loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 27/10 cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (Bộ Quy tắc), nhằm triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Ngày 17/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Dự thảo Bộ Quy tắc đưa ra khuyến nghị về chuẩn mực hành vi, ứng xử cho người dùng trên không gian mạng để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn; nâng cao nhận thức của xã hội về các nguy cơ của trẻ em khi hoạt động trên không gian mạng, nhấn mạnh vai trò bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là trách nhiệm của tất cả mọi người. Đồng thời, Bộ Quy tắc cũng là tài liệu chính thống phổ biến cách thức báo cáo khi có nghi ngờ về các hành vi xâm hại cho trẻ em trên không gian mạng.
Có 5 nhóm đối tượng áp dụng Bộ Quy tắc trên không gian mạng bao gồm: Trẻ em; Cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; Người dùng internet; Đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng; Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung tại Việt Nam.
Các quy tắc ứng xử chung đề cập đến việc tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, tôn trọng nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; Ứng xử lành mạnh, tích cực trên không gian mạng, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và phù hợp với độ tuổi trẻ em; Luôn bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng tư của trẻ em theo đúng các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; Tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức về bảo vệ trẻ em để ngăn chặn nội dung không lành mạnh đối với trẻ em, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em...
Ngoài các quy tắc chung, trong dự thảo Bộ Quy tắc này, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ quy tắc ứng xử cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Với trẻ em, cần chú ý 5 quy tắc. Cụ thể là: Tìm hiểu các biện pháp an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội và chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm; Cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm các thông tin; Không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân, không làm quen, gặp gỡ với người lạ qua không gian mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ; Không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè, người khác; Chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, khi bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên không gian mạng...
Cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc cần tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ trên không gian mạng, quan tâm, lắng nghe ý kiến của trẻ, trau dồi, cập nhật kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Người lớn cần hướng dẫn con em mình kỹ năng sử dụng thiết bị, mạng xã hội an toàn, cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm...
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet và nền tảng cần xây dựng nội dung truyền thông phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn cộng đồng; luôn đặt lợi ích của trẻ em và việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng vào vị trí ưu tiên.
Đặc biệt, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, nền tảng có biện pháp kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ em khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; thiết lập các công cụ kỹ thuật để rà soát, chặn lọc và loại bỏ nội dung độc hại đối với trẻ em.
Ngọc Bích/TTXVN
loading...