Một năm đưa 'Nước Mỹ vĩ đại trở lại' của Tổng thống Trump đầy hoài nghi và tranh cãi
(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ hiếm tổng thống Mỹ nào lại đánh dấu 1 năm cầm quyền đầu tiên bằng nhiều quyết định bất ngờ và khác thường, thậm chí gây tranh cãi gay gắt như vị chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng Donald Trump.
- Luật sư chuẩn bị cho khả năng Tổng thống Trump bị thẩm vấn
- Tổng thống Trump cấm máy bay chở khách Mỹ hoạt động gần Triều Tiên
Hàng loạt quyết sách mà ông Trump đưa ra nhằm thực hiện lời hứa đưa “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” chẳng những đã đảo ngược các chính sách dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, mà còn phá vỡ những nguyên tắc lãnh đạo truyền thống của nước Mỹ. Một năm qua, nước Mỹ dưới bàn tay “chèo lái” của Tổng thống Donald Trump đã có những thay đổi đáng kể, trong khi cả thế giới cũng không ít lần “chao đảo” với những tuyên bố và hành động “không giống ai” của vị tỷ phú được coi là nhà kinh doanh lão luyện song lại không có kinh nghiệm chính trường này.
Không thể phủ nhận rằng dấu ấn thành công của Tổng thống Trump trong năm cầm quyền đầu tiên chính là kinh tế. Nước Mỹ năm qua thực sự đã khẳng định vị thế của “nền kinh tế số một thế giới” với mức tăng trưởng duy trì ổn định khoảng 3%, thị trường chứng khoán liên tục bứt phá. Đây được xem là thành tích kinh tế hết sức ấn tượng bởi 8 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, từng được coi là một trong những giai đoạn kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng gần 30 năm qua, mức tăng trưởng bình quân cũng chỉ đạt 1,6%. Giới kinh doanh ngày càng lạc quan, sức sản xuất và lòng tin của người tiêu dùng được cải thiện đáng kể, nhất là sau khi luật cải cách thuế được ban hành. Đây vốn được Tổng thống Trump xem là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế và gia tăng việc làm.
Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức 4,1%, thấp nhất trong 17 năm qua. Những biện pháp quyết liệt của Tổng thống Trump nhằm điều chỉnh thâm hụt thương mại với các đối tác lớn như Trung Quốc, Đức, mang việc làm và dòng vốn đầu tư trở lại nước Mỹ… đã bắt đầu phát huy tác dụng. Có thể nói, Tổng thống Trump đã giữ đúng cam kết tranh cử về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo chuyển biến trên thị trường lao động để hiện thực hóa chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng có một loạt chính sách nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng ảnh hưởng chiến lược của Mỹ tại những khu vực kinh tế rộng lớn và năng động, trước hết phải kể tới tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà ông đang theo đuổi.
Cũng dễ dàng nhận ra rằng mọi quyết định của Tổng thống Trump trong 1 năm qua, cả đối nội và đối ngoại, đều xoay quanh chính sách thực dụng "Nước Mỹ trước tiên". Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump dễ dàng loại bỏ tất cả những gì mà ông coi là gây tổn hại cho lợi ích của nước Mỹ hay không công bằng với người dân Mỹ. Chỉ 2 ngày sau lễ nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hủy bỏ cam kết của Mỹ đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại mà 12 nước châu Á- Thái Bình Dương đã phải tốn rất nhiều công sức và thời gian đàm phán. Tiếp ngay đó, ông yêu cầu xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tồn tại suốt hơn 20 năm với hai nước láng giềng Mexico và Canada, đều vì lý do các thỏa thuận trên “làm tổn thương đến người lao động Mỹ và làm giảm lợi nhuận của các công ty Mỹ”. Bởi vậy, cùng với việc "quay lưng" với các thỏa thuận thương mại tự do đa phương, ông chủ Nhà Trắng cũng liên tiếp phát đi những thông điệp theo đuổi một chính sách bảo hộ đối với nền kinh tế Mỹ, bất chấp sự chỉ trích của lãnh đạo nhiều nền kinh tế khác.
Tuy nhiên, không ít quyết định phục vụ cho chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump lại gây chia rẽ sâu sắc trong chính nội bộ nước Mỹ. Các biện pháp thắt chặt kiểm soát người nhập cư, trong đó có sắc lệnh hạn chế nhập cảnh và di trú đối với người dân từ một số quốc gia Trung Đông và châu Phi có người Hồi giáo chiếm đa số, đã làm bùng phát làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ của người dân Mỹ. Mặc dù Tổng thống Trump nói rằng sắc lệnh này chỉ nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố cực đoan và việc siết chặt các quy định về nhập cư đã làm giảm 70% số lượng người vượt biên trái phép vào Mỹ so với năm 2016, song những quyết định của Tổng thống Trump cũng kéo theo những rắc rối pháp lý suốt năm đầu nhiệm kỳ của ông mà cho tới nay vẫn chưa kết thúc. Ngay cả đạo luật cải cách thuế mà ông Trump tuyên bố là “đợt cắt giảm thuế lịch sử đối với người dân Mỹ”, cũng là chủ đề gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa tại Quốc hội và trong xã hội Mỹ
Về đối ngoại, tính chất khó lường của Tổng thống Trump thực sự đã gây ra nhiều biến động trên bình diện quốc tế. Cả năm qua, cảm giác bất an đã bao trùm người dân Mỹ và thế giới do chính sách "miệng hố chiến tranh" của ông Trump đối với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ đã lôi sự chú ý của cả thế giới vào những màn "khẩu chiến" không có điểm dừng giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Những tuyên bố dọa dẫm như "trút bão lửa thịnh nộ" lên Bình Nhưỡng, hay đưa tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược tới Bán đảo Triều Tiên vô tình càng thúc đẩy chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng để đối phó với Mỹ. Lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, điều khiến cả thế giới lo lắng lại không phải là những hành động thất thường của Triều Tiên, mà chính là những tín hiệu khó đoán phát đi từ Nhà Trắng. Chính sách của Tổng thống Trump đã khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang cực điểm.
Tình hình tại Trung Đông càng thêm rối ren khi Tổng thống Donald Trump khép lại năm 2017 bằng quyết định công nhận Jerusalem, vùng đất thánh linh thiêng của 3 tôn giáo, gồm Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo, là thủ đô của Israel, động thái giống như một "cú đòn" giáng mạnh vào thế giới Hồi giáo và các nước Arab, gây ra hàng loạt phản ứng giận dữ từ ngay các nước đồng minh của Mỹ. Sự thay đổi đột ngột trong chính sách của chính quyền Mỹ đối với vấn đề "nhạy cảm" này được ví như một "sự phản bội nguy hiểm" đối với chính sách Trung Đông mà Washington thực thi nhiều thập kỷ, phá hoại tiến trình hòa bình Trung Đông mà Mỹ cũng là một bên bảo trợ. Bên cạnh đó, thái độ của người đứng đầu nước Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký cùng với chính quyền Tổng thống Obama và các cường quốc Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức cũng khiến cả thế giới lo ngại. Việc ông Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng quan hệ Washington - Tehran và tạo ra nguy cơ đối với sự ổn định trong khu vực, mà còn làm sứt mẻ hình ảnh của Mỹ như một đối tác đáng tin cậy và ổn định.
Dưới thời Tổng thống Trump, quan hệ với Nga ngày càng giá băng, đặc biệt sau khi ông chủ Nhà Trắng công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới, gọi Nga và Trung Quốc là "những đối thủ" muốn làm xói mòn lợi ích và giá trị Mỹ. Quan hệ vừa được cải thiện giữa Mỹ và Cuba cũng bị "dội gáo nước lạnh" khi Tổng thống Trump tuyên bố đảo ngược một phần chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với La Habana. Chưa dừng lại, những căng thẳng mới đã nảy sinh trong quan hệ giữa Mỹ với Pakistan xuất phát từ những cáo buộc mang tính "khiêu chiến" trên Twitter của ông Trump nhằm vào Islamabad. Những tuyên bố thẳng thừng của ông Trump cũng không ít lần "chọc giận" các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Không những thế, ông Trump còn gây ồn ào khi quyết định Mỹ sẽ đứng ngoài cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, hay tuyên bố Washington chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) từ ngày 31/12/2018. Tất cả những điều đó đang tác động trực tiếp đến vai trò đi đầu của nước Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế, khiến vị thế của Mỹ bị giảm sút, thậm chí có những lúc Washington bị cô lập trên diễn đàn quốc tế, như trong vấn đề Jerusalem.
Dư luận cho rằng mối lo ngại đối với những chính sách mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Trump chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong năm thứ hai của nhiệm kỳ, khi nước Mỹ đối mặt với rất nhiều thách thức như cuộc bầu cử giữa kỳ ở trong nước, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở Trung Đông, mối quan hệ với các nước lớn như Nga, Trung Quốc hay cuộc chiến chống khủng bố.
Phe Dân chủ đang rất muốn thu hẹp khoảng cách với đảng Cộng hòa ở Hạ viện và chỉ cần hai ghế để nắm quyền kiểm soát Thượng viện sau thắng lợi bất ngờ của ứng cử viên Dân chủ trong cuộc bầu cử bổ sung thượng nghị sĩ ở Alabama, bang có truyền thống ủng hộ phe Cộng hòa. Trong bối cảnh tỷ lệ cử tri ủng hộ Tổng thống Trump đang ở mức thấp (chỉ hơn 30%) và phe Cộng hòa đang bị đảng Dân chủ dẫn điểm khá xa trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, hơn lúc nào hết, ông Trump và đảng Cộng hòa cần nhanh chóng sốc lại đội ngũ nếu như không muốn để mất lợi thế hiện nay tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Dẫu bị đánh bại tại Trung Đông, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng vẫn có nhiều tay súng hiện lẩn khuất, sẵn sàng gây ra các vụ tấn công liều chết ngay tại nước Mỹ. Đây chính là điều mà người dân Mỹ đang rất lo ngại và đặt thêm gánh nặng trách nhiệm lên ông Trump. Trong khi đó, vị thế và hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc chính quyền Tổng thống Trump triển khai chính sách đối ngoại, cũng như vào mức độ can dự của Washington đối với những hồ sơ quốc tế "nóng", như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran, căng thẳng tại Trung Đông...
Khó có thể đánh giá cả một nhiệm kỳ tổng thống bằng một năm đầu tiên lãnh đạo, nhưng rõ ràng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump dường như đang lui hẳn về để tập trung cho chính sách “Nước Mỹ trước tiên”. Tuy nhiên, Tổng thống Trump có vẻ vẫn khiến người dân hoài nghi nhiều hơn tin tưởng khi ông là nhà lãnh đạo Mỹ có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong năm đầu cầm quyền trong vòng gần 60 năm trở lại đây. Liệu "Nước Mỹ trước tiên" có giúp ông Trump thực hiện được tham vọng đưa "Nước Mỹ vĩ đại trở lại" hay không, vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Không phải ngẫu nhiên mà kể từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Trump rất hiếm khi nhắc lại cụm từ "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" vốn được ông nói đến rất nhiều trong giai đoạn tranh cử và trong diễn văn nhậm chức. Thế giới sẽ còn nhiều biến động và ông Trump vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều bài toán khó trong năm thứ hai nắm quyền.
TTXVN/Trần Thanh Bình