Lão bà 2 lần lên đỉnh thế giới
(TT&VH) - Ở cái tuổi thất thập, khi nhiều người muốn ở nhà vui vầy với con cháu, hoặc gặp gỡ bạn bè để hàn huyên, thì bà lão Tamae Watanabe người Nhật Bản lại chọn thú vui leo núi cho đỡ buồn chán. Và hôm 19/5, bà đã phá vỡ kỷ lục do chính bản thân lập ra, khi lần thứ hai chinh phục Everest, đỉnh cao nhất thế giới.
Bà Tamae Watanabe đã lên đỉnh Evrest cao 8.850 mét từ sườn Bắc của ngọn núi tại Tây Tạng vào sớm ngày 19/5, cùng với 4 thành viên khác trong đội.
Vận động viên leo núi “lão thành”
Theo Ang Tshering, một quan chức thuộc Hiệp hội leo núi Tây Tạng, Trung Quốc, bà Watanabe đã bắt đầu nỗ lực cuối lên đỉnh từ độ cao 8.300 mét và thành công vào 7h sáng, giờ địa phương.
Watanabe từng lên đỉnh Everest hồi năm 2002, ở tuổi 63 và trở thành người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới từng đặt chân lên ngọn núi này.
|
Tuần này, điều kiện thời tiết ở Everest đã cải thiện. Nhiều đội leo núi đã tìm cách lên đỉnh từ sườn núi phía Nam, nằm ở bên Nepal. Đội leo núi đầu tiên đã lên đỉnh từ ngày 18/5 và sẽ có thêm nhiều đội nữa chạm đỉnh vào ngày 19/5. Năm nay điều kiện thời tiết ở Everest khá xấu và nhiều đội đã phải hủy kế hoạch lên đỉnh của họ. Vì thế, thành tích của bà Watanabe càng thêm nhiều ý nghĩa.
Bà Watanabe là một người về hưu ở tỉnh Yamanashi. Không có nhiều thông tin về bà và chẳng ai rõ bà đã thích leo núi từ khi nào. Nhưng có điều chắc chắn, bà là người rất giàu kinh nghiệm. Ngoài Everest, bà còn lên đỉnh McKinley, ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ và một số đỉnh núi nổi tiếng khác trên thế giới.
Ngọn núi tình yêu của người Nhật
Những người Nhật như bà Watanabe nổi tiếng vì thường thực hiện các nỗ lực chinh phục đỉnh Everest. Trang tin ABC News nói có khá đông người Nhật trong lực lượng hơn 3.000 người đã từng leo lên đỉnh Everest và họ cũng góp một phần vào danh sách ít nhất 212 người đã chết khi cố gắng chinh phục ngọn núi này. Và không ít người trong số đó đã trở thành các kỷ lục gia, như bà Watanabe. Ngày 16/5/1975, Junko Tabei, một thành viên đội leo núi Everest toàn nữ Nhật Bản đã thành công trong việc lên đỉnh Everest. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới lên đỉnh núi này và kỷ lục của bà đã được cả thế giới ngợi ca. Nó có ý nghĩa hơn nhiều bởi năm 1975 được thế giới dành để tôn vinh phụ nữ.
Ngày 9/5/2002, Yuichiro Miura, 70 tuổi, đã trượt tuyết từ đỉnh Everest và con trai ông thì leo lên đỉnh Cho Oyu (8.201mét). Ông không chỉ là người già nhất khi đó leo lên Everest mà còn ghi kỷ lục là cặp bố con đầu tiên thành công khi chinh phục một đỉnh núi cao hơn 8.000 mét.
Năm 2007, ông Katsusuke Yanagisawa, 71 tuổi, đã leo lên đỉnh Everest và trở thành người đàn ông già nhất nước này chinh phục ngọn núi. Ông nói rằng đã muốn leo lên Everest, sau khi chinh phục thành công đỉnh Cho Oyu, cao thứ 6 thế giới, nằm cách Everest 20km. “Từ đỉnh Cho Oyu, tôi đã thấy giấc mơ tiếp theo của mình” - ông kể.
Yanaghisawa leo lên đỉnh Everest cùng một đội vận động viên hỗn hợp Nhật Bản - New Zealand và khi cán đích, đã phá vỡ kỷ lục trước đó do một người đồng hương 70 tuổi lập được hồi tháng 5/2006. Ông Yanagisawa nói rằng mình vô cùng tỉnh táo khi lên đỉnh và thậm chí còn có thể hát một ca khúc khải hoàn.
Cuộc đua qua “vùng tử địa”
Việc có nhiều người cao tuổi từng chinh phục thành công Everest có thể khiến người ta lầm tưởng nơi đây “dễ dãi” với con người. Thực tế, độ cao từ 8.000 mét trở lên trên Everest và các ngọn núi cao tương tự được gọi là “vùng tử địa” và cho dù bạn tập luyện kỹ tới đâu, sẽ không ai cho phép bạn sống quá 48 giờ ở đây.
Giới chuyên môn nói rằng mức ô xy ở vùng Tử địa rất thấp, chỉ bằng 1/3 mực nước biển. Điều này có nghĩa cơ thể sẽ đốt cháy lượng ô xy nhanh hơn nhiều hoạt động thở mang lại. Khi thiếu ô xy, người ta sẽ gặp ảo giác, cơ thể mất đi gần hết sức mạnh cơ bắp, khả năng phán xét sẽ giảm thiểu. Bất kỳ ai cố ở lại “vùng tử địa” mà không có bình ô xy phụ sẽ giống như việc họ bị bóp cổ từ từ tới chết. Thiếu ô xy và địa hình hiểm ác không phải là thách thức duy nhất trên đỉnh Everest. Việc lên núi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, kéo dài từ tháng 5-tháng 6, khi điều kiện thời tiết được xem là “lý tưởng” nhất, nghĩa là nhiệt độ bên ngoài thường ở mức -27 độ C và gió mạnh hơn 70km/h. Nhưng đỉnh Everest quá cao tới mức đỉnh núi thực ra đã chạm tới tầng bình lưu và ở đây tồn tại các luồng gió cực mạnh, với tốc độ lên đến 300km/h, đẩy nhiệt độ xuống - 73 độ C.
Nếu da người tiếp xúc với nhiệt độ lạnh như vậy, nó sẽ rất dễ bị bỏng lạnh. Hiện tượng này xảy ra khi các mạch máu trong phần da quá lạnh sẽ teo lại để bảo vệ nhiệt độ cơ thể. Theo thời gian, nếu vùng da bị lạnh không được làm ấm lại, sự thiếu máu sẽ làm các mô ở đây bị chết và ngay cả khi người ta làm ấm lại, chúng cũng đã bị hoại tử. Trong tình huống này, phẫu thuật cắt bỏ vùng bỏng lạnh là giải pháp duy nhất. Ngoài ra còn phải kể tới hiện tượng chết do say độ cao, do kiệt sức.
Cách đây 1 năm, người ta hẳn còn nhớ cựu Ngoại trưởng Nepal Shailendra Kumar Upadhyaya đã định lên đỉnh Everest ở tuổi 82 và qua đó ghi kỷ lục thế giới là người già nhất từng chinh phục đỉnh núi này. Nhưng cuối cùng, ông đã chết gục bên sườn Everest khi đang quay về trại căn cứ, trở thành nạn nhân của chứng say độ cao. Vì lẽ đó, thành tích của Tamae Watanabe là vô cùng ấn tượng, nếu xét tới việc bà thuộc về phái yếu và đã chiến thắng ngọn núi hiểm ác không chỉ một, mà tới hai lần.
Tường Linh