A+ A A- Kiểu đọc sách

Lần thứ ba TTXVN vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng

15:42 02/09/2020
loading...

Lần thứ ba TTXVN vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1-9-2020, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 15 tập thể vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thông tấn xã Giải phóng (Thông tấn xã Việt Nam-TTXVN) có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu lần này. Đây là lần thứ ba, TTXVN vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng.        

Ngày 15-9-1945, Việt Nam Thông tấn xã phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng với danh sách Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua những bản tin bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại không chỉ với TTXVN mà với cả dân tộc - Ngày 15-9 đã trở thành Ngày truyền thống của ngành thông tấn quốc gia.   

Quá trình hình thành và phát triển của TTXVN luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước của nhân dân ta. Trong công cuộc kháng chiến cứu quốc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN đã thực sự là những nhà báo-chiến sĩ.

Với trên 260 liệt sỹ, TTXVN là cơ quan báo chí có số nhà báo hy sinh nhiều nhất trong số các cơ quan báo chí cả nước.

Cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam         

Năm 1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã tạm thời chia Việt Nam thành hai miền do hai chính thể quản lý để chờ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.         

Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự giúp đỡ và chỉ đạo của Mỹ, ra sức phá hoại Hiệp định, từ chối hiệp thương với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam trong thời hạn hai năm theo quy định tại Hiệp định.      

Chú thích ảnh
Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tác nghiệp ở chiến trường Củ Chi. Ảnh: TTXVN

Nhằm duy trì chế độ bù nhìn, phản động của mình, Mỹ-Diệm ra sức đàn áp những người yêu nước và phong trào cách mạng ở miền Nam. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình miền Nam và từ những yêu cầu tất yếu của cách mạng trong tình hình mới, năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị, sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.

Để khẳng định sự chính danh và tăng cường thống nhất sự lãnh đạo cách mạng trong toàn miền, việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một yêu cầu cấp bách.         

Sau chiến thắng Tua Hai (ngày 26-1-1960) tại Tây Ninh, Cơ quan Xứ ủy Nam kỳ dời về căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) và xúc tiến việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Để phục vụ cho việc tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 20-12-1960) và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn Xứ ủy đã giao đồng chí Đỗ Văn Ba, nguyên phụ trách Chi nhánh Việt Nam Thông tấn xã Nam Bộ trong thời kháng chiến chống Pháp, chịu tránh nhiệm về nhân sự, phương tiện kỹ thuật… chuẩn bị cho sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng.         

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, đúng 19 giờ ngày 12-10-1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), "Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam" đã bắt đầu phát lên trên sóng điện 31 m bằng một chiếc máy phát sóng 15 W, đánh dấu sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng với tên gọi "GPX" (Giải phóng xã).         

Trong lời ra mắt, Thông tấn xã Giải phóng trịnh trọng thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới: “Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.         

Ngoài ra, Giải phóng xã cũng sẽ cung cấp một số tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng”.         

Thực hiện tôn chỉ, chức năng và nhiệm vụ đó, trong suốt hơn 15 năm ra đời và phát triển, Thông tấn xã Giải phóng luôn đi tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền; trở thành cơ quan chủ lực trong khối thông tấn báo chí cách mạng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn đầu thống nhất đất nước.         

Với tư cách là cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng với các bản tin phản ánh "đúng sự thật, đúng sự lãnh đạo của Đảng", phát đi từ Hà Nội đều đặn vào 18 giờ hàng ngày, đã trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, mạnh mẽ, góp phần cực kỳ quan trọng làm nên những chiến công chói lọi của dân tộc ta đi tới ngày thống nhất đất nước.

Chú thích ảnh
Tổ điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng gửi tin, bài về tổng xã trong những ngày kháng chiến. Ảnh: TTXVN

Duy trì ‘mạch máu’ thông tin giữa chiến trường ác liệt         

Với khẩu hiệu "Làn sóng điện không bao giờ tắt", từ lúc ra đời, mặc dù chỉ có một số máy phát 15 watt, nhưng Thông tấn xã Giải phóng không ngừng nỗ lực vượt khó, cải tiến phương tiện kỹ thuật tại chỗ và tiếp nhận các phương tiện kỹ thuật mới được tăng cường, hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Nhờ vậy Thông tấn xã Giải phóng nhanh chóng trở thành cơ quan thông tấn báo chí có phương tiện kỹ thuật tốt và có tính bảo mật cao nhất trong khối thông tin báo chí cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ.         

Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt, dưới bom đạn kẻ thù, mặc dù Thông tấn xã Giải phóng phải thay đổi căn cứ hàng chục lần, nhưng vẫn luôn duy trì "mạch máu" thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn-Gia Định… đều luôn nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước, giúp Trung ương cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường mà còn là những bằng chứng tố cáo với toàn thế giới về tội ác tàn bạo của Mỹ-ngụy, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè khắp năm châu đối với cuộc kháng chiến đầy gian lao của nhân dân ta.         

Trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng. Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, thông tin kịp thời thành tích của quân dân ta từ chiến thắng tại Ấp Bắc (năm 1963), Bình Giã (năm 1964) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968) đánh vào Sài Gòn và các đô thị miền Nam…    

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Thông tấn xã Giải phóng tung ra hai cánh quân lớn cùng với một số phóng viên Việt Nam Thông tấn xã bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh về các trận đánh, về tình hình chiến trường, về các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng… Nhờ vậy, phóng viên Thông tấn xã đã kịp thời ghi lại thời khắc lịch sử, với những bức ảnh nổi tiếng như "Xe tăng chiếm dinh Độc lập" của phóng viên Trần Mai Hưởng hay "Mẹ con ngày gặp mặt" của phóng viên Lâm Hồng Long...      

Chú thích ảnh
Đoàn cán bộ phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng đi chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường tiến về Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những thông tin trên chiến trường, Thông tấn xã Giải phóng còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và của ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Hàng ngày, các phái đoàn đàm phán của ta đều nhận được bản tin của Thông tấn xã Giải phóng, phục vụ đắc lực công việc đàm phán.         

Thông tấn xã Giải phóng đã tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế. Cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên mặt trận quân sự, ngoại giao... đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân 1975.         

"Chắc tay bút, vững tay súng"        

Bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh, đúng định hướng tư tưởng, góp phần mạnh mẽ vào việc cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sĩ thực thụ.         

Tại căn cứ cũng như các phân xã, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đều được trang bị vũ khí, từ súng tiểu liên đến cả súng chống tăng và súng cối 82 mm. Không chỉ cầm súng để bảo vệ căn cứ, bảo vệ nơi trú đóng mà tất cả phóng viên Thông tấn xã Giải phóng khi tham gia đưa tin trong các trận đánh đều trở thành chiến sỹ, luôn "tay viết-tay súng, tay máy-tay súng".        

Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng đã kiên cường chiến đấu với quân địch và sẵn sàng hy sinh để bảo toàn căn cứ. Để có những dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh có sức cổ vũ, để kịp thời chuyển tải những thông tin lãnh đạo của Đảng ta đến chiến sĩ, nhân dân miền Nam, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã phải có mặt tại những nơi nóng bỏng, tại mặt trận như những người lính và cũng chịu hy sinh như người lính.      

Chú thích ảnh
 Phóng viên TTXGP trên đường hành quân. Ảnh: TTXVN

Trong muôn vàn dòng tin tấm ảnh các anh các chị gửi về miền Bắc có cả những dòng tin cuối cùng của một phân xã, bởi chỉ sau đó ít phút các anh các chị đã phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng để những dòng tin ấy đến được Hà Nội, đến được với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Một cuốn phim chụp dở dang, một đoạn phim còn trong máy quay, một bản tin đang phát dở không lưu tên tác giả, không rõ người phát. Đó là những tác phẩm vô giá bởi chúng đã được đổi bằng cả cuộc đời.         

Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng, tháng 3-1967, tại căn cứ Tây Ninh, đã bắn cháy hai xe bọc thép Mỹ và anh dũng hy sinh, được tuyên dương danh hiệu "Dũng sĩ diệt cơ giới". Đồng chí Trần Văn Minh (chiến đấu cùng đồng chí Đặng) bị thương nặng, bị Mỹ bắt và cưa chân. Đồng chí Trương Thị Mai, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ở Trung Nam Bộ bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hy sinh để bảo toàn căn cứ.         

Nhiều trường hợp hy sinh cả tập thể, cơ quan bị xóa sổ nhiều lần, nhưng các phân xã, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể như Phân xã Kiến Tường (nay là Long An) 3 lần bị địch hủy diệt, hàng chục đồng chí hy sinh năm 1968; Phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) 5 lần bị địch giết hại toàn bộ phóng viên, kỹ thuật viên; Phân xã Nam Tây Nguyên (khu X) có 5/6 đồng chí cùng hy sinh do bom địch năm 1969… Rồi có gia đình, hai cha con, hai anh em ruột đều là liệt sĩ của Thông tấn xã Giải phóng.         

Trong số các liệt sỹ của Thông tấn xã Giải phóng có đồng chí Phó Giám đốc Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy), hy sinh tại Trảng Dầu (Bình Long) ngày 21-9-1967 do bị địch ném bom. Ông là nhà báo đầu tiên được lấy tên để đặt cho đường phố ở Việt Nam (đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).         

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thì trong 30 năm chiến tranh giữ nước, báo chí cả nước có khoảng 450 người hy sinh thì riêng Thông tấn xã Giải phóng có tới 240 người, là đơn vị có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng già, đến nay hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Bên cạnh đó, hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến  trường. Đây là những tổn thất to lớn nhưng cũng là niềm tự hào về truyền thống dũng cảm kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ xung kích trên mặt trận báo chí và tư tưởng, sẵn sàng hy sinh để duy trì "mạch máu" thông tin giữa chiến trường ác liệt.         

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Thông tấn xã Giải phóng, năm 1968, Trung ương cục miền Nam khen tặng Thông tấn xã Giải phóng 16 chữ vàng "CẦN CÙ DŨNG CẢM, TỰ LỰC CÁNH SINH, KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ", cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước.         

Sau khi thống nhất đất nước, ngày 24-5-1976, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng - cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam - được hợp nhất, đánh dấu một giai đoạn mới trong bước phát triển của ngành.   

Ngày 12-5-1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 84/NQ-QHK6 phê chuẩn việc đổi tên Việt Nam Thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam.

Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển gắn liền với những dấu mốc lịch sử của đất nước, TTXVN là cơ quan báo chí ba lần được phong tặng ba danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và 2 lần phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với đó, TTXVN đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.  

Cùng với đó, TTXVN đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Hoàng Yến/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...