ứng trực, sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, gồm 215.992 chiến sĩ và 1.932 phương tiện (947 ô tô, 50 xe lội nước, 80 tàu, 855 xuồng các loại).
Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, gửi thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, tàu thuyền biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương, các sở, ban, ngành tập trung ứng phó với mưa, lũ, đồng thời tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương trực tiếp chỉ đạo phòng, chống mưa, lũ. Trong đó đã huy động lực lượng bộ đội di dời 1.856 hộ dân đến nơi an toàn (Quảng Trạch: 78 hộ; Bố Trạch: 1.500 hộ; Tuyên Hóa: 278 hộ). Tiếp cận và hỗ trợ cung cấp nhiên liệu, thức ăn, nước uống cho cán bộ và hành khách trên tàu bị ách tắc.
UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Nghệ An đã và đang chỉ đạo các địa phương, các sở ban, ngành nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ và phân công cán bộ trực tiếp xuống địa phương đôn đốc việc thực hiện. Các tỉnh, thành phố ven biển khác từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã có công điện thông báo, chỉ huy các địa phương, các sở, ban ngành tổ chức ứng phó với bão số 7 (Sarika).
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ nhất là đối với các khu vực đã xảy ra mưa rất to thời gian qua. Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7, kịp thời thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh...
TTXVN/Văn Hào